Chiều 2.8, Thường trực Chính phủ tổ chức họp trực tuyến toàn quốc về phòng chống dịch Covid-19. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp
Các đồng chí: Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí trong Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh dự cuộc họp tại điểm cầu Hải Dương.
Dịch diễn biến phức tạp nhưng cần bình tĩnh
Báo cáo tại cuộc họp, Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh so với đợt dịch trước, đợt dịch lần này diễn biến phức tạp hơn, số người mắc gia tăng, lây nhiễm rất nhanh trong cộng đồng. Tất cả các trường hợp bệnh nhân được ghi nhận trong cộng đồng tính đến thời điểm này đều có yếu tố dịch tễ liên quan đến ổ dịch tại các bệnh viện ở TP Đà Nẵng. Ngành Y tế đã phải huy động một lực lực lớn chưa từng có trong tiền lệ để hỗ trợ Đà Nẵng.
Từ đầu tháng 7 đã có hơn 1,4 triệu người đã từng đi đến Đà Nẵng và trở về các địa phương, hơn 800.000 người đã từng đến 3 bệnh viện tại Đà Nẵng. Bộ Y tế kiến nghị, đề xuất với Thủ tướng ban hành văn bản mới về công tác phòng chống dịch Covid-19 trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang khi đi ra khỏi nhà, hạn chế tụ tập đông người, giữ khoảng cách an toàn. Các cơ sở kinh doanh được hoạt động phải thực hiện các hiện pháp phòng chống dịch. Tại những địa bàn có nguy cơ cao, yêu cầu người dân phải ở tại nhà, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng đúng là dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nhưng chúng ta cần hết sức bình tĩnh. Thời điểm tháng 3, cả thế giới khi ấy có hơn 800.000 người nhiễm bệnh, ở Việt Nam là 200 ca, đứng 86 trên thế giới. Đến ngày 2.8, số người nhiễm Covid-19 tại tỉnh ta tăng gấp 2,55 lần so với hồi tháng 3, bắt đầu xuất hiện một số người chết. Nhưng chúng ta không thể lấy số liệu của giai đoạn này để so sánh với giai đoạn trước để rồi mà lo lắng, hoang mang.
Cần có nhiệm vụ đặc biệt cho Đà Nẵng
Phát biểu tại cuộc họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết trên thế giới có 4 nước Nhật Bản, Úc, Hồng Kông và Isael đã bước vào đợt dịch thứ 2, trong đó số bệnh nhân mắc Covid-19 đợt 2 so với đợt 1 tại 3 trong 4 nước này đều tăng. Việt Nam cũng đang bước vào đợt dịch thứ 2. Mặc dù chưa phải đỉnh dịch nhưng số người mắc Covid-19 ở nước ta thời điểm hiện tại đã cao hơn đỉnh dịch lần trước. Đà Nẵng hiện là một tâm dịch rất nguy hiểm, cần có nhiệm vụ đặc biệt cho địa phương này. Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh nêu quan điểm: “Có thể áp dụng biện pháp mà Trung Quốc đã triển khai tại Vũ Hán cho Đà Nẵng. Đó là tất cả gia đình ở nhà. Mỗi gia đình chỉ cử 1 người ra đường khi có việc thực sự cần thiết. Gia đình nào có nhu cầu gì thì liên lạc với chính quyền sẽ được đáp ứng tận nhà”.
Lãnh đạo TP Đà Nẵng cho biết đến chiều 2.8, toàn thành phố đã có 121 ca nhiễm Covid-19, 5 ca tử vong. Hiện có 6 ca dương tính với Covid-19 nhưng chưa xác định được vết tích. Ngày 2.8, Đà Nẵng tiếp tục phong tỏa thêm một số khu vực có người nhiễm Covid-19. Công tác phòng chống dịch bệnh đang được các cấp, các ngành tập trung cao độ. Tuy nhiên, trang thiết bị máy móc, phương tiện phòng chống dịch vẫn còn thiếu, cần được tăng cường. Thành phố đề nghị Bộ Y tế tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực xét nghiệm để làm tốt công tác truy vết, cách ly, phong toả, dập dịch.
Các đại biểu dự họp tại điểm cầu Hải Dương
Kiến nghị tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo 2 đợt
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết đến nay công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đã cơ bản hoàn tất. Do dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, TP Đà Nẵng đề nghị không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, đặc cách xét tốt nghiệp đối với học sinh lớp 12 để bảo đảm an toàn. Đại diện tỉnh Quảng Nam đề xuất nếu trước ngày 6.8, tình hình dịch tại đây nếu được kiểm soát thì vẫn tổ chức kỳ thi bình thường. Nếu dịch bệnh chưa được kiểm soát, xin được lùi tổ chức lùi kỳ thi sang tháng 9. Trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp thì đề nghị cho học sinh trong tỉnh được đặc cách xét tốt nghiệp, không phải tổ chức thi như đề xuất của TP Đà Nẵng...
Căn cứ tình hình thực tế, Bộ xây dựng và báo cáo Chính phủ 2 phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Đợt 1 tổ chức kỳ thi tại những tỉnh không nằm trong nhóm có nguy cơ cao. Đợt 2 triển khai tại những địa phương có nguy cơ cao. “Việc này sẽ khiến công tác tổ chức thi sẽ vất vả, khó khăn hơn nhưng là cần thiết để bảo đảm an toàn. Bộ sẽ chỉ đạo các trường đại học có phương án tuyển sinh phù hợp, vừa bảo đảm chất lượng đầu vào nhưng cũng bảo đảm quyền lợi của thí sinh”, ông Nhạ nói.
Lãnh đạo một số tỉnh, thành phố đồng tình với đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm nay đặt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Thế nên có thể phân thành 2 hoặc 3 đợt, tuỳ vào tình hình thực tế.
Tại cuộc họp, lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố, các ngành liên quan đã báo cáo, thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp truy vết, cách ly, xét nghiệm những người từng đi tới vùng dịch Đà Nẵng; kiểm soát, cách ly những trường hợp nhập cảnh, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; việc đón người Việt Nam ở nước ngoài về; tiếp tục quan tâm tới những người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19; quản lý, định hướng công tác tuyên truyền bảo đảm trung thực khách quan, tránh tâm lý hoang mang của người dân... Các ý kiến đều đồng tình kiến nghị Chính phủ cần sớm ra chỉ thị mới về công tác phòng chống dịch Covid-19 trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, nêu rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của từng người dân trong thực hiện phòng chống dịch.
Hạn chế số người tử vong
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh dự báo trong thời gian tới dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và lây lan nếu không nhanh chóng triển khai các giải pháp quyết liệt. Hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương ngay từ bây giờ cần vào cuộc một cách quyết liệt, khởi động lại hệ thống y tế, dồn sức và khả năng có thể để chống dịch một cách chủ động hơn.
Ngành Y tế cần triển khai các biện pháp để hạn chế số người tử vong do Covid-19, nhất là với nhóm người cao tuổi, có bệnh lý nền. Thần tốc, kiên quyết, dành mọi biện pháp, tranh thủ từng giây, từng phút để truy vết người đi từ Đà Nẵng về các địa phương, kịp thời cách ly, khoanh vùng. Tạm ứng kinh phí mua sắm các trang thiết bị máy móc cần thiết phục vụ công tác phòng chống dịch. Kêu gọi người dân bình tĩnh, chủ động khai báo y tế, nhanh chóng đến các cơ sở y tế nếu có biểu hiệu ho, sốt, tuyệt đối không để phát sinh ổ dịch mới và lây lan trên diện rộng. Khuyến khích thúc đẩy học tập, làm việc, kinh doanh... bằng hình thức trực tuyến.
Các địa phương không được chủ quan nhưng không quá hoang mang, bị động. Những địa phương chưa phải giãn cách xã hội phải duy trì sản xuất, kinh doanh, không để đứt gãy nền kinh tế. Không được tuyên bố cách ly xã hội khi chưa có ổ dịch lớn. Rà soát, tháo gỡ khó khăn cho người dân, nhất là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội.
Thủ tướng nhắc lại phương châm chỉ đạo chống dịch như chống giặc. Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi ngôi làng, thôn, bản, khu phố, gia đình... là một pháo đài chống dịch.
Các bộ, ngành liên quan tiếp tục kiểm soát chặt chẽ công tác nhập cảnh, lưu trú, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm. Xử lý nghiêm những trường hợp tung tin đồn thất thiệt về dịch Covid-19. Bộ Giáo dục và Đào tạo có phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020 phù hợp với từng địa phương, bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn, bảo đảm quyền lợi của thí sinh.
Khép lại bài phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắn nhủ các tầng lớp nhân dân không nên hoang mang, lo lắng mà hãy chấp hành nghiêm quy định phòng chống dịch, tiếp tục tin tưởng vào các giải pháp mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã và đang triển khai.
TIẾN MẠNH