Giáo dục

Các nước quản lý dạy thêm ra sao?

Theo Tuổi trẻ 24/11/2023 09:35

Việc dạy thêm, học thêm một lần nữa gây dậy sóng dư luận khi có đại biểu Quốc hội nêu ý kiến nên xem dạy thêm như một hoạt động kinh doanh thay vì cấm.

Học sinh tham gia một kỳ thi tại Nghi Xuyên, Trung Quốc - Ảnh: REUTERS

Học sinh tham gia một kỳ thi tại Nghi Xuyên, Trung Quốc

Các nước hiện quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm ra sao?

Nơi quyết liệt cấm

Tháng 7/2021, chính quyền Trung Quốc bắt đầu triển khai quyết liệt lệnh cấm các trung tâm dạy thêm tư nhân, đặc biệt nhắm đến các cơ sở kinh doanh vì lợi nhuận và dạy các môn học có trong chương trình chính khóa.

Chiến dịch này được chính Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ đạo. Mục tiêu trước tiên là giảm gánh nặng cho học sinh đang quá tải còn phụ huynh thì chật vật xoay xở tiền học thêm.

Ngoài ra, các quy định mới cũng nhằm ổn định sự nở rộ của các cơ sở dạy thêm đang tranh giành thị trường trị giá đến 100 tỉ USD ở Trung Quốc.

Lệnh cấm khiến hàng loạt công ty dạy thêm thua lỗ, thậm chí phá sản và hàng chục ngàn lao động bị sa thải. Tuy nhiên trong bài viết vào tháng 7/2023, Bloomberg chỉ ra dường như những số liệu trên chỉ là bề nổi của tảng băng. Nhu cầu học thêm vẫn rất lớn và cả người học lẫn người dạy phải chuyển sang hoạt động... chui.

Khổ nhất là phụ huynh. Trả lời Bloomberg, bà Sarah Wang (40 tuổi, một phụ huynh đang làm việc tại một công ty thương mại điện tử ở Thượng Hải) cho biết bà đang cho đứa con lớp 5 học kèm 1-1 tại nhà để tránh bị phát hiện. Chi phí bỏ ra để thuê gia sư đắt hơn 50% so với hồi được phép cho con đến học thêm ở trung tâm.

Năm sau con lên lớp 6, bắt đầu học nhiều môn khó hơn. Bà Sarah Wang tính toán chi phí thuê gia sư sẽ còn tăng vọt.

Trong khi đó, kỳ thi tuyển sinh đại học (gaokao) của Trung Quốc nổi tiếng rất cạnh tranh cao với hơn 10 triệu sĩ tử mỗi năm. Đồng thời, vào được một trường đại học danh tiếng cũng tương đồng với việc các bạn trẻ có thể được trả lương cao hơn sau này.

Có phụ huynh ví von bức tranh tuyển sinh giống như cảnh hàng nghìn quân mã đang chen chúc đi qua một chiếc cầu ván bé nhỏ. Học thêm là một cách giúp con cái họ tăng sức cạnh tranh.

"Chừng nào hệ thống tuyển sinh trung học và đại học vẫn còn như thế, hoàn toàn không có cách nào giảm được dạy thêm, học thêm", bà Sarah Wang nói.

Nơi cho các trung tâm dạy thêm hoạt động

Tại Hàn Quốc, hầu hết học sinh đều đi học thêm tại các trung tâm gọi là hagwon. Chức năng chính của những hagwon là luyện thi tuyển sinh đại học. Ngoài ra còn có thêm các dịch vụ dạy thêm chương trình chính khóa, bổ trợ kiến thức.

Tính đến năm 2020, Hàn Quốc có hơn 73.000 hagwon. Thống kê cũng cho thấy phụ huynh nước này đã chi hơn 20 tỉ USD cho con học thêm trong năm 2022.

