Trống ngực ai cũng đập thình thịch. Phải chăng đó là tiếng trống hội Đền Hùng đã mở? Hẳn là thế rồi. Thì ngày mai cả nhà ông cùng trẩy hội đấy là gì.
Chủ nhật, đang ngồi xem ti vi thì ông Hạnh có điện thoại. Vội chạy đến cầm chiếc Nokia lên nhìn vào màn hình. Số lạ. Ai gọi thế nhỉ? Chần chừ, ông không bấm phím nghe. Mình cần cảnh giác với bọn lừa đảo. Lỡ đâu, bấm vào, nó kết nối được lấy hết thông tin của mình thì sao?
Đã mấy lần, số lạ gọi đến mình cũng bấm nghe rồi song có thấy nói gì đâu. Đầu kia lặng phắc rồi “tút tút tút” và im bặt. Kỳ cục thế cơ chứ. Chắc lại nhầm số? Nhầm thì cũng phải xin lỗi người ta một câu chứ? Đằng này lại không nói gì. Người đâu mà mất lịch sự quá thể. Làm mất giấc ngủ của mình rồi còn gì?
Kể lại chuyện này, mọi người bảo ông chớ có nghe. Kẻ xấu gọi đến, mình bấm số nghe, nó kết nối được sẽ đánh cắp hết thông tin trên điện thoại, rồi có bao nhiêu tiền trong tài khoản là nó lấy hết toi.
Thế nên, lần này ông bấm luôn phím đỏ, tắt béng nó đi. Thế cho lành. Ông quay ra xem tiếp ti vi. Chương trình đang hay. Chưa ngồi ấm chỗ, điện thoại lại reo vang. Ông lại ngó vào màn hình. Vẫn số lúc nãy. Bực thật. Dí phím đỏ, ông tiếp tục tắt một lần nữa.
Yên yên được một lúc, chuông điện thoại lại réo. Số đó lại gọi đến. Kiểu này chắc người quen có việc cần gấp thì họ mới gọi ráo riết đây. Ông ấn phím xanh và áp máy vào tai nghe.
- A lô! Bố à? Sao bố không nghe máy thế?
Trời. Thằng Phú con trai ông. Giọng của nó ông nhận ra ngay. Suốt từ hôm tiễn nó lên đường làm nghĩa vụ quân sự đến giờ ông mới nhận được điện thoại của nó. Nhưng mà sao nó có di động để gọi nhỉ? Đang ba tháng huấn luyện tân binh cơ mà? Quân đội có cho chiến sĩ mới sử dụng điện thoại di động đâu?
- Đúng rồi! Bố đây! Làm sao mà có điện thoại gọi về đấy con? Khoẻ chứ?
Ông lập cập hỏi nó dồn dập. Phú hớn hở trong máy:
- Hôm nay chủ nhật, chúng con được nghỉ bố ạ. Con mượn máy của anh “trung trưởng” gọi về cho bố. Con khoẻ lắm bố ạ. Thế bố với mẹ có khoẻ không? Chị Trang hôm nay có về không?
- Bố mẹ khoẻ. Chị Trang không về, ở lại trường để tập văn nghệ chuẩn bị tham gia hội diễn dịp lễ hội Đền Hùng con ạ.
- Thế cơ à? Thích thế! Còn mẹ con đâu bố?
- Mẹ con đi họp đoàn nghệ nhân gói bánh chưng để chuẩn bị đi dự thi gói bánh chưng, giã bánh giày ở Đền Hùng đấy.
- Thế có mỗi mình bố đang ở nhà thôi à? Con báo cho bố một tin vui nhé. Đơn vị con cũng đang ráo riết luyện tập đội ngũ để tham gia duyệt binh tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ bố ạ. Mệt nhưng mà vui lắm bố ơi!
Phú hồ hởi reo lên trong máy. Nó ríu rít một hồi rồi chào ông.
- Thôi, con tắt máy đây bố ạ. Anh “trung trưởng” đang chờ lấy máy. Bố mẹ nhớ giữ gìn sức khoẻ, không phải lo cho con đâu ạ. Con chào bố.
- Tập luyện cho tốt con nhé! Bố chào con!
Tắt điện thoại rồi, ông Hạnh ngồi thừ ra quên luôn cả chiếc ti vi đang oang oang giữa nhà. Mỉm cười một mình, ông vui như mở cờ trong bụng. Nhà có 4 người, gái cả cùng mẹ nó thì bận giỗ Tổ Hùng Vương, lễ hội Đền Hùng. Thằng con trai thì phục vụ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Duyệt binh, diễu hành oách lắm chứ bỡn à? Đứa học trường văn hoá nghệ thuật tỉnh, đứa thì vừa trở thành tân binh, quần áo vẫn còn thơm mùi lính mới. Được cả vợ ông nữa chứ, khéo tay hay làm, mấy năm rồi đều được xã chọn vào đội gói nấu bánh chưng đi thi ở Đền Hùng.
- Ông Hạnh đâu rồi mà để ti vi nói oang oang thế này?
