Để hết mù mờ, tôi và kỹ sư Quang cùng kiến nghị vài giải pháp. Thứ nhất, đẩy mạnh công nghệ hóa quản lý nông nghiệp, dự báo kịp thời nhu cầu tiêu thụ thịt lợn từng vùng miền...
Ngồi cạnh tôi trong đám cưới, bỗng Quang nói: “Em có miếng đất trên Ba Vì, muốn xây dựng trại nuôi lợn công nghệ cao, bác ủng hộ em nhé”.
Nguyễn Thanh Quang là kỹ sư cơ khí được đào tạo ở Liên Xô cũ, người bạn trẻ nhưng thân thiết của tôi. Thấy Quang nói thế, tôi vui vẻ nhận lời vì rất muốn cùng anh xây dựng mô hình nuôi lợn mới.
Nói là làm ngay, bảy năm trước, Quang một mình lên sống trên mảnh đất ấy và xây dựng trại lợn về sau rất nổi tiếng. Sáng kiến mà tôi giúp Quang là cách mạng hóa việc sản xuất thức ăn nuôi lợn.
Để có một cân lợn hơi cần bốn cân thức ăn. Vì vậy, giá thành thức ăn chăn nuôi quyết định giá thịt lợn. Trong thức ăn, phần protein là đắt nhất. Thức ăn hỗn hợp nuôi lợn thường lấy nguồn protein từ khô dầu đậu đỗ và bột cá. Toàn những nguyên liệu quá đắt.
Tôi và Quang đã mạnh dạn thay hai thứ này bằng ốc bươu vàng và giun quế. Ốc do nông dân bắt ngoài ruộng để bỏ đi, mang đến bán cho Quang, giun anh tự nuôi tại trại. Mô hình thành công và nổi tiếng với thịt lợn sạch, nhiều đoàn nông dân đến học hỏi. Quang còn mạnh dạn xây thêm một trạm chế biến và sản xuất pa-tê, xúc xích lợn.
Mấy tháng gần đây, Quang kêu trời vì giá thức ăn tinh để chăn nuôi như cám gạo, cám mỳ, ngô... tăng cao quá làm giá lợn hơi đầu ra chao đảo. Vậy mà kỳ lạ, giá lợn hơi trên thị trường lại đang giảm một cách thảm hại. Có lúc, giá một cân lợn hơi chỉ còn 28.000 đồng. Mức giá này chỉ bằng khoảng 60% vào thời điểm giữa năm 2020, cũng là thời điểm đang có dịch Covid. Bà con chăn nuôi đang lỗ khoảng một triệu đồng mỗi con lợn trên dưới 100 cân.
Vì sao như vậy? Một mặt do giao thông vẫn chưa hoàn toàn thông suốt, giá thức ăn chăn nuôi đến từng xã, huyện vẫn bị đẩy lên. Mặt khác do có thông tin đang ứ thừa 4 triệu đầu lợn trong dân, thế là dẫn đến chuyện nhiều nông dân bán vội lợn bất chấp giá đang quá thấp.
Giá bán lợn của nông dân giảm đột ngột, nhưng ở nhiều nơi, người tiêu dùng vẫn phải mua thịt lợn với giá không thấp, khoảng 100.000 đồng một cân. Tuần này, giá thịt lợn ở chợ Hà Nội đã giảm khoảng 10% nhưng vẫn chênh lệch khá lớn với sức giảm của giá lợn hơi. Giá thịt lợn từ người chăn nuôi đến mâm cơm người tiêu dùng đang cao hơn ít nhất là ba lần.
Nhưng như chúng ta chứng kiến vài năm qua, giá thịt lợn năm nào cũng phập phù. Năm thì đắt kỷ lục, năm thì giảm mạnh. Tới đây, khi thấy giá bán lợn hơi giảm mạnh, hàng triệu nông dân sẽ không thả nuôi thêm lợn nữa. Sau vài tháng, có thể đợt Tết Nguyên đán sắp tới, biết đâu nguồn cung giảm, giá lại tăng cao.
Thịt lợn là mặt hàng khá đặc biệt, không giống với giá thịt bò. Lợn đến tháng xuất chuồng là phải bán, vì càng nuôi càng lỗ. Quang cho biết con lợn đến khi xuất chuồng vẫn ăn một ngày từng ấy thức ăn nhưng chững cân, không tăng thịt nữa, nuôi thêm một ngày là lỗ ít nhất vài chục nghìn đồng một con. Còn người nuôi bò có nuôi thêm một thời gian cũng không sao. Có lẽ vì lợn ăn cám còn bò ăn cỏ.
