Cần có quy định công khai quà tặng

18/09/2022 09:38

Báo cáo kết quả phòng, chống tham nhũng của Chính phủ cho hay trong năm 2022 có 7 trường hợp nộp lại quà tặng với số tiền 135,3 triệu đồng.

Ngay lập tức, dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về con số quá ít ỏi này trong số nhiều cán bộ bị kỷ luật do có liên quan đến tham nhũng và cho rằng cần sớm có quy định về công khai quà tặng.

Ông Lê Như Tiến (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục): Đáng buồn hơn vui

Nhìn vào con số từ báo cáo thì đáng buồn hơn vui và đặt ngay câu hỏi 61 tỉnh, thành còn lại thì sao? Bên cạnh đó, hai địa phương có báo cáo cũng chỉ có 7 trường hợp? 

Giá như 61 tỉnh, thành đều có những trường hợp nộp lại quà tặng và được báo cáo đầy đủ thì nhìn vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua quà tặng sẽ tốt hơn biết bao.

Thông thường người ta chỉ tặng bó hoa, hộp bánh, đó mới thực sự là quà. Nhưng thực tế không ít trường hợp đã nhân dịp lễ, Tết, mừng sinh nhật, mừng nhà mới hay thăng chức, lên cấp... cứ nườm nượp đến nhà lãnh đạo, cấp trên biếu, tặng quà thì tôi cho đó là một sự "hối lộ trá hình" hoặc là sự "mua bán, trả lễ cấp trên" được gọi dưới cụm từ mỹ miều là "tặng quà". Do đó về tâm lý không bao giờ người ta muốn công khai, minh bạch.

Tôi rất băn khoăn dù chúng ta nói rất ít trường hợp nộp lại quà tặng nhưng nhiều cử tri, nhân dân phản ảnh tình trạng "biếu, tặng quà" lãnh đạo cấp trên vẫn còn diễn ra. Chúng ta đã có những hành lang pháp lý cả ở Luật Phòng chống tham nhũng hay Luật Cán bộ công chức nhưng có vẻ thấy vẫn chưa có được những giải pháp ngăn chặn quyết liệt, kịp thời, hiệu quả và chưa tạo được sự khuyến khích nộp lại quà tặng. Chúng ta cần giải pháp quyết liệt, thực tế chứ không rất dễ biến việc nộp lại quà tặng sẽ mãi chỉ là khẩu hiệu.

Một số cán bộ, quan chức từng “nhận quà” thành “nhận án tù” - Ảnh tư liệu

Ông Lê Thanh Văn (nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Thành Ủy TP Hồ Chí Minh): Không thể có quà trước - sau mỗi vụ việc

Từ nét văn hóa đẹp của người Việt, việc tặng quà đã bị lợi dụng, biến tướng trở thành việc biếu xén, mua chuộc, làm quen cán bộ, công chức nhằm phục vụ ý đồ của nhiều người, nhiều cơ quan. Hiện nay việc tặng nhà, xe và những tài sản có giá trị lớn không phải là hiếm. Bởi vậy, việc chỉ có 7 người trả lại quà cho tổ chức là rất khó hiểu.

Một mặt, con số ít ỏi này có chăng chỉ từng đó người bị phát hiện hoặc tự giác trả lại? Tuy nhiên, bên cạnh những cán bộ cơ hội, tham nhũng cũng có nhiều người liêm khiết, trong sáng, nhiều người không nhận quà hoặc trả lại tổ chức nhưng không công khai.

Với việc tặng quà muôn hình vạn trạng, khó phân định mục đích của quà tặng thì ngoài việc giáo dục đạo đức công vụ, cần có quy định cụ thể việc khai báo công khai các món quà tặng của cán bộ, công chức tại các đơn vị. Không thể để việc quà tặng của ai người đó được lấy về, bởi thực tế người ta tặng quà là do anh đang giữ chức vụ trong cơ quan nhà nước, còn anh về hưu biết bao nhiêu người còn tặng quà. 

Khi cá nhân công khai món quà, tùy vào quy định mức khung cụ thể, tập thể tổ chức đó sẽ xem xét để phân biệt món quà nào tặng với tư cách đại diện tổ chức, cơ quan, món quà nào là tặng cho cá nhân lãnh đạo đó và từ đó sẽ quyết món quà nào cá nhân lãnh đạo được nhận, món quà nào phải trả lại tổ chức hoặc người tặng. Trong đó tuyệt đối không thể để cán bộ nhận quà trước hoặc sau khi giải quyết một vụ việc cụ thể của cá nhân, tổ chức nào đó.

Ông Phạm Trọng Đạt (nguyên Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ): Bản chất của tặng quà là biến tướng của "đưa hối lộ"

Thực tế việc tặng quà cho lãnh đạo, cán bộ, công chức đơn vị bao giờ cũng có động cơ, mục đích cụ thể. Bản chất của quà dù lớn hay nhỏ cũng không phải là tình cảm mà chính là sự biến tướng của hành vi "đưa hối lộ" rồi "nhận hối lộ". 

Nếu là những người liêm khiết, trong sáng khi nhận trực tiếp quà sẽ trả lại ngay chứ không cần phải nộp lại cho cơ quan, đơn vị. Việc nhận bằng một hình thức nào đó rồi nộp lại cho Nhà nước thực tế rất ít, bởi đứng về mặt tâm lý không nhiều người chấp nhận làm việc đó.

Hiện nay pháp luật về phòng, chống tham nhũng của chúng ta đã có những quy định cụ thể về việc nộp lại quà tặng. Do đó trong thời gian tới cần tuyên truyền, khuyến khích để cán bộ, công chức nhận thức rõ trách nhiệm và thực hiện việc này. 

