Bão số 3 (Yagi) đã tôn vinh nhiều tấm lòng tử tế, nhưng cũng đã "vạch mặt" không ít kẻ cơ hội.
Tôi từng ghé quán Cơm sạch bà Liên - một quán ăn bình dân nổi tiếng ở TP Hạ Long (Quảng Ninh) vài lần. Cơm ở đây ngon nên đông khách. Giá mỗi suất khá đa dạng, nhưng thường chỉ từ 40.000-50.000 đồng (theo đĩa) đã đủ no.
Mấy ngày nay, lướt Facebook, đọc báo thấy nhiều tin tức viết về quán cơm trên bị cộng đồng tẩy chay vì "chặt chém" khách hàng. Theo thông tin trên mạng, trong khi người dân TP Hạ Long đang vất vả, chịu thiệt hại nặng nề do bão số 3 thì quán Cơm sạch bà Liên không nhận chuyển khoản, chỉ nhận tiền mặt. Thậm chí, quán bán giá tối thiểu 70.000 - 80.000 đồng/suất cơm.
Ngày 9/9, nhóm khách 7 người tới quán Cơm sạch bà Liên nhưng quán không nhận chuyển khoản. Cả đoàn khách gom được 280.000 đồng và xin được ăn 7 suất 40.000 đồng nhưng bị từ chối phục vụ.
Nhắc đến chuyện trên lại nhớ mới tuần trước, nhiều người quê tôi vì nghe tin đồn thất thiệt "vỡ đê ở Hải Dương", sợ lũ lụt nên đổ xô đi mua đồ dùng, lương thực về tích trữ. Một chị hàng xóm với tôi tỏ ra bức xúc, than vãn mua 1 chiếc bếp ga mini mà phải bỏ ra 380.000 đồng, đắt hơn ngày thường từ 160.000 - 200.000 đồng/chiếc. Mẹ tôi dưới quê kể dân làng bảo nhau từ giờ sẽ không đến nhà ông B. xát gạo nữa vì ngày bão mà tăng giá 10.000 đồng/thúng thóc...
Tôi nhớ hồi nhỏ, cũng vào một đợt Hải Dương đón bão lớn. Gió giật tung nóc nhà vợ chồng ông cụ hàng xóm. Ông bà nội tôi đón 2 cụ sang ở, cùng chia nhau bát cơm độn khoai lang ăn với cá khô tích trữ. Những nhà xây thì cho nhà hàng xóm xập xệ sang tránh trú.
Cả làng tôi có một quán tạp hoá nhỏ nhưng sẵn sàng bán chịu những mặt hàng thiết yếu và giữ nguyên mức giá như ngày thường cho bà con... Mưa bão lật tung mọi thứ nhưng nó chẳng thể nào phá vỡ được lòng tốt và sự tử tế của dân làng. Họ cùng vượt qua nhiều trận thiên tai nhờ tình người như thế.
Những ngày chống bão số 3 vừa qua, tôi vẫn thấy lòng tốt và sự tử tế tràn ngập khắp mọi miền Tổ quốc. Là chuyện một thầy giáo ở TP Hồ Chí Minh rút tiền dưỡng già 1 tỷ đồng ủng hộ đồng bào vùng lũ; là chuyện nhiều em nhỏ ở Hải Dương quyên góp tiền tiết kiệm, sách vở, đồ dùng học tập ủng hộ các bạn bị ảnh hưởng bởi bão lũ; là những chuyến hàng chở nặng lương thực, thực phẩm do người dân khắp các tỉnh miền Trung, miền Nam đóng góp chở ra tiếp tế cho bà con vùng thiên tai ở miền Bắc; là những chỗ ở "0 đồng", những suất ăn miễn phí cho những người bị ảnh hưởng bởi ngập úng... Còn nhiều lắm những việc làm tử tế, giàu tình người.
Lịch sử đã chứng minh, sự đoàn kết, sẻ chia, yêu thương luôn là sức mạnh vô địch để nhân dân chiến thắng thiên tai, địch họa. Vậy mà trong xã hội lại vẫn đang tồn tại một số kẻ hám tiền, tranh thủ cơ hội để móc túi người dân trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Họ đã quên đi tình dân tộc, nghĩa đồng bào mà trơ trẽn làm những việc đớn hèn để cố nhét cho đầy túi tham. Sự lên án, tẩy chay của cộng đồng dành cho những hành động cơ hội này hoàn toàn xứng đáng.
Thiên tai tôn vinh hàng nghìn nghĩa cử cao đẹp nhưng cũng "vạch mặt" những kẻ cơ hội.
BÌNH MINH