"Quan trọng nhất là bố mẹ cần quan tâm định hướng cho trẻ nên tiêu gì, tiêu thế nào là hợp lý trong điều kiện kinh tế của gia đình và độ tuổi của mình".
Chị Nga luôn hướng dẫn con sử dụng tiền đúng mục đích và phù hợp với hoàn cảnh của gia đình
Có cho con tiền tiêu vặt hay không, làm thế nào để dạy con biết sử dụng đồng tiền đúng giá trị, đúng mục đích, không để lại hậu quả xấu? Đó là những băn khoăn mà nhiều phụ huynh gặp phải khi con bắt đầu có nhu cầu sử dụng tiền tiêu vặt hoặc mua sách vở, đồ dùng học tập.
Nhiều quan điểm khác nhau
Cách đây vài năm, khi con gái bắt đầu vào học THPT, vợ chồng chị H.T.C ở phường Hải Tân (TP Hải Dương) đã thống nhất với nhau sẽ cho con 200.000 đồng/tháng để cháu dùng khi cần thiết, không cho thêm khi con muốn. Tuy nhiên, sau đó vì thương con, mỗi khi con xin thêm để mua sách vở, đồ dùng học tập, sửa xe... chị C. lại cho con. 2 năm trước, con chị C. trúng tuyển và đi học tại một trường chuyên nghiệp ở TP Hà Nội. Lúc này, cháu ở cùng gia đình dì ruột. Sau một thời gian nhập học, gia đình dì phát hiện cháu đã lấy trộm hơn chục triệu đồng. Cháu đã lấy trộm nhiều lần, nhưng lần này mới bị phát hiện. Sững sờ vì hành động của con gái, chị C. đã lên Hà Nội ở cùng con khoảng 1 năm để quản lý con việc chi tiêu, sử dụng tiền bạc.
Nhiều bậc phụ huynh không cho phép con tự ý sử dụng tiền bạc. Chị Bùi Thị Nga, phường Tứ Minh (TP Hải Dương) có một con trai năm nay 12 tuổi. Chị đã đưa con tiền để đi ăn sáng, mua giúp chị một số gia vị, vật dụng nhà bếp. Tuy nhiên, chị thường chỉ đưa cháu đủ số tiền cần thiết, khi còn thừa cháu phải trả mẹ đủ. "Con trai dễ bị bạn bè xấu lôi kéo nên tôi phải chú ý nhiều đến con. Tất nhiên không phải kiểm soát quá chặt mà có lúc vẫn để con cảm thấy thoải mái. Như tiền mừng tuổi Tết, tôi cho con giữ lại một khoản tiền nhỏ, biết rõ con tiêu gì nên vẫn yên tâm", chị Nga cho biết.
Đồng ý với chị Nga, chị Nguyễn Thị Phương Thảo, phường Quang Trung (TP Hải Dương) cho biết chị chưa cho các con tự ý sử dụng tiền. Chị có hai con 7 tuổi và 9 tuổi. Đến nay, mọi khoản chi cho các cháu như sách vở, quần áo, ăn sáng... chị đều mua và có tham khảo ý kiến của các con. "Tôi dự định khi các con học cấp 2 sẽ bắt đầu cho các con làm quen với việc tiêu tiền và sẽ tùy theo tính cách, sự phát triển của các con mà có quyết định phù hợp", chị Thảo cho biết.
Cho tiền sao cho hợp lý?
Theo một số phụ huynh, để con làm quen với việc tiêu tiền khi đến một độ tuổi nhất định sẽ giúp con hình thành tính cách độc lập. Chị Tuyết ở thị trấn Minh Tân (Kinh Môn) có hai con gái đang học THCS và THPT. Khi các cháu vào học THCS, chị bắt đầu cho các con tiền ăn sáng, mua đồ dùng học tập, đi chợ, tự mua đồ mình thích để nấu ăn. "Tôi hướng dẫn các con mua bữa sáng và những đồ dùng cần thiết để bảo đảm sức khỏe, hỗ trợ việc học tập; khuyên các cháu không mua quà vặt ngoài cổng trường vì mất an toàn vệ sinh thực phẩm và hình thành tính xấu la cà hàng quán. Tôi nghĩ cho các con được tiêu tiền và hướng dẫn các con chi tiêu hợp lý là cách giúp con trưởng thành", chị Tuyết chia sẻ.
Cách dạy con tiêu tiền của chị Tuyết đã đem lại hiệu quả tích cực. Các con của chị đều trung thực, chi tiêu hợp lý, biết thay đổi bữa ăn hằng ngày, mua đồ ăn ở những nơi tin tưởng và cầm tiền thừa trả mẹ. Con gái lớn của chị Tuyết được cô giáo chủ nhiệm tin tưởng chọn làm thủ quỹ của lớp. Nhiều lần con gái chị đã được cô giáo chủ nhiệm khen biết tính toán khi sử dụng tiền cho các hoạt động chung như phô tô đề thi, chi tiền cho hoạt động ngoại khóa...
Theo thạc sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Kiều Liên, Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương, hiện nay, các bậc phụ huynh có nhiều quan điểm khác nhau về việc cho trẻ tiền tiêu vặt. Nhiều cha mẹ cho rằng không nên cho tiền khi con quá nhỏ, con sẽ dễ bị bạn bè lôi kéo, sa đà vào hàng quán, trò chơi điện tử... Tuy nhiên cũng nhiều bậc phụ huynh lại tập cho con làm quen với tiền từ sớm để khi lớn lên con không trở thành "gà công nghiệp", thiếu nhạy bén với cuộc sống, không biết cách sử dụng tiền cho phù hợp.
"Quan trọng nhất là bố mẹ cần quan tâm định hướng cho trẻ nên tiêu gì, tiêu thế nào là hợp lý trong điều kiện kinh tế của gia đình và độ tuổi của mình. Khi bố mẹ thưởng tiền cho con để làm việc nhà, cần xác định rõ việc nào trẻ phải làm, việc nào trẻ sẽ được thưởng để khuyến khích vì giúp bố mẹ. Cách làm này giúp trẻ có thể làm quen với tiền, nhận thức được giá trị của tiền bạc cũng như có trách nhiệm với những công việc chung trong gia đình", thạc sĩ Liên khuyến cáo.
VIỆT QUỲNH