Du lịch

Hải Dương thiếu sản phẩm quà tặng du lịch

HẢI ĐĂNG 02/12/2023 18:00

Hải Dương là địa phương có nhiều điểm du lịch nổi tiếng, thu hút đông lượng khách du lịch, tuy nhiên, tỉnh chưa phát triển được các sản phẩm du lịch đặc trưng.

00:00

z4923363169482_ce316169b37d0aab3b4bf5d5221a3c6b.jpg
Hải Dương có nhiều tiềm năng để phát triển sản phẩm quà tặng du lịch nhưng chưa được khai thác hết. Trong ảnh: Du khách tham quan di tích Kiếp Bạc

Chưa khai thác hết tiềm năng

“Sản phẩm quà tặng du lịch của Hải Dương còn khá nghèo nàn và đơn điệu” - đó là nhận xét của bà Hoàng Thị Thúy, Giám đốc Công ty Du lịch quốc tế Dòng chảy Việt (TP Hải Dương).

Theo bà Thúy, do có nhiều tài nguyên du lịch cộng với giao thông thuận lợi nên hằng năm Hải Dương đón một lượng khá lớn du khách đến tham quan, chiêm bái, trải nghiệm. Bên cạnh đó, tỉnh cũng có nhiều làng nghề và làng nghề truyền thống, nhiều sản phẩm OCOP đã được công nhận. Đây là thế mạnh lớn, là nền tảng để xây dựng nhiều sản phẩm quà tặng du lịch. Tuy nhiên, tỉnh chưa khai thác hết được những tiềm năng này.

“Công ty tôi liên kết với một số công ty ở các địa phương khác đưa du khách tới tham quan tại Hải Dương. Khi hợp tác, phía đối tác đều hỏi chúng tôi về việc mua các sản phẩm quà tặng du lịch nhưng thực tế cho thấy, rất ít đoàn có thể mua được những món quà ưng ý. Bởi có nhiều món là đặc sản nổi tiếng ở địa phương nhưng không được giới thiệu, quảng bá rộng rãi, không có điểm bán tập trung hoặc nếu có điểm bán thì giá lại quá cao, ví dụ như gốm Chu Đậu, tranh thêu Xuân Nẻo… Những sản phẩm này đều có giá từ vài trăm nghìn đồng trở lên, chỉ đáp ứng được một bộ phận nhỏ du khách”, bà Thúy cho biết.

Công ty này vừa đưa một đoàn khách đi tham quan khu du lịch sinh thái Đảo Cò ở Thanh Miện. Dù nhiều người muốn mua đồ về làm quà nhưng mấy hàng quán gần đó chỉ bán đồ chơi trẻ em và mấy đồ lưu niệm thông thường. Sau đó, công ty du lịch đưa du khách vào làng nghề bánh đa Hội Yên mua bánh đa về làm quà. Bánh đa Hội Yên ngon nhưng lại không được du khách biết đến do làng nghề chưa chú trọng quảng bá, xây dựng thương hiệu.

Ví dụ trên tại khu du lịch sinh thái Đảo Cò có lẽ cũng là thực trạng chung tại nhiều điểm du lịch ở tỉnh. Hiện nay, tại hầu hết các điểm du lịch của tỉnh đều có các hàng quán bán phục vụ du khách nhưng chủ yếu bày bán những sản phẩm thông thường chứ chưa phải là quà tặng du lịch đặc trưng.

Trước khi kết thúc chuyến du lịch Hải Dương, chị Trần Hoàng Hạnh, một du khách ở Đà Nẵng cũng khá băn khoăn không biết nên mua đồ gì về làm quà tặng cho mọi người ở nhà. “Tôi được một người bạn ở Hải Dương cho mượn cuốn Ẩm thực - đặc sản xứ Đông - Hải Dương, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phát hành để nghiên cứu các món ăn đặc sản, nhà hàng nổi tiếng và các sản phẩm có thể làm quà tặng du lịch của Hải Dương nhưng tôi khá thất vọng khi xem các món làm quà tặng du lịch. Tại mục này, tôi thấy có 15 sản phẩm nhưng trong đó có đến mấy sản phẩm là cà chua, dưa lưới, nấm... Nói thật, những món này chúng tôi mua ở đâu cũng được. Dù muốn lựa chọn những món khác biệt chút ngoài bánh đậu xanh và bánh gai nhưng do không tìm thấy thông tin nên tôi cũng phải mua hai món trên về làm quà”, chị Hạnh kể.

