Nhà ta mỗi người một phương nhưng không gì hạnh phúc hơn là được sum vầy. Xuân sắp về và bà luôn là người giữ lửa chờ xuân.
Làng cổ kính, yên ả nép mình bên dòng sông Thái Bình hiền hòa. Sông chảy qua làng như sợi chỉ bạc, nước cứ êm đềm chảy trôi qua bến sông. Giờ thì nhà nào cũng dùng nước máy, nhưng như thói quen cố hữu, người lớn tuổi vẫn ra bến sông mỗi sáng sớm, khi không gian còn chìm trong làn sương mờ ảo, mong manh, chạm tay vào nước thấy ấm êm, vỗ về.
Bà Thuận thoăn thoắt múc nước lên tưới cho khóm ngô ngoài bãi. Tiếng nước vỗ vào đáy thúng, tiếng cọ rửa ràn rạt như đánh thức bến sông tỉnh giấc hẳn. Đàn bà làng này bao đời nay vẫn thế. Khăn vắt ngang vai, dáng lom khom in mặt nước, có khi chả có việc gì, họ vẫn ra bến sông chủ yếu là để thêm cớ chuyện trò, thăm hỏi nhau, mỗi ngày một chuyện, chẳng bao giờ thấy chán, sáng nào không ra bến cứ thấy trống trải, bứt rứt.
“Bà ơi! Cháu Quyên khi nào về ăn Tết? Năm nay, nó có về sớm được thêm ngày nào không”, ai đó hỏi bà Thuận. “Cũng chưa biết được thím ạ! Ít ngày nữa chắc mới rõ…”. Vừa đáp, bà vừa bần thần nghĩ ngợi. Thực ra, cách đây mấy hôm, Quyên có điện về cho bà nội, cũng gọi là lễ phép, hỏi ý kiến nhưng nghe cách cháu gái vân vi, bà hiểu nó muốn xuân này đi du lịch cùng bạn, đâu mãi Tây Bắc. Bà cất lời ngay: “Ừ, làm cả năm rồi, hè cũng chẳng được nghỉ, đi cho biết đó biết đây cháu à, xem bà con mình các nơi ăn Tết ra sao…”. Giọng bà ấm áp khiến đầu dây bên kia, lời Quyên bừng lên: “Ôi! Vui quá! Cháu cứ nghĩ bà sẽ phản đối, thành ra mãi mới dám nói”.
Lúc nào bà cũng nhớ Quyên. Nhớ đến thắt ruột. Đứa cháu gái sớm mồ côi bố, còn mẹ thì đi bước nữa với người đàn ông ở tận miền biển. Thuở ấy, mẹ Quyên nước mắt lưng tròng, cúi lạy mẹ chồng. Phải cố gắng lắm mới thuyết phục được con dâu để lại cháu gái. Mà nếu mình bà nói chắc không được, những sáng sớm giặt giũ bến sông thế này, người vỗ về, người an ủi… mãi mẹ Quyên mới dằn lòng được. Vậy mà thấm thoắt, Quyên giờ đã ngoài hai mươi. Gia đình mới của mẹ sum vầy, hạnh phúc. Quyên có hai em, nhưng tốt nghiệp đại học, công việc bận rộn, mỗi năm Quyên cũng chỉ ghé nhà mẹ và bố dượng được dăm ba lần. Đôi khi, bố dượng thay mẹ khăn gói lên thành phố, mang quà miền biển chia cho khắp xóm trọ. “Con cứ lo công việc, rảnh rỗi nhớ về với bà nhé con!”, lời dượng dặn khiến Quyên cay mắt. Dượng chân chất, ấm nồng, luôn khắc khoải về bà nội Quyên không người chăm sóc.
