Ngay từ cách chơi chữ của tựa đề, tiểu thuyết “Trò chơi… Trời cho” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn) đã hé lộ phong cách hóm hỉnh nhẹ nhàng mà sâu sắc của tác giả Hoàng Khôi.
Nếu người đọc đi tìm một cốt truyện, thì “Trò chơi… Trời cho” là câu chuyện cuộc đời mang tính tự sự của một nhà giáo lão thành, một thương binh, một người từng trải qua quân ngũ, từng bị địch bắt, tù đày, rồi đi cùng những tháng năm bao cấp với những cảnh huống khó xử khi thầy giáo, cô giáo phải bươn chải với đồng lương eo hẹp.
Không gian của hiện tại đan xen với quá khứ; kỷ niệm của chiến trường đan xen với ký ức lao tù; buồn vui nghề nghiệp hoà trộn cùng suy tư về bè bạn; những tình huống “cười ra nước mắt” trên bục giảng, ngoài dòng đời xen lẫn những chi tiết hóm hỉnh, tự trào…
Hàng chục năm thăng trầm của số phận các nhân vật đi cùng những biến thiên của lịch sử. Cả thế gian thu nhỏ lại trong những trang sách với đủ mọi sắc thái cuộc sống, được nhớ lại, được kể ra bởi một người mang trong mình những chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời và sự tài hoa trong dẫn dắt văn chương. Điều đọng lại sau cùng là triết lý nhân sinh lạc quan, tự tại: Tất cả chỉ đang nằm trong một “cuộc chơi” của tạo hóa, của Trời. Trời cho - Trò chơi! Trời cho thế thì được thế! Và vì thế, hãy an nhiên mà sống, hãy lạc quan đi giữa cõi trần.
“Trò chơi… Trời cho”, do vậy, vượt lên một câu chuyện kể, để trở thành bài học cuộc đời sâu sắc mà thầy giáo Hoàng Khôi dành cho các học trò của mình.
Tác giả Hoàng Khôi là thầy giáo dạy văn, người khơi nguồn văn chương cho nhiều thế hệ học sinh chuyên văn của các trường THPT chuyên nổi tiếng tại Thanh Hoá, Hà Nội... Tiếp nối cụ thân sinh là GS Vũ Ngọc Khánh - nhà nghiên cứu văn hoá và là một trong những “Nhà Kiều học” nổi tiếng, tác giả Hoàng Khôi cũng ghi nhiều dấu ấn trong công tác nghiên cứu và giảng dạy, viết sách, viết các kịch bản phim về Kiều. Ông là tác giả của nhiều tiểu thuyết lịch sử và các tác phẩm nghiên cứu về các danh nhân Việt Nam, như Lê Lợi, Chu Văn An, Nguyễn Du… cũng như văn hoá dân gian các vùng miền.
Theo Báo Tin tức