“Bài học đầu cho con” là món quà gửi tặng con trẻ hay là khúc tự tình mà Đỗ Trung Quân muốn gửi đến người đọc.
Đỗ Trung Quân (sinh năm 1955) là nhà thơ đa tài. Ông không chỉ làm thơ mà còn viết báo, tạp bút, minh họa, làm MC, vẽ tranh... Năm 1976, ông tham gia phong trào thanh niên xung phong và bắt đầu sáng tác. Bài thơ "Bài học đầu cho con" được nhạc sĩ Giáp Văn Thạch phổ nhạc thành bài “Quê hương” rất nổi tiếng, chiếm được cảm tình của người nghe và nhanh chóng trở thành bài hát được phổ biến nhiều nhất liên tiếp trong nhiều năm.
Bài thơ lúc đầu được làm đề tặng bé Quỳnh Anh (con của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, khi đó mới 1 tuổi), đăng lần đầu năm 1986 ở báo Khăn quàng đỏ. Bài thơ đã tác động mạnh mẽ tâm trạng nhớ quê của hàng triệu người Việt Nam xa quê bởi lời thơ bình dị, hình ảnh quen thuộc, gần gũi như máu thịt, như quê nhà (cây khế, cầu tre, con diều)… đọng mãi trong tim.
Đỗ Trung Quân viết cho trẻ thơ mà làm xao động cả tâm hồn người lớn bởi “Bài học đầu cho con” có thông điệp sâu sắc. Mở đầu bài thơ là câu hỏi tò mò về điều kỳ diệu: “Quê hương là gì hở mẹ?/Mà cô giáo dạy phải yêu/Quê hương là gì hở mẹ?/Ai đi xa cũng nhớ nhiều”. Điệp khúc “Quê hương là gì hở mẹ?” vang lên với băn khoăn của con trẻ, vừa diễn tả sự hồn nhiên của con vừa đưa người đọc đi tìm lời giải đáp về hai tiếng thiêng liêng “Quê hương”. Lời mở đầu mộc mạc, thể hiện lời khuyên nhẹ nhàng của cô giáo. Vì thế, những câu trả lời tiếp theo mạch cảm xúc tuôn trào.
Dù mỗi người, mỗi thi sĩ có cách định nghĩa về quê hương, đất nước khác nhau nhưng ta thấy thật thú vị với cách định nghĩa về quê hương của nhà thơ Đỗ Trung Quân. Hóa ra quê hương không phải là điều vĩ đại, trìu tượng hay xa vời mà quê hương là những gì thân thuộc nhất, bình dị nhất, gắn bó mật thiết với tuổi thơ của mỗi người: Quê hương là chùm khế ngọt… Quê hương là đường đi học… Quê hương là con diều biếc… Quê hương là con đò nhỏ… Quê hương là cầu tre nhỏ… Là hương hoa đồng, cỏ nội… Quê hương là vàng hoa bí/Là hồng tím giậu mồng tơi/Là đỏ đôi bờ dâm bụt/Màu hoa sen trắng tinh khôi…
Nhịp thơ dồn dập như tái hiện bản nhật ký những kỉ niệm tuổi thơ tươi đẹp, trong trẻo. Tất cả đã trở thành ngọn nguồn của tâm hồn, của nhân cách, ngọn nguồn của tình yêu quê hương, đất nước. Đọc lên, biết bao người như được sống lại những kỷ niệm tuổi thơ về gia đình, về quê hương một thuở. Có lẽ vì vậy mà bài thơ có sức lan tỏa rộng khắp, thăng hoa thành bài ca trong mọi trái tim.
Bài thơ khép lại bằng hình ảnh so sánh vừa độc đáo vừa xúc động: Quê hương mỗi người chỉ một/Như là chỉ một mẹ thôi/Quê hương nếu ai không nhớ...
Nhà thơ muốn khẳng định quê hương là duy nhất, quê hương như mẹ hiền, chẳng khác nào lời bài hát “Riêng mặt trời chỉ có một mà thôi/Và mẹ em chỉ có một trên đời”. Mẹ - Quê hương là ngọn nguồn của sự sống, ngọn nguồn niềm vui, hạnh phúc, là điểm tựa tinh thần vững chắc cho tâm hồn mỗi người.
Khổ thơ cuối như một lời nhắc nhở khéo léo chúng ta hãy luôn nhớ về quê hương bởi quê hương như người mẹ, dang vòng tay ấm áp để chở che, để đón lấy đàn con thơ trở về. Quê hương chính là hình ảnh người mẹ, luôn hy sinh, chờ đợi và bao dung. Với điệp khúc láy đi láy lại được xây dựng theo lối định nghĩa, nhà thơ đã đưa người đọc đến với những quan niệm mới mẻ, bất ngờ về quê hương.
Cả bài thơ là một hệ thống hình ảnh của thế giới trẻ thơ lung linh huyền diệu. Những hình ảnh thơ hết sức quen thuộc ở chốn đồng nội bình yên, thơ mộng. Vì thế bài thơ dễ dàng được phổ nhạc và trở thành bài hát nổi tiếng, thấm sâu vào lòng người. Dường như ai cũng gặp lại một phần ký ức tuổi thơ tươi đẹp của mình khi nghe ca từ bài thơ - giai điệu bài hát.
“Bài học đầu cho con” là món quà gửi tặng con trẻ hay là khúc tự tình mà Đỗ Trung Quân muốn gửi đến người đọc. Phải chăng bài thơ đã nói hộ nỗi lòng thổn thức khôn nguôi của những con người vì cuộc mưu sinh phải tạm xa nơi quê nhà. Đằng sau những con chữ tưởng như hết sức bình thường, giản dị và những hình ảnh mộc mạc, thân quen lại chứa đựng ý nghĩa nhân sinh sâu sắc và cao cả. Ý tứ bài thơ khá đơn giản với những triết lí quen và lạ, gần gũi mà xa xôi song hành tồn tại và quyện hòa vào nhau, tạo cho bài thơ sức hấp dẫn lạ kỳ.