Một trong những nguyên nhân khiến việc phát triển sản phẩm quà tặng du lịch của tỉnh còn hạn chế cũng đến từ chính các doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất. Người dân tại các làng nghề chưa chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng; chưa có chiến lược phát triển thương hiệu và nghiên cứu thị trường.

Dù sản phẩm tỏi đen Vietkiga của Công ty CP Sản xuất thương mại Agrico (An Phụ, Kinh Môn) được xây dựng thành sản phẩm quà tặng du lịch nhưng ông Nguyễn Văn Ánh, Giám đốc công ty thừa nhận, hiện công ty mới chỉ quan tâm phát triển sản phẩm theo hướng tiêu dùng chứ chưa quan tâm lắm đến việc phát triển làm quà tặng du lịch.

Bà Nguyễn Thị Nga, chủ cơ sở sản xuất bánh gai Nga Tới (thị trấn Ninh Giang) cho biết cũng chưa chú trọng nhiều đến việc phát triển sản phẩm bánh gai của cơ sở thành sản phẩm quà tặng du lịch.

Nên nghiên cứu xây dựng các khu sản xuất quà tặng du lịch

z4926357651646_3337f689a5f894a84db7349b95002357(1).jpg
Nhiều người ở các làng nghề truyền thống chưa chú trọng phát triển sản phẩm thành quà tặng du lịch

Sản phẩm quà tặng du lịch không chỉ góp phần làm tăng giá trị kinh tế cho ngành du lịch mà còn góp phần quảng bá hình ảnh của Hải Dương đến du khách. Xác định rõ điều này, những năm qua, Hải Dương đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm xây dựng và phát triển sản phẩm quà tặng du lịch.

Tỉnh đã tổ chức cuộc thi thiết kế sản phẩm quà tặng du lịch; xuất bản các ấn phẩm du lịch, logo du lịch Hải Dương, sách ảnh Du lịch Hải Dương... Hai năm trở lại đây, tỉnh tổ chức Tuần Văn hóa du lịch và Xúc tiến thương mại trong khuôn khổ Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc. Tỉnh cũng tích cực tham gia nhiều hội chợ thương mại, du lịch trong và ngoài nước nhằm giới thiệu các sản phẩm thế mạnh, đặc trưng của tỉnh. Tuy nhiên, hiệu quả đạt được chưa cao.

Để xây dựng, phát triển các sản phẩm quà tặng du lịch, có lẽ cần nhiều hơn sự chung tay của chính quyền các cấp, doanh nghiệp và mỗi người dân. Tỉnh nên nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm quà tặng du lịch mang tính đặc trưng dựa trên những giá trị lịch sử văn hóa và con người xứ Đông. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng các khu sản xuất quà tặng du lịch ngay tại trung tâm thành phố hay tại các khu, điểm di tích lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tham quan, mua sắm.

“Trong xu thế công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, tỉnh có thể nghiên cứu, thiết kế một website chung về du lịch để du khách có thể tìm thấy các sản phẩm quà tặng du lịch hay, đặc trưng hoặc địa chỉ để mua quà du lịch, thưởng thức các món ẩm thực riêng có của Hải Dương”, bà Thúy kiến nghị.

Thời gian qua, Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã xây dựng, phát triển một số sản phẩm quà tặng du lịch đặc trưng từ sen như trà sen, rượu sen, nón sen; trà hoa cúc… Các sản phẩm này ngày càng được du khách yêu thích. Các di tích, điểm di tích và các địa phương trong tỉnh có thể áp dụng cách làm của Ban quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc để xây dựng các sản phẩm quà tặng du lịch đặc trưng, riêng có của mình.

Người dân là nghệ nhân, chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất cần tích cực nghiên cứu, tạo nhiều sản phẩm mới, cập nhật thông tin, mở rộng quảng bá... Tỉnh cũng nên mời gọi các đơn vị lữ hành đưa một số làng nghề tiêu biểu vào các chương trình tour, tuyến du lịch...

Hải Dương hiện có 3.199 di tích lịch sử, văn hoá, danh thắng, trong đó 142 di tích được xếp hạng quốc gia, 4 di tích, cụm, quần thể di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt và 8 bảo vật quốc gia; trên 700 lễ hội truyền thống; 66 làng nghề truyền thống đã được công nhận. Toàn tỉnh có hơn 200 sản phẩm OCOP. Năm 2023, Hải Dương ước đón và phục vụ hơn 1,8 triệu lượt du khách, tăng 46,3% so với năm 2022. Doanh thu du lịch đạt 861,35 tỷ đồng, tăng 146,6%.

HẢI ĐĂNG
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hải Dương thiếu sản phẩm quà tặng du lịch