Kinh tế

Bí quyết giúp Quảng Ninh giữ "ngôi vương" PCI 6 năm liên tiếp

15/09/2023 21:30

Nói đến PCI, Quảng Ninh thường được nhắc tên đầu tiên, địa phương 6 năm liên tiếp là quán quân Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Những dấu ấn nổi bật

Theo báo cáo PCI 2022, Quảng Ninh đứng đầu bảng xếp hạng với 72,95 điểm trên thang điểm 100. Đây là kết quả của những nỗ lực về cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Hiện Quảng Ninh cắt giảm được 45-60% thời gian giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) so với quy định, một số thủ tục cắt giảm trên 70% thời gian. Quy trình giải quyết TTHC của tỉnh được thực hiện theo nguyên tắc "5 tại chỗ", tức là các bước tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả được thực hiện xong ngay tại Trung tâm hành chính công. Tỉnh đang tiến tới thực hiện giải quyết TTHC theo "5 bước trên môi trường điện tử".

Đến nay, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã cung cấp 1.366 TTHC (đạt 100%) trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, trong đó có 902 TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đạt 72,5%).

Trung tâm hành chính công thị xã Đông Triều

Hiệu quả giải quyết TTHC của tỉnh được các doanh nghiệp đánh giá tích cực trong khảo sát PCI với 93% ý kiến đánh giá "cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả" và 91% ý kiến đồng ý "thời gian thực hiện TTHC được rút ngắn hơn so với quy định".

Nhờ tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, Quảng Ninh là điểm sáng của cả nước khi giữ vững đà tăng trưởng 2 con số trong 7 năm liên tiếp (2016-2022).

Năm 2022, tỉnh hoàn thành và hoàn thành vượt mức 13/13 chỉ tiêu kinh tế, xã hội và môi trường đề ra; GRDP và thu ngân sách Nhà nước nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. Tỉnh đứng thứ 3 trong Top 10 địa phương thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều nhất cả nước với tổng vốn 2,186 tỉ USD.

Phát triển văn hóa, xã hội, con người, chăm lo bảo đảm an sinh xã hội được quan tâm hơn, nhất là ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc; 100% địa phương cấp xã, cấp huyện và tỉnh Quảng Ninh đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới...

Bí quyết duy trì "ngôi vương" PCI của Quảng Ninh

Hơn 10 năm trước, Quảng Ninh chỉ đứng ở vị trí thứ 58 trong Bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Năm 2016, tỉnh đã xuất sắc giành vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng này, sau đó vươn lên dẫn đầu trong năm 2017 và duy trì vị trí quán quân liên tiếp từ đó đến nay.

Để làm được điều này, thời gian qua, chính quyền Quảng Ninh luôn duy trì tinh thần chủ động, quyết liệt và đổi mới trong công tác chỉ đạo điều hành, nhất là trong thực hiện Nghị quyết số 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Tỉnh tiên phong thành lập và vận hành hiệu quả các trung tâm phục vụ hành chính công từ cấp tỉnh đến cấp huyện và bộ phận tiếp nhận, trả kết quả hiện đại ở cấp xã; nỗ lực rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa, công khai, minh bạch TTHC nhằm xây dựng một chính quyền phục vụ thực chất cho người dân, doanh nghiệp.

Quảng Ninh trở thành thương hiệu về một "Điểm đến đầu tư an toàn, thuận lợi, minh bạch, hấp dẫn và thành công"

Với phương châm “giành được niềm tin của doanh nghiệp đã khó, giữ vững, nuôi dưỡng và tiếp tục nâng cao hơn nữa niềm tin đã có càng khó hơn”, Quảng Ninh thực hiện nhiều giải pháp thiết thực. Tỉnh đi đầu thí điểm thành lập cơ quan xúc tiến và hỗ trợ đầu tư chuyên biệt với nhiệm vụ kêu gọi, hỗ trợ, tư vấn, tạo điều kiện thuận lợi nhất và giải quyết nhanh nhất các thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp. Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được ban hành kịp thời, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Các mô hình Ban Quản lý KKT tỉnh, Ban Quản lý KKT Vân Đồn, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA), cùng sự hỗ trợ tích cực của các tổ công tác đặc biệt như: Investor Care, Tổ công tác hỗ trợ một số dự án trọng điểm của tỉnh, Korea Desk Quảng Ninh… luôn phát huy vai trò đồng hành cùng doanh nghiệp.

Quảng Ninh cũng mạnh dạn trao quyền cho cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp “đo lường”, đánh giá khách quan, độc lập thông qua phiếu điều tra, khảo sát mức độ tín nhiệm với bộ máy chính quyền điều hành cấp cơ sở như: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện DDCI Quảng Ninh và các chỉ số CCHC (PAR Index), Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị cấp huyện (DGI) và Chỉ số đánh giá mức độ, xếp hạng chính quyền điện tử (ICT) của các sở, ban, ngành, các cơ quan ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn và UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Tỉnh có hàng loạt bước đi sáng tạo, đột phá trong huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với phương chấm “Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”; sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển….

Đúng như lời ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh, việc duy trì tính liên tục theo trật tự tuyến tính trên trục thời gian suốt 10 năm qua các chỉ số PCI của Quảng Ninh hàm chứa trong đó là lòng tin chiến lược của nhà đầu tư, của doanh nghiệp. Những nỗ lực toàn diện, tổng thể của cả hệ thống chính trị, bắt đầu từ những người lãnh đạo cao nhất cho đến các cán bộ ở cơ sở đã giúp Quảng Ninh trở thành thương hiệu về một "Điểm đến đầu tư an toàn, thuận lợi, minh bạch, hấp dẫn và thành công".

Theo Vietnamnet
(0) Bình luận
Bí quyết giúp Quảng Ninh giữ "ngôi vương" PCI 6 năm liên tiếp