Đang nhâm nhi tự sướng cái hạnh phúc nhà mình, ông Hạnh nghe thấy tiếng vợ ngoài sân. Nhìn qua cánh dại, gương mặt vợ ông cũng có vẻ rạng ngời lắm.
- Tôi đây - ông Hạnh cất lời - vẫn đang ở nhà đây. Họp hành gì sao về sớm vậy bà?
- Thì xong rồi tôi mới về chứ. Thống nhất nhân sự, thông qua lịch trình, chốt kế hoạch tập luyện xong thì giải tán. Vui lắm ông ạ. Có cả trưởng phòng văn hoá huyện với chủ tịch xã về dự cơ.
- Thế cơ à? Quan trọng nhỉ?
- Chả thế lại không ư. Thay mặt cho cả tỉnh lên thi đấu với các đội trên đó lại chả quan trọng à? Toàn sừng sỏ cả đấy. Mà mấy tỉnh nữa ý. Ấy là chưa kể các huyện của Phú Thọ nữa. Toàn những Lang Liêu con cháu Vua Hùng thi đấu cơ mà sao lại không quan trọng?
- Thì đội mình cũng mấy lần nhất đấy thôi. Lo gì!
- Không chủ quan được đâu ông ơi. Mỗi năm một chiến thuật, biết đâu họ tài hơn, giỏi hơn thì sao? Thế nên, mình cứ phải luyện tập thêm ông ạ.
Bà Hoa vợ ông liến thoắng. Ông Hạnh nhìn bà tủm tỉm cười. Đúng là gái Hải Dương, đáng yêu thế cơ chứ lị. 3 lần tham gia đội gói bánh chưng của tỉnh đi thi đấu ở trên đó rồi mà vẫn cứ hào hứng, say sưa thế không biết. Tiếng là đội tỉnh nhưng thực ra các vị ấy là người cùng làng, gói, nấu bánh chưng rất khéo, liên tục giật giải nhất trong các lễ hội của tỉnh. Thì đấy, đầu năm lễ hội Đền Cao vừa rồi, đội của bà ấy vẫn nhất luôn đó thôi. Mấy lần lên Đền Hùng, đội Hải Dương chẳng đã nhất, nhì rồi còn gì? Thế nên tỉnh chọn đội bà ấy đi trên danh nghĩa đội tỉnh là đúng.
Đợi bà Hoa ngồi cạnh, ông Hạnh liền thông báo cuộc điện thoại của con trai lúc nãy. Nghe xong, bà Hoa mắt sáng lên:
- Thằng Phú điện về? Nó khoẻ chứ? Tập đội hình duyệt binh kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ á? Thật không?
Bà hỏi liên tục không để cho ông trả lời.
- Vậy thì nhà mình vui như hội rồi còn gì?
- Thì vưỡn - ông Hạnh thủng thẳng - Bà chả lo cho cái Trang không biết hát hò vào học trường văn hoá nghệ thuật thì biết làm gì nữa đi. Đấy, bây giờ nó là cây đơn ca chính của trường đấy. Hát Xoan hẳn hoi nhé. Clip nó gửi về cho bà xem đấy. Thấy chưa? Mới chỉ có nháp thôi mà đã ngọt thế cơ mà. Tập luyện thêm vào nữa thì chỉ có nhất. Tiết mục dự hội diễn nghệ thuật quần chúng ở lễ hội Đền Hùng đâu phải chuyện vừa.
- Thì nó giống gen tôi mà lị - Bà Hoa tủm tỉm vơ vào.
- Còn thằng Phú nữa - ông Hạnh tiếp lời - cứ lo nó còn trẻ con vào quân ngũ khéo không trụ được. Thế mà mới có vài tháng thôi đã thấy nó rắn rỏi rồi. Nghe giọng nó nói qua điện thoại oách lắm bà ạ. Lại còn được đứng trong đội hình duyệt binh kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ thì còn gì bằng. Làng này có đứa nào bằng nó chưa?
- Thì nó giống gen ông mà lị - Bà Hoa hớn hở nịnh chồng.
- Thế nên - ông Hạnh vẫn tiếp tục - tôi tính thế này, tôi sẽ cùng bà trẩy hội Đền Hùng, sau đó lên Điện Biên du lịch trên đó luôn. Xem con nó thế nào, xem Điện Biên thay đổi ra sao so với thời tôi đóng quân trên đó.
Bà Hoa ngỡ ngàng, không ngờ chồng mình hôm nay lại “bốc” thế. Bà cật vấn:
- Đi tất thế ai trông nhà? Mà ông có tham gia chiến dịch Điện Biên đâu? Chỉ có bố ông đánh nhau với Pháp trên đó thôi...
- Không tham gia nhưng thời chống Tàu đơn vị tôi đóng quân trên đó. Nhiều kỷ niệm với nơi đó lắm bà ạ. Phải lên thăm lại nơi bố tôi và tôi đã chiến đấu, đã lăn lội ở đó chứ. Thấy bảo giờ khác lắm. Với lại, bà và hai đứa đi hội cả, chả lẽ bỏ mình tôi ở nhà? Tôi sẽ nhờ bà ngoại trông nhà cho mình đi. Lo gì. Thôi, cứ quyết như thế nhé.
