Nói đến bệnh nghề nghiệp, nhiều người thường nghĩ ngay đến công nhân vì môi trường làm việc ở nhiều nơi bị ô nhiễm do khói bụi, tiếng ồn...
Việc ngồi quá lâu, tiếp xúc trực tiếp với máy tính gây ra một số bệnh với dân văn phòng
Nhưng thực tế, nếu không biết cách phòng tránh thì chính giới văn phòng sẽ dễ mắc phải một số bệnh ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
Thờ ơ, chủ quan
Chị Đào Thị Lý ở xã Tuấn Hưng (Kim Thành) đã có thâm niên hơn chục năm làm việc ở văn phòng. Hằng ngày, chị làm việc trực tiếp với máy vi tính, thậm chí có ngày chị ngồi liên tục đến hơn 8 tiếng. "Tôi làm văn phòng hơn chục năm nay. Tôi thường thấy đau đầu, nhức chân tay, mỏi mắt nhưng tôi không đi khám vì nghĩ nó không ảnh hưởng nhiều lắm", chị Lý cho biết.
Chị Phạm Thị Việt Trinh quê ở xã Đại Hợp (Tứ Kỳ) hiện đang làm chuyên viên văn phòng cũng mắc phải một số bệnh dù gắn bó với nghề chưa lâu. Do phải nhìn màn hình máy tính liên tục, chị thường mỏi cổ, đau vai, hoa mắt. Gần đây, các đợt đau nhức còn kéo từ lưng xuống chân. Chị Trinh đã tìm hiểu những bài tập massage mắt, nhỏ thuốc mắt. Ngoài ra, chị Trinh còn mua các loại thuốc giảm đau xương khớp và tích cực tập luyện thể dục vào buổi sáng.
Có khá nhiều người làm việc trong văn phòng, nhất là những người đã làm lâu năm dễ mắc phải một số bệnh lý trên. Tuy nhiên hầu hết mọi người chỉ tới khi đau không chịu nổi mới đi khám. Thái độ thờ ơ, chủ quan, ngại đi khám sức khỏe sẽ ảnh hưởng nhiều đến công việc.
Chị Nguyễn Thị Loan ở xã Nghĩa An (Ninh Giang) đang làm kế toán cho một công ty. Dù "mưa không đến mặt, nắng chẳng đến đầu", song đầu óc chị luôn phải căng thẳng với những bản kế hoạch, báo cáo. Chưa kể ngồi làm việc liên tục với máy vi tính, điều hòa nhiệt độ... khiến chị thường xuyên bị choáng váng mỗi khi đứng dậy và đau nhức toàn thân. Cách đây 1 tháng, chị đi khám sức khỏe, bác sĩ kết luận chị bị rối loạn tiền đình. "Trong gia đình, tôi là lao động chính. Giờ chuyển nghề cũng rất khó khăn nên tôi đành chấp nhận và tìm cách chữa bệnh thôi", chị Loan chia sẻ.
Chủ động đề phòng
Theo số liệu từ trang báo Dailymail (Anh): 62% dân văn phòng bị đau vẹo cổ, 44% bị căng thẳng mắt, 38% bị đau bàn tay, 34% bị rối loạn giấc ngủ, 74% bị đau, khô họng, 73% bị nhức đầu, 80,9% bị đau lưng.
Ở tỉnh ta, chưa có cuộc khảo sát nào về những bệnh lý mà giới văn phòng có thể mắc phải nhưng theo các chuyên gia y tế, bệnh văn phòng là các loại bệnh liên quan đến lao động đặc thù ở văn phòng như béo phì, thoái hóa cột sống, tim mạch, tiêu hóa... "Thủ phạm” bắt nguồn từ những thói quen như ngồi nhiều, ngồi sai tư thế, ít vận động, ăn thức ăn nhanh...
Để bảo vệ sức khỏe, mỗi người cần tích cực vận động, tránh ngồi lâu trong thời gian dài. Chế độ ăn uống phải phù hợp, nên bổ sung những thực phẩm chứa vitamin A, E, D như rau xanh, trái cây... Nên tạo cho bản thân tinh thần, tâm lý thoải mái khi làm việc. Nếu bị mỏi hoặc khô mắt khi làm việc thì nên để cho mắt có thời gian nghỉ ngơi. Nếu mỏi lưng, đau xương khớp cần ra khỏi phòng thực hiện những động tác co duỗi đơn giản hoặc thư giãn bằng cách nghe nhạc... Có thể đi cầu thang bộ thay vì sử dụng cầu thang máy, chơi các môn thể thao để tăng cường sức khỏe. Ngoài ra, cần thực hiện chế độ ăn uống khoa học, ăn đúng giờ giấc...
Ngoài việc điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt, tăng cường vận động, người làm việc trong văn phòng nên chủ động đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện các dấu hiệu bệnh lý sớm và kịp thời có biện pháp chữa trị.
THẢO NGUYỄN