Bảo hiểm xã hội tự nguyện: Giảm hơn 16.000 người tham gia vì COVID-19

19/05/2020 02:35

Số lượng người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã giảm mạnh do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội trong năm 2020 tiếp tục được giữ vững.

Giải quyết chế độ bảo hiểm cho người lao động

Năm 2020, mục tiêu đặt ra là tăng thêm ít nhất 300.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, nâng tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lên ít nhất 800.000 người. Tuy nhiên, do tác động từ đại dịch COVID-19, công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đang gặp nhiều khó khăn.

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện trong dịch COVID-19” do Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với Báo Nhân Dân tổ chức ngày 19.5.

Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện giảm

Trong quý 1 và quý 2, do tác động bởi đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, thực hiện giãn cách xã hội… dẫn đến nhiều người lao động phải tạm thời nghỉ việc, tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc chấm dứt hợp đồng lao động... Điều này tác động không nhỏ đến việc bảo đảm các mục tiêu về phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội trong năm 2020.

Năm 2019, mở rộng đối tượng bảo hiểm xã hội tự nguyện được coi là một trong những điểm sáng trong các hoạt động của ngành bảo hiểm xã hội. Thế nhưng từ đầu năm 2020 đến nay, việc phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện gặp nhiều khó khăn, số lượng người tham gia giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Bà Đinh Mai Hạnh, Phó Trưởng ban Thu (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, theo số liệu ước tính đến ngày 30.4, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là khoảng 557.000 người đang tham gia, giảm 16.000 người so với thời điểm hết năm 2019 (573.000 người), và giảm 11.000 người so với tháng 3.2020.

Lý giải nguyên nhân giảm số lượng người bảo hiểm xã hội tự nguyện, bà Đinh Mai Hạnh cho hay: “Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cơ quan bảo hiểm xã hội không phát triển được đối tượng mới, kể cả đối tượng đang tham gia cũng phải dừng. Công tác tuyên truyền thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng không được triển khai đúng tiến độ.”

“Do phải thực hiện giãn cách xã hội, chúng tôi cũng không phối hợp được với cơ quan bưu điện tổ chức các hội nghị tuyên truyền đến người dân nên hầu như không phát triển được đối tượng tăng mới. Trong khi đó, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chủ yếu là lao động tự do, trong thời gian dịch bệnh không có việc làm nên họ cũng dừng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đó cũng là những nguyên nhân chính làm giảm đối tượng tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện,” bà Đinh Mai Hạnh nói.

Hiện nay, kênh phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chính của Bưu điện Việt Nam đó là phát triển đối tượng tham gia thông qua hình thức tổ chức hội nghị tuyên truyền, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Tuy nhiên, do thực hiện nghiêm chỉnh về giãn cách xã hội theo Chị thỉ số 15 và Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội  tự nguyện qua hình thức tổ chức hội nghị đã bị gián đoạn.

Ông Trần Chí Trung, Trưởng Ban Dịch vụ Tài chính Bưu chính, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) cho hay, kết quả phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mới của Bưu điện Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng, đặc biệt là trong tháng 3, 4.2020.

Tăng 300.000 người tham gia bảo hiểm tự nguyện

Công tác phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam đã đạt kết quả tích cực, qua đó, các hoạt động kinh tế, xã hội dần trở lại trạng thái bình thường mới. Các hoạt động tuyên truyền, mở rộng bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng đang được đẩy mạnh thực hiện để hoàn thành mục tiêu tăng thêm 300.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.


Giới thiệu cho người lao động về chính sách bảo hiểm xã hội

Ông Trần Chí Trung cho biết thêm, dự kiến trong ngày 23.5 tới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam sẽ tổ chức lễ ra quân hưởng ứng "Tháng vận động triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hộ tự nguyện”. Lễ ra quân được thực hiện trực tuyến với các điểm cầu ở Trung ương và 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố, bảo đảm giãn cách xã hội.

Đặc biệt, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các hoạt động tuyên truyền được triển khai theo hướng tăng cường ứng dụng dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, tổ chức các hội nghị trực tuyến, đẩy mạnh truyền thông qua các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, báo viết, các trang thông tin điện tử, fanpage, các trang mạng xã hội…

Ông Trần Hải Nam nhận định: “Những khó khăn vừa qua là ngắn hạn. Cùng với những nỗ lực của Chính phủ trong khôi phục lại nền kinh tế, phục hồi sức khỏe của doanh nghiệp sau dịch bệnh và sự quyết tâm của các cơ quan tổ chức chính quyền, địa phương các cấp triển khai thực hiện chính sách, các chỉ tiêu về phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội trong năm 2020 tiếp tục được giữ vững và phấn đấu hoàn thành theo đúng kế hoạch.”

“Chúng tôi cũng đánh giá rằng trước những khó khăn do tác động của dịch bệnh, người lao động ngày càng thấy được rõ hơn tầm quan trọng của việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp”, bà Đinh Mai Hạnh nói.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bảo hiểm xã hội tự nguyện: Giảm hơn 16.000 người tham gia vì COVID-19