Ông Hạnh phẩy tay dứt khoát. Biết tính ông, đã quyết gì là như đinh đóng cột luôn, bà Hoa tặc lưỡi:
- Tùy ông, tôi thế nào cũng được.
Chợt như nhớ ra điều gì, bà đổi giọng: Đúng rồi, phải đi ông ạ. Đi để xin lộc Vua Hùng, đi để lên xem thằng Phú nhà mình ra sao, xem Điện Biên thế nào. Tôi chưa lên đó bao giờ. Vậy nên, tôi đồng ý với ông. Chốt.
Bà Hoa buông một câu “chốt” bất ngờ khiến ông Hạnh ngỡ ngàng. Cả hai ông bà nhìn nhau rồi cùng cười rạng rỡ.
Từ hôm đó, cứ hôm nào bà Hoa đi tập luyện gói bánh chưng, ông Hạnh cũng theo đi. Ông ra ngồi xem họ thao tác rồi góp ý. Ông còn chuẩn bị lạt, lá dong, gạo nếp, củi, nồi các thứ phục vụ cho việc gói, nấu bánh. Cũng luôn chân luôn tay đấy. Có ông phụ vào các bà, các chị cũng vui lây. Hôm nào đội tập ở nhà ông là ông dậy từ sáng sớm chuẩn bị nước nôi, củi đuốc, gạo nước…
Thấy ông nhanh nhẹn, nhiệt tình, mấy ông trong đội đề nghị với xã bổ sung ông vào đoàn đi thi. Có ông, mọi người trong đoàn tự tin hẳn. Ông vừa quán xuyến bao quát chung lại vừa chính xác từng động tác. Đi thi cần nhất là thao tác và bản lĩnh. Không được hấp tấp, vội vàng, không bị cuốn theo không khí kích động từ bên ngoài, cứ lặng lẽ mà làm, chính xác từng chi tiết, việc trước việc sau phải trình tự, không được lộn xộn. Vậy nên phải tập luyện thuần thục cả kỹ năng và bản lĩnh. Ông tham gia với mọi người như thế. Chả thế mà từ hôm có ông “cờ ngoài, bài trong”, tổng thời gian hoàn thành bài thi cứ được rút ngắn dần. Bánh gói đẹp hơn. Tất cả thuần thục, tự tin lắm.
Nghe được bổ sung vào đội thi, ông Hạnh mừng lắm. Danh chính ngôn thuận, ông được trẩy hội cùng bà. Mà kể cả không có chân trong đội nữa ông vẫn đi cơ mà. Đi để xem hội, để lễ Tổ Hùng Vương, để dâng cúng Vua Hùng bánh chưng do mình gói, nấu chứ. Phú Thọ tổ chức Tuần lễ du lịch văn hoá trong mùa lễ hội này đấy. To lắm, hoành tráng lắm. Vui phải biết. Thế thì dứt khoát mình phải đi rồi. Dù sao, được trong đội hình chính thức thì vẫn hơn. Mà kể cả cái chân dự phòng, hay đi phụ tá cho đội vẫn chẳng sao. Cốt tâm thành đến với ngày giỗ Tổ Hùng Vương là được.
Sau khi được bổ sung vào đội hình chính thức của đoàn nghệ nhân gói, nấu bánh chưng của tỉnh hai vợ chồng ông hân hoan vô cùng. Cái Trang nghe tin cũng vui lây. Mọi người trong đội ai cũng vui. Ai cũng háo hức lên với đất Tổ cội nguồn, nơi có hai di sản văn hoá phi vật thể thế giới.
Tối đó, ông Hạnh làm mâm cơm cúng tổ tiên, Vua Hùng trước. Ông lẩm nhẩm khấn vái cầu xin tổ tiên, Vua Hùng phù hộ cho quốc thái, dân an, cho đoàn đi giành giải cao. Trong lúc chờ tàn hương thụ lễ thì cái Trang về. Nó hớn hở khoe đoàn nghệ thuật của trường ngày mai cũng lên Đền Hùng. Vừa lúc đó, trên ti vi đang điểm tin thời sự. Cảnh đơn vị quân đội đang tập diễu binh, biểu diễn võ thuật, diễu hành cơ giới cho lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ rất hoành tráng.
Bất ngờ, hình ảnh thằng Phú con trai ông được quay lên. Ông reo lên. Bà Hoa và cái Trang vội chạy lại. Đúng thằng Phú rồi. Oách quá. Chỉ thoáng hiện trên màn hình thôi mà cả nhà ông ngất ngây. Trống ngực ai cũng đập thình thịch. Phải chăng đó là tiếng trống hội Đền Hùng đã mở? Hẳn là thế rồi. Thì ngày mai cả nhà ông cùng trẩy hội đấy là gì.