Nguyên nhân chênh lệch giá lợn hơi và thịt lợn trên thị trường còn do mạng lưới phân phối, không loại trừ việc người mua, vận chuyển, giết mổ đến bán lẻ, ở mỗi khâu trung gian vẫn có thể tùy tiện nâng lên vài ba giá.
Làm cách nào để ổn định thị trường thịt lợn? Tôi nghe nhiều giải pháp được nêu nhưng thấy đều chưa thuận. Nào là, Chính phủ nên xây kho lạnh dự trữ thịt lợn, nhưng thịt lợn khác với lúa gạo, và có phải các doanh nghiệp từ trước tới nay không trữ thịt lợn đông lạnh đâu. Nào là, nông dân không bán thịt mà bán cho "sở giao dịch thịt lợn" tờ cam kết rằng sẽ bán sau ba tháng cho ai mua tờ giấy này, cũng không ổn vì không ai mua tờ giấy chưa chuẩn hóa gì về chất lượng thịt, chưa kể các rối rắm về thủ tục. Nào là, phải tuyên truyền người dân chuyển từ ăn thịt lợn sang các thịt khác. Cách này rất không ổn khi muốn thay cả một tập quán. Nào là, áp giá trần, giá sàn với thịt lợn, càng không ổn vì rất phi thị trường...
Tôi đồng ý với Bộ trưởng Lê Minh Hoan, rằng chúng ta có một nền nông nghiệp mù mờ. Việc nuôi trồng, phân phối, kinh doanh thường dựa trên thông tin loáng thoáng, "nhiều điểm mù mờ gặp nhau nên rất khó dự báo".
Để hết mù mờ, tôi và kỹ sư Quang cùng kiến nghị vài giải pháp. Thứ nhất, đẩy mạnh công nghệ hóa quản lý nông nghiệp, dự báo kịp thời nhu cầu tiêu thụ thịt lợn từng vùng miền, từ đó đưa ra dự báo số lượng lợn thịt cần nuôi ở từng địa phương. Tôi nghĩ công nghệ số hôm nay có thể giải quyết chuyện này không khó bằng một bản đồ thịt lợn - giống như bản đồ Covid. Nông dân bây giờ hầu hết đều có điện thoại thông minh. Mỗi hộ có thể báo với ngành nông nghiệp địa phương con số lợn nuôi của mình, địa phương tập hợp và ước lượng được sản lượng thu hoạch từng thời điểm qua một app... Tất cả người tham gia thị trường thịt lợn nhìn vào bản đồ mà tự điều tiết được công việc của mình.
Thứ hai, ngành nông nghiệp xây dựng quy hoạch và khuyến khích phát triển các vùng trồng ngô, đậu tương để không bị động về nguồn thức ăn nuôi lợn vào nhập khẩu. Vấn đề này ta đã nói đến nhiều năm nhưng đâu vẫn hoàn đấy, do lại liên quan đến vấn đề khác là không cải thiện được năng suất của cây ngắn ngày như sắn, đỗ tương, ngô... Kinh nghiệm này chỉ cần học ngay của Thái Lan gần chúng ta.
Thứ ba, Việt Nam cần đầu tư đủ tầm cho các nhà khoa học để khẩn trương sản xuất được vaccine phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Một nguyên nhân khiến thị trường thịt lợn biến động thời gian qua là hậu quả tàn phá của đại dịch này. Cả nước đã phải tiêu hủy 5,5 triệu lợn nhiễm bệnh trên tổng đàn khoảng 25 triệu con - hơn 1/5 đàn lợn quốc gia. Hàng nghìn người chăn nuôi nhỏ lẻ thậm chí không còn khả năng tái đàn vì phải xây dựng lại chuồng trại và dịch vẫn có thể tái đi tái lại khi chúng ta chưa có vaccine đặc hiệu.
Nhà nước có thể hạn chế nhập khẩu thịt lợn khi giá trị trường xuống thấp, đồng thời kỷ luật nghiêm những kẻ thao túng thị trường, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết. Người tiêu dùng có thể mắc bệnh nguy hiểm khi ăn phải thịt bẩn, nhưng tôi hiếm khi thấy người bán bị xử lý.
NGUYỄN LÂN DŨNG
Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân