Muốn mang lại hiệu quả thực sự trong việc tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị thì phải xác định đây là một cuộc cách mạng triệt để.
Gần đây, khi Đảng, Nhà nước và Quốc hội đặt ra vấn đề tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị từ trung ương xuống cơ sở thì các thế lực phản động, cơ hội chính trị lại lu loa rằng: “Đây là cách mà Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam tiêu diệt những người không cùng phe cánh”. Rồi là “cuộc đấu đá nội bộ, phe nhóm với nhau”, “tạo điều kiện cho cấp dưới chạy chọt để được giữ ghế hoặc ngồi ghế mới cao hơn"...
Họ thừa hiểu rằng, bất cứ nhà nước nào cũng vậy, muốn hoạt động có hiệu quả thì phải có bộ máy tinh gọn, mạnh, thay vì duy trì một bộ máy cồng kềnh, quan liêu và yếu kém.
Không thể phủ nhận những đóng góp to lớn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong gần 80 năm qua từ khi thành lập nước, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước đến nay. Những thành tựu cách mạng trong mỗi giai đoạn đều có công sức đóng góp to lớn của cả bộ máy Nhà nước nói riêng và hệ thống chính trị nói chung.
Tuy nhiên, bộ máy hiện nay còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, lắm khâu trung gian; chức năng, nhiệm vụ trùng lắp, chồng chéo... dẫn đến hiệu quả hoạt động thấp. Đáng nói, việc tinh gọn bộ máy mới chỉ làm mạnh ở cấp cơ sở, nên hiệu quả mang lại không cao. Hằng năm, Nhà nước phải dành gần 70% ngân sách để nuôi bộ máy. Một con số rất đáng để suy ngẫm. Điều cản trở không nhỏ tới mục tiêu Đại hội XIII đề ra là còn nhiều điểm nghẽn, mà vấn đề tinh gọn bộ máy lại chính là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”.
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là một cuộc cách mạng. Không tinh gọn thì không thể phát triển được. Bộ máy cồng kềnh gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chủ trương, chính sách của Đảng chậm đi vào thực tiễn cuộc sống hoặc một số chủ trương không được triển khai hoặc triển khai hình thức trên thực tế.
Đổi mới, sắp xếp bộ máy là công việc rất khó khăn, nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi người, mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị. Vì vậy, đòi hỏi phải thực hiện với quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt nhất và có tính đồng bộ từ Trung ương tới địa phương.
Đổi mới hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả thì cần bắt đầu đổi mới từ Đảng. Đảng phải tiên phong đổi mới chính mình về tổ chức và hoạt động. Chính phủ và bộ máy chính quyền các cấp cũng phải tinh gọn trên nguyên tắc đa ngành, đa lĩnh vực. Quốc hội phải tinh gọn lại bộ máy, đổi mới tư duy lập pháp.
Điều cốt lõi nhất của tinh gọn bộ máy là phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, phải khắc phục được tình trạng “đúng quy trình nhưng không đúng người”, nâng cao hiệu lực, hiệu quả.
Muốn vậy, trước hết cần đánh giá, soát xét lại công việc, chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận, từng tổ chức, bộ máy, từng cán bộ. Trên cơ sở đó để lên phương án tổng thể về tinh gọn hệ thống chính trị, bảo đảm phù hợp với từng ngành nghề, từng địa phương, từng đặc điểm kinh tế, chính trị, xã hội.
Sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là yêu cầu bắt buộc phải làm trong bối cảnh hiện tại với mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp và phục vụ mục tiêu cách mạng trong giai đoạn mới, giai đoạn phát triển mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.
LÊ QUÝ HOÀNG