Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, lương nhà giáo chưa được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, chưa đáp ứng mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 29-NQ/TW.
Ngày 14/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục - đào tạo.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, điểm nhấn lớn trong việc triển khai Nghị quyết 29/NQ-TW giai đoạn 10 năm qua là đã hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo.
Quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân. Cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, duy trì bền vững kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, THCS.
Cùng với đó, việc quản lý giáo dục, quản trị nhà trường có những thay đổi theo hướng phân cấp quản lý, giao tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình.
Một nội dung quan trọng và cũng thu hút sự quan tâm của dư luận trong 10 năm qua là ban hành và triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo hướng chuyển từ chủ yếu truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực, phẩm chất người học.
Đồng thời, triển khai một chương trình với nhiều sách giáo khoa. Lần đầu tiên sách giáo khoa được biên soạn, phát hành theo hướng xã hội hóa.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành đổi mới thi, kiểm tra đánh giá, đặc biệt là đổi mới thi tốt nghiệp THPT. Điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên giảng viên có những chuyển biến rõ rệt hơn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo thẳng thắn nhìn nhận về những hạn chế khi triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW. Trong đó nhấn mạnh việc thiếu các cơ chế, chính sách ưu tiên cho giáo dục và đào tạo, chưa thể hiện được quan điểm "Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu".
Hiện cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục chưa được tham gia nhiều trong việc thẩm định, phân bổ kinh phí và tuyển dụng viên chức, bổ nhiệm viên chức quản lý trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Việc thực hiện tự chủ trong các cơ sở giáo dục, đào tạo còn gặp nhiều khó khăn.
Mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông có nơi phân bố chưa hợp lý. Còn tình trạng thiếu trường, lớp ở các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu vực đông dân cư và miền núi.
Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học còn chậm hoàn thiện; việc thực hiện đào tạo liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học còn hạn chế.
Việc triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới còn gặp nhiều khó khăn. Vẫn chưa hoàn thành mục tiêu thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020.
Chất lượng giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học mặc dù đã được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực.
Cơ cấu, số lượng đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông còn bất cập, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.
Chất lượng đội ngũ chưa đồng đều giữa các vùng, miền. Lương nhà giáo chưa được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, chưa đáp ứng mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 29-NQ/TW.
* Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đúng quan điểm coi giáo dục và đào tạo là "quốc sách hàng đầu"
* Tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách về giáo dục và đào tạo còn thiếu hoặc chưa đồng bộ, trong đó sớm xây dựng Luật Nhà giáo.
* Tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo trong việc quyết định về biên chế, tổ chức bộ máy và phân bổ kinh phí đầu tư cho ngành giáo dục. Đổi mới quản lý nhà nước và quản trị nhà trường theo hướng tăng quyền tự chủ, nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục và đào tạo.
* Ban hành và tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục mầm non mới và tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với một chương trình với nhiều sách giáo khoa xã hội hóa.
* Nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.
* Tiếp tục phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, hội nhập, chú trọng cả số lượng, cơ cấu, chất lượng đào tạo.
* Tập trung đầu tư cho giáo dục đại học để tạo đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tăng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học đạt tỉ trọng trên GDP bằng mức trung bình của các nước tiên tiến trong khu vực. Xây dựng cơ chế, chính sách đột phá và đầu tư nguồn lực để phát triển các đại học quốc gia, đại học vùng, các trường đại học xuất sắc.
* Đầu tư nâng cao tiềm lực nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học.
* Rà soát, sắp xếp, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông đảm bảo đủ trường, lớp học.
* Bảo đảm đủ số lượng giáo viên theo định mức quy định; nghiên cứu cơ chế, chính sách điều động, luân chuyển giáo viên giữa các địa phương để giải quyết căn bản tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.
* Bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước.
* Đẩy mạnh hơn nữa hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo. Khuyến khích các cơ sở giáo dục và đào tạo trong nước liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục và đào tạo tiên tiến trên thế giới.
Theo Tuổi trẻ