Một trong những việc được các cơ sở giáo dục trong tỉnh quan tâm hàng đầu khi đón học sinh đi học trở lại là bảo đảm an toàn trong tổ chức bán trú.
Các cô nuôi Trường Mầm non Tân Trường (Cẩm Giàng) chuẩn bị bữa ăn trưa cho học sinh ngay trong ngày đầu các em đến lớp
Tuân thủ phòng dịch
Từ ngày 1.4, Hải Dương đã chuyển sang trạng thái bình thường mới. Học sinh từ mầm non đến THPT tại tất cả các địa phương được trở lại trường học. Tỉnh chỉ đạo việc đón học sinh trở lại trường, đặc biệt là tổ chức ăn bán trú phải bảo đảm tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch và an toàn vệ sinh thực phẩm…
Ghi nhận tại nhiều địa phương trong tỉnh như TP Hải Dương, thị xã Kinh Môn, các huyện Cẩm Giàng, Kim Thành, Nam Sách cho thấy tất cả các trường mầm non khi đón học sinh trở lại đều tổ chức ăn bán trú theo nguyện vọng của cha mẹ học sinh. Các trường tiểu học chỉ học 1 buổi/ngày nên tạm thời chưa tổ chức ăn bán trú.
Trường Mầm non Phú Thái (Kim Thành) - nơi từng được trưng dụng làm địa điểm cách ly y tế tập trung đã được vệ sinh khử khuẩn 4 lần. Để phụ huynh yên tâm cho con bán trú, trường đã cho dọn vệ sinh, khử khuẩn nhiều lần khu nhà bếp rộng 150 m2, chuẩn bị đầy đủ dụng cụ cần thiết phục vụ nấu ăn. Trường bố trí mỗi học sinh một giường gấp để ngủ trưa. Trên tường nhà bếp, đơn vị này dán khuyến cáo 5K, lịch vệ sinh hằng ngày và khẩu hiệu “Quyết tâm thực hiện bếp ăn 5 tốt”. Cô giáo Trần Thị Thanh Hoa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Thời gian qua cả tỉnh đã phải nỗ lực, quyết tâm rất lớn đẩy lùi dịch bệnh nên các con mới được quay trở lại trường như này. Bây giờ chúng tôi càng phải chú ý bảo đảm an toàn để trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng thật tốt. Đây cũng là mong mỏi của các bậc cha mẹ học sinh”.
Do cũng từng được trưng dụng làm địa điểm cách ly y tế tập trung nên để bảo đảm an toàn cho trẻ khi học bán trú, Trường Mầm non Hiệp Hòa (Kinh Môn) đã thay toàn bộ chiếu, giát giường của các cháu. Toàn bộ chăn gối cũng được giặt sạch sẽ. Trường yêu cầu cha mẹ học sinh phải mang cốc uống nước, khăn mặt riêng khi cho trẻ đến trường. Cán bộ, giáo viên, nhân viên thường xuyên sát khuẩn tay, rửa tay bằng xà phòng cho học sinh.
Tỷ lệ học sinh mầm non ăn bán trú ở thị xã Kinh Môn cao, thường từ 97-99%. Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã cho biết do thời gian qua nhiều trường mầm non được sử dụng làm địa điểm cách ly y tế nên một bộ phận cha mẹ học sinh còn tâm lý lo lắng, chưa thực sự yên tâm khi cho con đi học trở lại. Phòng đã chỉ đạo các cơ sở khi tiến hành khử khuẩn, vệ sinh, chuẩn bị các điều kiện đón trẻ đến trường, tổ chức bán trú phải quay video, chụp ảnh rồi gửi lên nhóm Zalo của từng lớp để cha mẹ học sinh yên tâm. Mặt khác tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn cha mẹ học sinh thực hiện khuyến cáo 5K, bảo đảm an toàn khi đưa con đến trường trên nhóm này. Yêu cầu các trường phải tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch và an toàn thực phẩm khi tổ chức bán trú. Các trường chỉ được nhập thực phẩm của các đơn vị có giấy phép kinh doanh và chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Mỗi trường phải bố trí một khu vực tiếp nhận thực phẩm riêng. Người đưa thực phẩm khi đến trường bắt buộc đo thân nhiệt, khai báo y tế, rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang. “Chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất, thường xuyên về công tác này. Nếu trường nào không chấp hành sẽ xử lý nghiêm”, vị lãnh đạo này cho biết.
Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Hải Dương Lê Thị Mỹ Phương cho biết đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục khi tổ chức ăn bán trú phải giám sát nghiêm đội ngũ cô nuôi. Chỉ được trưng dụng những cô nuôi đủ điều kiện sức khỏe, có chứng chỉ. Những người có biểu hiện ốm, ho, sốt không được đến trường nấu ăn. Các trường chủ động phương án người dự phòng phục vụ bếp ăn bán trú.
Khó bảo đảm giãn cách
Trường Mầm non Tân Trường (Cẩm Giàng) có 868 học sinh thì có 98,5% số trẻ được đăng ký ăn bán trú. Số lượng học sinh đông nên trường đã mượn thêm Trường Tiểu học Tân Trường 2 phòng học để thực hiện giãn cách.
Nhiều phòng học ở Trường Mầm non Hiệp Hòa (Kinh Môn) rộng 90m2 nhưng chỉ có 25-27 học sinh/lớp. Việc giãn cách học sinh trong khi học cũng như ăn bán trú tại lớp không có gì khó khăn.
Mặc dù vậy, không phải cơ sở giáo dục mầm non nào cũng có đủ điều kiện để thực hiện giãn cách như 2 trường trên. Nhiều nhà quản lý giáo dục, giáo viên khẳng định việc cho trẻ mầm non đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách là rất khó thực hiện. Học sinh mầm non còn nhỏ, việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phụ thuộc phần lớn vào giáo viên. Cô giáo phải bế ẵm, cùng lúc cho nhiều trẻ ăn uống, vệ sinh nên không thể đủ “tai mắt” để giám sát các em. Mặc dù vậy, việc bảo đảm an toàn cho học sinh quay trở lại trường khi địa phương đang thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong trạng thái bình thường mới là quy định bắt buộc nên giáo viên mầm non sẽ phải vất vả hơn bình thường. Họ không chỉ thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ thông thường mà còn phải đo thân nhiệt, giám sát, quản lý, bảo đảm giữ khoảng cách tốt nhất cho học sinh.
Chị Vũ Thị Thu Hương, giáo viên Trường Mầm non Phú Thái (Kim Thành) chia sẻ: “Nói chung là công việc vất vả hơn nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức vì sự an toàn chung. Mong mãi mới đến ngày được đón các con quay trở lại trường nên mệt tí cũng thấy vui”.
TIẾN MẠNH