*
Trên những ngọn xoan cao vươn mình phía bờ sông, từng chùm quả chín vàng nâu treo lơ lửng, rung rinh trong gió. Tiếng “huýt... huýt...” đâu đó trên cao, từng đôi sáo sậu hòa giọng, hót vang lên. Có con tinh nghịch còn vươn cổ, chọc mỏ vào những quả xoan rồi có lúc co một chân lại hệt vũ công đang biểu diễn điệu múa không trung. Hồi bé, Quyên thích ngắm cảnh này nhất. Bà vừa rang cơm trong chảo gang, vừa giục liên hồi vào ăn sáng, đôi mắt trong veo đen láy của cô bé vẫn mải miết hết nhìn ngọn xoan lại dõi phía bờ sông nắng cuối năm len lỏi mơ hồ trong sương khói. Cái chảo gang dày dặn, lòng bóng nhẫy ấy giờ vẫn còn, bà Thuận treo một góc bếp. Hễ khi nào Quyên hoặc mẹ và dượng đưa các em về, bà lại dỡ xuống. Nào tráng bánh xèo, rang cơm nhưng giờ biến tấu thập cẩm rộn ràng màu sắc mới khiến các em Quyên thích thú, còn cả món thịt rim nước dừa tuyệt hảo, sôi lúc búc trên chảo tới khi cạn sánh, bà chờ nguội hẳn mới đóng vào từng hộp để làm quà cho bên nhà dượng.
Biết Tết này Quyên không về, bà Thuận vẫn chu đáo dọn dẹp, sắp xếp. Măng, mộc nhĩ, nấm hương hong trên mẹt ngoài sân. Thược dược được tỉa bớt nụ để Tết Nguyên đán hoa mới to đẹp, rực rỡ nhất. Việc quan trọng không kém là tuốt lá cây đào phai. Bà Thuận nâng niu từng nhánh một, như sợ cây đau. Lá tuốt xong cho vào rổ, sẽ mang ra bến rửa sạch, về rửa lại bằng nước mưa, phơi khô để dành làm thuốc chữa bệnh ngoài da cho trẻ trong làng ngoài xóm.
Tuốt lá đào, bà lại nhớ Quyên thuở nhỏ, hễ khi nào cây trơ ra thân cành khẳng khiu thì cứ phồng miệng thổi bóng bay, buộc lên đó cho chấp chới trong gió. Cô bé tin rằng làm thế cây đào sẽ vui, sẽ nhanh chóng đơm chồi, nở hoa mừng Tết đến. Bao năm qua, có dạo Quyên về cả quãng này, cũng tuốt lá đào cùng bà, vẫn nhớ gom lá làm thuốc, vậy mà… Bà Thuận nghĩ ngợi mông lung. Lúc Quyên gọi điện về, chỉ cần giọng bà băn khoăn một chút, hoặc kể cả bà im lặng một vài giây, chắc chắn đứa cháu ngoan ngoãn sẽ đổi ý. Nhưng sao bà có thể làm thế được. Tuổi thơ Quyên nhọc nhằn, thiếu thốn cả vật chất lẫn tình cảm, giờ lại một thân một mình mưu sinh nơi phố thị, dù Quyên có đón Tết ở đâu, miễn Quyên vui là được. Lòng nghĩ thế, mà vẫn cứ rưng rưng, mong ngóng, chạnh lòng.
*
“Bà ơi! Bà làm gì đấy bà?”, có tiếng gọi í ới, sốt sắng ngoài cổng. Bà Thuận ngừng tay, bước từng bước khẽ. “Ôi, nhà Quyên, sao năm nay về bà sớm thế!”, lời bà đầy bất ngờ mà yêu thương, thổn thức. Bà vẫn luôn gọi gia đình mới của mẹ Quyên là “nhà Quyên”, như thể chưa bao giờ có sự xa cách, phân biệt. Bà muốn gia đình hòa làm một, muốn Quyên coi nơi ấy cũng là mái nhà để trở về. “Vâng, năm nay thuyền con ra khơi sớm, đón xuân trên biển, con đưa mấy mẹ con về bà kẻo ít ngày nữa lại cập rập quá”, dượng đáp, tay nhanh nhẹn chồng mấy rổ lá lên nhau. Phút chốc, ngôi nhà nhỏ tưng bừng hẳn lên.