Tháng 3/2008, chính quyền Hàn Quốc cấm giáo viên đang công tác tại các trường học "tuồn" câu hỏi từ những bộ đề thi của trường mình cho các hagwon. Tuy nhiên đến nay, vẫn nhiều lần cơ quan chức năng phát hiện những giáo viên vi phạm, bán các bộ đề cho hagwon, giúp học sinh được luyện thi có điểm cao hơn.

Trong nỗ lực giảm áp lực học thêm, vào tháng 6/2023, Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho biết sẽ loại bỏ các câu hỏi "siêu khó" trong các kỳ thi đại học Hàn Quốc.

Hằng năm, đề thi đại học ở Hàn Quốc đều có các câu hỏi "siêu khó", được dùng để phân hóa học sinh xuất sắc. Điều đáng nói các câu hỏi này sẽ không thể trả lời nếu chỉ dùng kiến thức được dạy trong trường.

Đây được xem là một trong những lý do chính khiến phụ huynh chịu chi tiền cho con đến các hagwon.

Hình thức kinh doanh thương mại

Đại diện Bộ Giáo dục Singapore cho biết hình thức dạy thêm, học thêm ở đảo quốc này rất đa dạng, bao gồm các trung tâm dạy thêm, trung tâm bồi dưỡng hay các gia sư tự do.

Theo Đạo luật Giáo dục, nếu một trung tâm tổ chức dạy thêm hoặc bồi dưỡng cho 10 học sinh trở lên bắt buộc sẽ phải đăng ký với Bộ Giáo dục Singapore. Trung tâm phải tuân thủ các yêu cầu về cơ sở hạ tầng và an toàn phòng cháy chữa cháy và có ban quản lý trung tâm.

Chương trình và giáo viên đứng lớp cho các trung tâm dạy thêm hay bồi dưỡng này cũng phải được đăng ký với Bộ Giáo dục Singapore. Những quy định này không áp dụng cho các gia sư tự do đến nhà giảng dạy.

"Vì dạy thêm là một hoạt động kinh doanh thương mại, chúng tôi khuyến khích phụ huynh thẩm định khi tham gia các dịch vụ của các trung tâm dạy kèm, trung tâm bồi dưỡng cũng như các gia sư cá nhân", đại diện Bộ Giáo dục Singapore nói.

Các giáo viên biên chế cho các trường thuộc Bộ Giáo dục Singapore quản lý có được dạy thêm?

Đại diện Bộ Giáo dục Singapore cho biết, các giáo viên này được phép dạy thêm ngoài giờ học, nhưng giới hạn thời gian không quá sáu giờ/tuần. Các giáo viên cũng không cần phải xin phép dạy thêm. Đổi lại, họ phải đảm bảo chuyện dạy thêm không ảnh hưởng xấu đến công việc ở trường của họ.

Nhật: Dạy thêm phải đăng ký

Chênh lệch về độ khó giữa chương trình học chính khóa và đề thi tuyển sinh đã khiến nhiều phụ huynh Nhật cho con đi học thêm. Các trung tâm dạy thêm ở Nhật được gọi là juku, muốn hoạt động phải được đăng ký với chính quyền.

Học sinh thường đến juku học vào ngoài giờ học chính khóa. Hình ảnh các học sinh cắp sách rời juku vào 21h khá phổ biến.

Hiện tại trên toàn nước Nhật có khoảng hơn 55.000 địa điểm dạy thêm juku. Ngoài dạy các môn chính như toán, tiếng Nhật, học sinh ở đây cũng được học nghệ thuật, thể thao nếu có nhu cầu. Độ tuổi nhỏ nhất thường thấy bắt đầu đến học tại juku là 6 tuổi.

Juku đông đúc người học nhất là vào những mùa tuyển sinh cấp III hay thi đại học. Áp lực luyện thi với các học sinh trong giai đoạn này cũng lớn nhất.

Theo Tuổi trẻ
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Các nước quản lý dạy thêm ra sao?