Vào dịp Tết hiện nay, nhiều gia đình do bận rộn đã đặt mua bánh chưng thay vì tự gói.
Tuy nhiên, sản phẩm không phải tự tay mình làm ra lại ẩn chứa rất nhiều nguy cơ, rủi ro khi bánh luộc bằng nước pin để bánh đẹp hơn, nhanh chín hơn nhưng vô cùng độc hại.
Bánh chưng luộc bằng pin độc hại ra sao?
Theo các chuyên gia, bánh chưng luộc bằng pin thường có màu sắc xanh mướt bắt mắt hơn nhưng lại vô cùng độc hại, để lại những nguy cơ tiềm ẩn cho người sử dụng. Bởi lẽ các kim loại nặng chứa trong pin như thủy ngân, thạch tín, chì… đều là những chất cực độc, gây nguy hiểm cho não, tim mạch, thận và ảnh hưởng nhiều đến khả năng sinh sản.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, nếu người sử dụng nhiễm độc chì ở mức độ nặng có thể dẫn đến tình trạng tăng huyết áp, vô sinh và sảy thai. Chưa kể các hóa chất độc hại khác chứa trong pin nếu tích tụ lâu ngày trong cơ thể với nồng độ lớn có thể dẫn đến tử vong.
Người tiêu dùng cần chú ý việc lựa chọn bánh chưng ngày Tết, bởi những chiếc bánh xanh đẹp, dẻo thơm trên thị trường có thể chứa nhiều hóa chất không tốt cho sức khỏe
Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến - Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, nhiều người kinh doanh bánh chưng muốn sản xuất số lượng nhiều để bán ra thị trường đã bất chấp sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, người tiêu dùng cần chú ý việc lựa chọn bánh chưng ngày Tết, bởi những chiếc bánh xanh đẹp, dẻo thơm trên thị trường thường có thể chứa nhiều hóa chất không tốt cho sức khỏe.
Chất độc được nhắc tới chính là pin. Môi trường chính trong những viên pin là môi trường kiềm. Trong môi trường này, diệp lục (chất tạo màu xanh cho lá cây) có trong lá dong gói bánh sẽ chuyển thành màu xanh đậm. Đồng thời, kiềm còn giúp tinh bột hấp thụ nước tốt và trong hơn.
Do đó, nhiều người đã dùng pin để luộc bánh chưng, làm bánh chưng nhanh chín, hạt nếp trong, màu vỏ lá xanh và bắt mắt. Ngoài ra, còn có những nguy cơ tiềm tàng ít được chú ý, đó là các kim loại nặng trong pin: Chì (PB), thủy ngân (Hg), cadmium (Cd) và asen hay còn gọi là thạch tín… Đây là những chất cực độc, nguy hiểm cho não, thận, tim mạch và khả năng sinh sản của con người.
Cách nhận biết bánh chưng luộc pin
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, pin là nguyên liệu không được phép sản xuất và chế biến cùng bất cứ loại thực phẩm nào vì chứa nhiều kim loại nặng như: chì, thủy ngân, cadmium… sẽ gây hại cho toàn bộ những cơ quan nội tạng trong cơ thể như: não, thận, gan, phổi, toàn bộ hệ thống tiêu hóa và hệ sinh sản của bất cứ ai.
Những kim loại độc hại trong pin sẽ trôi ra, ngấm vào từng miếng bánh chưng khiến người ăn bị ngộ độc thực phẩm. Ở mức độ nhẹ, cơ thể chúng ta sẽ ngay lập tức phản ứng với các triệu chứng ngộ độc tiêu hóa như: đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa… Ở mức độ nặng, bạn sẽ bị tích lũy kim loại nặng trong cơ thể, dần dần có thể là nguyên nhân tiềm ẩn gây nên những căn bệnh mãn tính, nhất là ung thư.
Tuy nhiên, để bánh chín nhanh, lá xanh đẹp mắt không phải chỉ có nước pin mới làm được. Thực tế, hiện nay có rất nhiều loại hóa chất an toàn, có thể sử dụng trong chế biến thực phẩm để thực phẩm nhanh chín hơn.
Theo các chuyên gia, sắp đến Tết, người tiêu dùng đừng ham những mẫu mã bánh chưng quá cầu kỳ, đẹp mắt mà điều đầu tiên vẫn phải là loại bánh an toàn cho sức khỏe của cả gia đình
Trong đó đối với bánh chưng, người ta vẫn sử dụng muối trị bệnh dạ dày natri hydro carbonat (NaHCO3) được bán công khai tại các hiệu thuốc để cho vào nồi bánh sẽ không gây ra bất cứ vấn đề sức khỏe gì, hoàn toàn không vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm nói chung. Điều quan trọng là bạn cần mua tại cơ sở uy tín cũng như hiểu rõ nguồn gốc, xuất xứ của bánh chưng mình mua.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh lưu ý, để nhận biết bánh chưng luộc pin, người dân nên quan sát để nắm được một số đặc điểm nhận biết như sau: Nếu vỏ lá bên ngoài có màu ánh tím hoặc màu xanh mướt thì nhiều khả năng đó là bánh chưng luộc bằng pin. Trong khi bánh chưng luộc theo phương pháp truyền thống mất nhiều thời gian luộc, thường là 8-10 giờ, lá thường ngả màu, hơi vàng và không thể xanh mướt được.