Mẹ Quyên đã vào nhà, dỡ trong hành lý quà Tết, phân ra món nào để bà dâng cúng tổ tiên, đâu là thực phẩm ngày Tết, xong xuôi, vẫn như thói quen thuở nào, mẹ Quyên rút mớ khăn áo cũ đang dồn ở góc dây phơi bên hiên bếp, lại mang ra bến giũ. Hai đứa trẻ líu ríu chạy theo. Trong vườn lúc này chỉ còn bà và dượng. Dượng tuốt lá đào cùng bà. Cảnh nhà thân thuộc, liền một mối, như chưa từng đau đớn, chia xa, chưa ai là người dưng… bà xúc động đến nghẹn ngào.
Ngày xưa, con trai bà cũng tuốt lá đào thế kia, cũng cúi xuống gốc xem có sâu đục thân không, chỗ nhựa đào ứa ra thể nào cũng bất ổn, phải kỳ cọ, rắc vôi bột vào. Giờ đứa con xa xôi đang tận tụy. Ngày gả mẹ Quyên đi, người làng cứ động viên: “Thôi xem như mình gả chồng cho con gái”. Nhưng tận sâu đáy lòng, bà coi dượng của Quyên như con, chứ cũng chẳng phải là rể.
- Biết con Quyên không về nên con về với mẹ sớm đúng không? Thế này mất công mất việc lắm con à!, giọng bà Thuận rủ rỉ, ngắt quãng.
- Ôi dào, bà cả nghĩ, con cháu về thì phải vui lên chứ. Nào nào, bà để nguyên tay thế kia, con quay video nào, dượng đánh trống lảng.
- Quay cuồng cái gì? Lại thêm món gì, bà mắng yêu.
- Bà không biết chứ, dạo này con là TikToker nổi lắm đó! Con đi biển, quay cảnh ăn trên tàu, đánh cá, câu mực… toàn "bão" like, người ta còn về tận làng chài, giải cứu hải sản cho con và mọi người nữa kìa, dượng hồ hởi khoe.
- "Cơ cơ" cái gì, cái gì "lai" mà lại bán được hải sản, đâu đâu, bà xem nào?, bà Thuận hào hứng.
Dượng đưa điện thoại ra, bà ghé vào, vừa xem vừa căng mắt, miệng cười nghiêng ngả. Dượng vừa đăng video bà tuốt lá đào, giọng thuyết minh rất đáng yêu, lôi cuốn: “Bà nội chị Quyên và em Bi, Bo đang tuốt lá đào nhé quý vị! Mọi năm mình không được ngắm cảnh này, năm nay về bà sớm mới thấy thực ra Tết đã bắt đầu từ đây, Tết dài hơn ta nghĩ nhé! Mẹ vui khỏe, chăm chút Tết từng tí một làm mình nảy ra ý tưởng Tết này cho Bi, Bo ở đây luôn với bà. Cảm ơn quý vị nhiệt tình thả tim cho bà, cho mình”.
*
“Vườn ông bà Kỳ năm nay có đủ lá dong cho xóm không mẹ? Để con sang”, mẹ Quyên vừa lúi húi nhóm bếp, vừa hỏi bà Thuận. “Được mùa lá lắm con, bà định gói thêm cho bố Bi, Bo mang lên tàu”. Bà cười hiền hậu nhìn ra khoảng sân nắng hanh hao, hai đứa trẻ cũng như Quyên thuở bé, đang phồng miệng thổi bóng bay để nhờ bố buộc lên cành đào.
Bà nao nao nhớ, ngày ấy, hôm nào chọn cành đào để cắt, đốt đầu cuống, cắm lộc bình, Quyên cứ năn nỉ phải cắt cành có sẵn bóng bay. Mà cả làng, cả xóm đều thế. Đi chúc Tết, ngước nhìn lộc bình nhà nào cũng có cành đào lác đác nụ hoa, điểm xuyết bóng bay xanh, đỏ, vàng. Mùi khói bếp thơm thơm, tiếng lách tách của củi đang cháy khiến không gian càng thêm quyến luyến. Dượng Quyên nói đúng, Tết thực ra đã bắt đầu từ quãng này, lúc nhà nhà nghĩ tới việc cắt lá dong ở đâu, măng miến hong thêm lần nữa phòng trời nồm ẩm mốc. Mẹ Quyên càng không ngờ được, lúc cô khom lưng giặt giũ ở bến sông, chồng đứng phía sau đã quay những thước phim đầy xúc động. “Cả nhà về rõ sớm, bà Thuận thì cứ con cháu về lúc nào là Tết bắt đầu lúc ấy”, “Thật chẳng gì vui hơn thấy con cháu ở xa về, bà Thuận thật có phúc, thêm con thêm cháu”, “Tôi nhìn mợ khỏe khoắn hơn xưa, vẻ như hợp với biển”… bà con trò chuyện xôn xao bến sông. Xa xa, vài chiếc thuyền chài thong dong như thoi mực giữa dòng vẳng tiếng gõ mái chèo khua cá.
“A! chị Quyên về, chị Quyên về kìa bà ơi! Bố mẹ ơi!”, hai đứa trẻ gần như hét lên, chạy rẽ đất trên con đường làng quanh co. Đứa đu lên người chị, đứa khoác ngay cái túi của chị, rồi lại níu sang phía các bạn chị nhoẻn cười thân thiện: “Chị Quyên còn đưa cả bạn về, thích quá đi”. “Ôi ôi! Bi, Bo lớn quá rồi! Nhớ chị không?”, Quyên ghé sát vào mái tóc khét nắng của em cưng nựng. “Không nhớ! Không nhớ! Ai bảo chị đi vắng lâu quá cơ”, đứa bé ra vẻ dỗi hờn nhưng càng ôm chặt chị.
Bà tựa cổng tre, mắt ngân ngấn nước nhưng ánh lên một niềm vui đến khó tả. Bà Thuận không dám tin vào mắt mình, đôi môi khẽ run lên, mấp máy gọi: “Quyên về rồi! Về với bà thật rồi này”. Đôi tay gầy guộc, nhăn nheo của bà áp lên má Quyên, xoa lưng Quyên đầy trìu mến. Bao mong ngóng, đợi chờ nén sâu trong tận đáy lòng òa thành từng giọt nước mắt. Bà lén khóc, mà thanh thản, bình yên kỳ lạ.
Buổi tối, bà Thuận dẫn mẹ con Bi, Bo sang thăm hàng xóm láng giềng, chỉ còn dượng, Quyên và nhóm bạn ngồi bên bếp lửa. Dượng đang tỉ mẩn nướng vài con cá biển trên than hồng, loại cá chính tay dượng tẩm ướp công phu. Quyên chợt lên tiếng: “Mấy ngày trước con xem các video dượng quay nhà mình, thấy cảnh bà cười, mẹ ra bến sông giặt áo, dượng tuốt lá đào rồi các em thổi bóng bay… ấm áp quá! Con thấy nhớ nhà! Mà đám bạn con cũng hâm mộ dượng lắm. Chúng con quyết định về quê đón Tết với nhà mình thôi”. Dượng quay sang Quyên với ánh nhìn hiền hậu. “Mỗi khoảnh khắc trôi qua đều quý giá lắm! Dượng đi biển bao năm, càng thấm thía điều này. Nhà ta mỗi người một phương nhưng không gì hạnh phúc hơn là được sum vầy. Các con về, dượng ấm lòng lắm. Chúng ta cần phải nhớ, nhà có bà, và bà lúc nào cũng giữ lửa chờ xuân”.
LỮ MAI