Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là tới Tết Nguyên đán, là thời điểm người nuôi lợn mong chờ nhất trong năm. Nhưng năm nay người nuôi lợn trong tỉnh vẫn chưa thể yên tâm.
Năm 2021, người nuôi lợn gặp nhiều khó khăn. Dù tổng đàn lợn của tỉnh đạt hơn 368.000 con (tăng 32,1%), sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng khoảng hơn 127.000 tấn (tăng 19,5%) nhưng tính ra mức lãi của người nuôi lại không tỷ lệ thuận với sản lượng, tổng đàn, thậm chí có thời điểm còn bị thua lỗ. Nguyên nhân do giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, trong khi nhiều thời điểm giá thịt lợn hơi lại xuống thấp,có lúc xuống thấp nhất trong 2 năm qua. Hồi tháng 3, tháng 4, giá lợn hơi tầm 70.000-75.000 đồng/kg; đến tháng 8, tháng 9 giảm xuống còn 48.000-50.000 đồng; thấp kỷ lục là từ ngày 12-14.10, giá lợn hơi chỉ còn 35.000-37.000 đồng/kg.
Nông dân cả nước nói chung, nông dân trong tỉnh nói riêng cũng gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm do các nhà hàng, quán ăn, nhiều bếp ăn tập thể tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch Covid-19.
Năm ngoái, người chăn nuôi cũng mất bao công chuẩn bị nhưng áp Tết Nguyên đán dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh, nhiều nơi bị phong tỏa, cả tỉnh thực hiện phương châm ai ăn Tết ở nhà đó, hạn chế tối đa tụ tập, liên hoan nên việc tiêu thụ thực phẩm, trong đó có thịt lợn bị ảnh hưởng không nhỏ.
Lo ngại sản phẩm khó tiêu thụ nên năm nay gần Tết nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh đã giảm quy mô hoặc bỏ trống chuồng trại. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn trong dịp Tết Nguyên đán năm nay.
Không chỉ vậy, người chăn nuôi còn nơm nớp nỗi lo dịch tả lợn châu Phi sẽ bùng phát. Từ đầu năm tới nay, trong tỉnh đã xuất hiện 1 ổ dịch tả lợn châu Phi tại xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh). Hiện tại, dịch tả lợn châu Phi cũng đang diễn biến hết sức phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Đến nay, dịch đã xảy ra tại 2.275 xã của 57 tỉnh, thành phố với tổng số lợn buộc tiêu hủy hơn 230.000 con, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2020, chiếm khoảng 0,8% tổng đàn lợn của cả nước. Nguy cơ dịch bệnh lây lan vào Hải Dương rất cao.
Thời gian qua, ở một số địa phương trong tỉnh đã xuất hiện tình trạng bán thịt lợn với giá rẻ giật mình, chỉ tầm 12.500 đồng/kg trong khi giá lợn hơi trên thị trường từ 50.000-52.000 đồng/kg. Theo tiết lộ của một người mua được lợn giá rẻ, chủ các trang trại đang bán đổ bán tháo lợn với giá rẻ là do lo ngại bùng phát dịch tả lợn châu Phi, nếu không may đàn lợn bị nhiễm bệnh thì sẽ mất trắng.
Nguồn hàng chuẩn bị cho dịp Tết vốn đã không dồi dào bằng mọi năm, nay lại thêm tình trạng bán tháo lợn với giá rẻ như hiện nay càng gia tăng mối lo về khan hiếm nguồn cung thịt lợn trong dịp Tết Nhâm Dần và sau đó. Việc bán tháo lợn ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường, gây tâm lý hoang mang cho người chăn nuôi trong tỉnh…
Trước tình trạng trên, ngày 15.12, Chủ tịch UBND tỉnh đã có chỉ thị yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ngành liên quan tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi.
Để bảo vệ đàn lợn, bảo đảm nguồn cung thịt lợn phục vụ thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán, các địa phương cần nghiêm túc thực hiện tốt chỉ thị trên.
KIM THANH