“Trước khi mua, người tiêu dùng nên kiểm tra thật kỹ vỏ bánh. Nếu vỏ bánh có chút đen, cầm lên không chắc chắn thì có khả năng do nấu chín quá nhanh bằng pin độc hại. Với bánh chưng luộc pin, vỏ bánh xanh rờn, nếp trong, bắt mắt hơn. Đối với bánh chưng luộc bình thường, vỏ bánh màu xanh nhạt hơn hoặc ngả thành màu hơi vàng. Nếp không được trong như bánh chưng luộc bằng pin.
Với bánh luộc bình thường nếp sẽ rất dẻo, có mùi thơm đặc trưng của bánh chưng, cầm chắc tay hơn. Trong khi đó, bánh chưng luộc pin không được dền, vì ép chín nhanh nên không được dẻo, thơm mùi vị đặc trưng giống như bánh chưng luộc thông thường” - PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh chỉ rõ.
Theo các chuyên gia, sắp đến Tết, người tiêu dùng đừng ham những mẫu mã bánh chưng quá cầu kỳ, đẹp mắt mà điều đầu tiên vẫn phải là loại bánh an toàn cho sức khỏe của cả gia đình. Nên chọn mua bánh tại những cửa hàng uy tín, có thương hiệu. Nếu có thời gian, chúng ta có thể tranh thủ gói bánh chưng và luộc bánh tại nhà, vừa giúp Tết cổ truyền thêm ấm áp lại khỏi lo ngại các vấn đề sức khỏe.
Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, xét về mặt dinh dưỡng, bánh chưng có đầy đủ các chất protid, glucid, lipid, các vitamin và muối khoáng ở những tỷ lệ hợp lý. Về phương diện vệ sinh, bánh chưng bảo đảm tốt các tiêu chuẩn vệ sinh vì được gói trong lá dong rửa sạch, luộc chín dền nhiều giờ, ăn vừa bổ, vừa sạch sẽ, ngon miệng, dễ tiêu. Nhưng đó là những chiếc bánh chưng gói ăn ngay trong mấy ngày Tết. Thực tế có nhiều gia đình gói bánh chưng để dành tới giữa tháng giêng âm lịch, gặp phải những hôm thời tiết nồm, bánh chưng bị thiu chua, mốc meo, ăn vào rất nguy hiểm.
Do có độ ẩm cao và giầu chất dinh dưỡng nên bánh chưng là môi trường thích hợp cho nấm mốc phát triển. Cũng vì vậy bánh chưng để lâu gặp trời nồm dễ bị mốc. Từ lớp lá bọc ngoài, nấm mốc phát triển vào bên trong, lan rộng làm hỏng bánh. Mốc làm thay đổi màu sắc, mùi vị của bánh, làm giảm hoặc mất hết giá trị dinh dưỡng của bánh. Dưới tác dụng của men amilaza của một số nấm mốc, tinh bột chuyển thành đường glucoza. Một số men khác lại chuyển tiếp glucoza thành rượu ethylic làm bánh bị vữa tại nơi nấm phát triển và có vị cay, hăng mùi rượu. Một số chủng nấm mốc khác có những men có khả năng lên men glucoza, mantoza, tạo thành axit gluconic, axit fumaric... làm bánh bị chua.
Đáng sợ hơn cả là có một số loại nấm mốc tiết ra độc tố gây độc cho người ăn, trong đó phải kể đến những nấm thuộc họ Aspergillus và họ Penicillium.
Như vậy, từ một thức ăn ngon, giàu chất dinh dưỡng, bánh chưng đã trở thành có hại cho sức khoẻ, ăn vào không những bị đau bụng, tiêu chảy, mà còn có thể bị nhiễm độc nguy hiểm. Vì vậy, người dân phải cảnh giác với bánh chưng mốc. Những chiếc nào bị mốc nhiều, chua, vữa, đắng... phải kiên quyết bỏ đi. Những chiếc bánh mới bị mốc chút ít bên ngoài cũng phải cắt bỏ rộng ra chung quanh, chỉ lấy phần bánh còn nguyên lành, đem hấp hoặc rán cẩn thận trước khi ăn.
Theo Kinh tế & Đô thị