Đồng thời cũng cần có tuyên truyền nhấn mạnh đến việc khi phát hiện được sẽ xử lý nghiêm minh những người nhận quà trái quy định nhưng cố tình không báo, không nộp lại.

PGS.TS Võ Trí Hảo (Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định): Công khai và phân biệt rạch ròi quà tặng

Người nào có hành động trả lại quà cho tổ chức cần phải hoan nghênh. Tuy nhiên, về lâu dài cần tham khảo các quy định rõ ràng của các nước trong vấn đề nhận quà của quan chức. 

Ví dụ ở một số nước, nếu quan chức nhận món quà 200 USD sẽ phải khai báo, sau đó một bộ phận kiểu như phòng, chống tham nhũng sẽ họp lại, quyết định món quà đó là tặng cá nhân hay cơ quan, đơn vị. Khi xác định món quà đó là tặng cá nhân cũng sẽ xác định cá nhân đó có được nhận món quà đó hay không.

Như vậy, đầu tiên phải có quy định về quy trình kê khai quà tặng. Khi ai đó giữ chức vụ thì cơ quan có quyền đặt ra câu hỏi và người đó có trách nhiệm kê khai cụ thể các món quà được nhận rồi xem xét tính khách quan, độc lập trong việc thi hành công vụ hay không. Ví dụ, giám đốc sở xây dựng đến thăm một họa sĩ được tặng một bức tranh là việc bình thường, nhưng nếu đến thăm một doanh nghiệp vật liệu xây dựng và được tặng quà lại cần xem xét.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội): Cần giải pháp cụ thể chứ không phải khẩu hiệu thông thường

Nếu nhìn số tiền hơn 135 triệu đồng giá trị quà tặng mà 7 trường hợp này nộp lại so với thực trạng của vấn đề "quà tặng" rõ ràng không thấm vào đâu. Bởi đây chỉ là con số rất nhỏ được báo cáo. Thực tế khi nhìn lại vụ Việt Á có thể thấy các đối tượng đã chi đến 800 tỷ đồng để làm "hoa hồng" lại quả.

Thời gian qua chúng ta đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động, có những quy định cụ thể của pháp luật về vấn đề nộp lại quà tặng như quy định về nộp lại quà tặng theo điều 27 Nghị định 59 năm 2019 của Chính phủ. 

Tuy nhiên thực tế số lượng cán bộ, công chức nộp lại quà tặng rất ít. Điều này cho thấy các biện pháp chưa thực sự hiệu quả. Do đó, thời gian tới cần có biện pháp, giải pháp cụ thể chứ không phải chỉ là những khẩu hiệu thông thường.

Quà có giá trị bao nhiêu thì được nhận?

* Tại Anh, luật pháp cho phép các chính khách chỉ được giữ lại những món quà có giá trị dưới 140 bảng Anh (khoảng 160 USD), trừ khi họ bỏ tiền túi thanh toán nốt phần còn lại của giá trị món quà khi nó vượt mốc cho phép này.

Do đó, khi cựu Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne được Hãng Cambridge Satchel Company chuyên sản xuất cặp da cao cấp tặng một sản phẩm của họ có giá cao hơn 140 bảng Anh, ông Osborne đã không được phép nhận mà phải chuyển chiếc cặp da cho Bộ Tài chính quản lý.

Tương tự, các cựu Ngoại trưởng Anh Philip Hammond và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Philip Dunne cũng phải gửi lại tổng cộng 6 chiếc đồng hồ mà Qatar tặng họ chỉ trong 3 tháng đầu tiên năm 2014 vì giá mỗi chiếc cao hơn 140 bảng Anh. Cũng vì luật này mà cựu Thủ tướng Anh David Cameron đã trả thêm 10 bảng và 139 bảng để được sở hữu hai món quà có giá lần lượt 150 bảng và 279 bảng là chiếc đồng hồ do Interpol tặng và đôi giày của Hãng Oliver Sweeney.

Toàn bộ các món quà đã tặng cho các thành viên nội các Chính phủ đều được ghi lại cụ thể do ai/quốc gia nào tặng, tặng khi nào, giá bao nhiêu và công khai. Trên trang web của Chính phủ Anh (www.gov.uk) đã có các thông báo công khai về những món quà này, việc tiếp khách và các chuyến công tác nước ngoài của các thành viên Chính phủ.

Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm là không phải nước Anh "tự nhiên" có sự công khai đó. Theo báo Guardian, đây là kết quả đấu tranh không ngừng suốt hai năm của họ kể từ tháng 4.2001, tới năm 2003 mới bắt đầu có cuộc công khai quà tặng đầu tiên.

* Tại Úc, hiện nay những món quà dưới 300 AUD (201 USD) hoặc dưới 750 AUD (504 USD) nếu là "các nguồn chính thức như các chính phủ nước ngoài" thì không phải công khai. Nhưng cũng có những ý kiến cho rằng nên hạ chuẩn này xuống để buộc các chính khách phải công khai các món quà có giá từ 100 AUD (67 USD) trở lên, hoặc thậm chí là 20 AUD (13,44 USD) vì không chỉ là giá trị món quà, mà đi kèm với nó còn là những xung đột lợi ích khác đã không được công khai.

Thậm chí có quan điểm cho rằng thay vì đặt ra chuẩn giá trị quà không phải công khai thì chính phủ nên có quy định cấm luôn các món quà có giá trị lớn, chẳng hạn có thể quy định các chính trị gia không được nhận quà có giá cao hơn 50 AUD (34 USD).

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Cần có quy định công khai quà tặng