Thời điểm khó khăn như năm 2023, có công ty môi giới đã "cắt" hàng nghìn nhân viên. Nhưng khi phục hồi, theo đa số lãnh đạo doanh nghiệp, việc tuyển lại sẽ là bài toán đau đầu.
2023 vẫn là một năm khó khăn với nhiều doanh nghiệp bất động sản. Sóng cắt giảm nhân sự chưa dừng lại, dù nhiều ý kiến cho rằng "thị trường đã qua lúc xấu nhất"...
Cái tên nổi bật nhất năm qua về quy mô cắt giảm nhân sự là Công ty cổ phần dịch vụ bất động sản Đất Xanh (DXS).
Đặc thù công ty mảng môi giới, phân phối bất động sản là quy mô nhân sự thường rất lớn. Bởi vậy khi kinh doanh gặp khó, dễ lý giải số lượng nhân sự cắt giảm tại DXS lên tới hàng nghìn người.
Tại báo cáo tài chính quý 4/2023, DXS cho biết tổng số nhân sự cuối năm 2023 còn 2.275 người, giảm 1.065 so với đầu năm.
Nhìn lại vài năm gần đây mới thấy đà thu hẹp nhân sự tại "nhà phân phối bất động sản số 1" này rất lớn. Cuối quý 3-2022, tổng số nhân viên DXS lên 6.380 người. Ngay thời điểm COVID-19 cuối năm 2020, DXS vẫn còn duy trì ngưỡng hơn 5.000 người.
Về tình hình kinh doanh, doanh thu DXS năm 2023 đạt 1.978 tỉ đồng, giảm 52% so với 2022. Trong đó, giảm mạnh nhất là doanh thu dịch vụ bất động sản, chỉ còn 647 tỉ đồng, sụt hơn 72%.
Do cắt bớt nhân sự, chi phí lương cũng giảm mạnh, chỉ còn hơn 226 tỉ đồng, cùng kỳ hơn 712 tỉ đồng. Tuy nhiên, lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh, lại thêm gánh nặng từ khoản lỗ công ty liên doanh, liên kết, DXS đã báo lỗ sau thuế 160 tỉ đồng năm 2023.
Tích cực hơn, Novaland (NVL) - một doanh nghiệp địa ốc lớn ở phía Nam - báo lợi nhuận quý 4/2023 gấp tới 12 lần cùng kỳ, đạt 1.642 tỉ đồng.
Quý 4, doanh thu thuần của NVL cũng giảm như nhiều doanh nghiệp địa ốc khác. Nhưng bù lại, NVL có hoạt động tài chính đột biến, đạt 1.825 tỉ đồng, gấp hơn 2 lần cùng kỳ.
Gộp cả năm 2023, doanh thu NVL đạt 4.758 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 684 tỉ đồng, lần lượt giảm 57% và 68% so với 2022. Tuy nhiên, đây vẫn là điểm tích cực bởi nửa đầu năm NVL vẫn còn lỗ nặng.
Nhân sự của NVL cũng hao hụt theo cái khó chung của thị trường. Báo cáo tài chính thể hiện cuối năm 2023, tập đoàn còn tổng 1.091 nhân viên, giảm 313 so với đầu năm. Nhưng nếu so với cuối năm 2020, đã giảm gần 1.200 người.
Cắt bớt nhân sự cũng là lựa chọn của CTCP đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền (KDH). Cuối năm 2023, tổng số nhân viên KDH còn 258 người, giảm 84 người so với đầu năm.
Lũy kế cả năm 2023, doanh thu thuần của KDH đạt 2.093 tỉ đồng, giảm 28% so với 2022. Còn lợi nhuận sau thuế 730 tỉ đồng, "rơi" 32% từ mức hơn 1.000 tỉ đồng 2022. Đây cũng là mức lợi nhuận sau thuế năm thấp nhất trong 6 năm qua của KDH.
Một doanh nghiệp khác là Vinhomes cũng đã cắt gần 250 nhân sự trong năm 2023. Đến cuối năm 2023, còn 9.440 người.
Số lượng nhân sự cắt giảm tại một số công ty nêu trên được ví như "phần nổi của tảng băng chìm". Bởi không phải doanh nghiệp nào trên sàn cũng thuyết minh để cổ đông nắm rõ biến động quy mô nhân sự. Chưa kể, còn rất nhiều công ty chưa đại chúng, không bắt buộc công bố thông tin.
Trong một báo cáo hồi tháng 1/2024, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) tổng kết lại 2023 là năm tiếp theo ghi dấu nhiều "cuộc chia ly".
Báo cáo chỉ ra năm 2023 có 1.286 doanh nghiệp giải thể, tăng 7,7% so với năm 2022 (năm 2022 tăng tới 38,7% so với năm 2021). 3.705 doanh nghiệp bất động sản ngừng có thời hạn, tăng 47,4%.
Trong khi đó, số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới đạt 4.725, giảm 45%. Hàng nghìn môi giới bất động sản mất việc, bỏ nghề. Chỉ còn khoảng 20% môi giới bất động sản đang hoạt động, VARS cho hay.
Quý 4/2023, thị trường ghi nhận sự "quay trở lại" của một lượng doanh nghiệp và môi giới bất động sản, nhưng theo VARS, con số này cũng chỉ bằng khoảng 10% so với số đã rời thị trường trước đó.
Thậm chí, tổng giám đốc một công ty bất động sản còn chia sẻ lực lượng môi giới "đã biến mất một cách nhanh chóng".
Cách đây hơn 1 năm, chỉ cần một sản phẩm mới ra thị trường đã có tới hàng nghìn môi giới tham gia. Nhưng hiện nay, đến 70% đã chuyển sang làm công việc khác. 30% còn lại là những người lành nghề, có sẵn tích lũy tiền bạc mới chống chọi được trong thời gian khốc liệt vừa qua.
Nguyên nhân chủ yếu, theo vị tổng giám đốc, do thị trường mất thanh khoản đột ngột. Các chủ đầu tư rơi vào tình cảnh khó khăn, thanh toán công nợ bị chậm. "Trong khi làm môi giới bất động sản, ráo mồ hôi là hết tiền", ông này nói.
Việc cắt giảm thì dễ nhưng theo đa số lãnh đạo doanh nghiệp, việc tuyển lại đau đầu hơn nhiều... Trong khi một bài toán tổng thể để thị trường và doanh nghiệp bất động sản tốt hơn, đặc biệt cần có sự góp mặt của lực lượng môi giới chuyên nghiệp.
T.H (theo Tuổi trẻ)