Sinh thời, dù bận trăm công nghìn việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quan tâm đọc các báo địa phương, trong đó có báo Hải Dương mới.
Tổng Biên tập Bùi Quang Thu (người đứng thứ ba từ trái sang) trong lần Bác Hồ về thăm xã Hồng Thái, Ninh Giang ngày 15.12.1965 (ảnh tư liệu)
Nhiều tấm gương người tốt, việc tốt báo đăng được Bác khen ngợi, những việc chưa tốt được Bác nhắc nhở.
Vinh dự được Bác đọc bài
Báo Hải Dương mới có chuyên mục "Người mới, việc mới" viết về những điển hình trong các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Nhiều bài viết về tập thể, cá nhân điển hình đã vinh dự được Bác Hồ đọc và tuyên dương.
Gần 60 năm đã qua, nhà báo lão thành Nguyễn Thế Trường vẫn nhớ rõ về những điển hình mình viết được Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người. Trong số những bài viết của ông có câu chuyện cảm động về cô giáo mầm non tên Mài ở xã Bình Lãng (Tứ Kỳ) hết lòng vì các cháu đã được Bác ghi bút tích lên tờ báo Hải Dương mới đăng bài viết, tặng cô Mài chiếc Huy hiệu của Người. "Có chuyến đi công tác tôi viết 2 tấm gương điển hình thì cả hai đều được Bác Hồ tặng Huy hiệu. Nhân vật được Bác tặng Huy hiệu mừng vui, tự hào bao nhiêu thì tôi cũng vinh dự bấy nhiêu vì bài viết của mình được Người đọc", nhà báo Nguyễn Thế Trường xúc động nhớ lại.
Theo nhà báo Nguyễn Thế Trường, có đến hàng chục tấm gương điển hình trong tỉnh được Bác Hồ tặng Huy hiệu khi đọc báo Hải Dương mới. Nhiều bài viết Người đọc, có bút tích tặng Huy hiệu đến nay vẫn còn lưu giữ được như bài viết về cụ sư ni Đoàn Thị Như ở chùa Quảng Xuyên, Tứ Xuyên (Tứ Kỳ) có thành tích trong kháng chiến; hộ lý Bệnh viện Hải Dương Trần Đăng Hưởng luôn hết lòng vì người bệnh, có nhiều sáng kiến, cải tiến công tác; người thương binh mù Nguyễn Đức Hạnh ở xã Văn Đức (Chí Linh) có thành tích sản xuất tốt... Có điển hình được báo Hải Dương mới giới thiệu còn được Bác viết bài biểu dương trên báo Nhân Dân với bút danh T.L, đó là cô Phao, cô Dính, 2 nữ chủ nhiệm trẻ tuổi mà năng động, gương mẫu của huyện Bình Giang.
Không chỉ có thưởng, qua đọc báo Hải Dương mới, Bác Hồ còn nhắc nhở, yêu cầu kiểm tra những việc làm chưa tốt. Đó là việc người dân ở xã Lê Lợi (Chí Linh) đào trộm con trâu của Nông trường quốc doanh Chí Linh bị chết mới chôn để xẻo thịt được phản ánh ở mục Tiếng nói bạn đọc trên báo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gạch mực đỏ, tự tay ghi mấy chữ: "Gửi T.U HDg. Cho k.tra lại và b.c cụ thể".
Những lần đưa tin Bác về thăm
Trong 2 lần Bác Hồ về thăm Hải Dương vào các năm 1962 và 1965, báo Hải Dương mới đều mở đợt tuyên truyền học tập và làm theo lời Bác dạy. Cả 2 lần Bác về thăm, cố nhà báo Nguyễn Thi, nguyên Tổng Biên tập Báo Hải Dương (khi đó là Phó Tổng Biên tập Báo Hải Dương mới) đều được cử phản ánh hoạt động của Bác Hồ khi về thăm Hải Dương. Trong hồi ức của cố nhà báo Nguyễn Thi do nhà báo Nguyễn Viết Hiện (nguyên phóng viên Báo Hải Dương) ghi lại, đồng chí luôn tự hào và xúc động khi được làm nhân chứng, đưa tin về các sự kiện lịch sử ấy.
Những câu nói, lời dặn của Bác khi nói chuyện với đồng bào ở Vọng Cung (nay là Nhà hát Nhân Dân TP Hải Dương), khi Bác ghé thăm xã Ứng Hòe (Ninh Giang), về thăm xã Hiệp Lực (Ninh Giang), Nam Chính (Nam Sách) mà cố nhà báo Nguyễn Thi được vinh dự chứng kiến, nhớ ghi nay đã trở thành những dữ liệu lịch sử quý giá còn mãi với thời gian. Đó là khi Bác gợi ý đổi tên cho thôn Nga Hoàng ở xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng), khi Bác lẩy 2 câu Kiều dặn dò người dân Hiệp Lực (Ninh Giang) thi đua chống úng thắng lợi...
Tuổi đã cao nhưng đối với nhà báo lão thành Nguyễn Hữu Phách, ký ức về những phút giây được theo chân Bác về thăm xã Hồng Thái (Ninh Giang) vào năm 1965 nay vẫn còn nguyên vẹn. "Bác nói chuyện với nhân dân hết sức giản dị, dễ hiểu. Ngoài bài nói đã viết sẵn, Bác còn nói thêm nhiều điều. Bác khen thôn xóm Hồng Thái xanh tươi cây cối, nhà cửa khang trang, đường đi lối lại khá đẹp. Bác còn hỏi và giải thích ý nghĩa tên Hồng Thái cho cán bộ, nhân dân địa phương", nhà báo Nguyễn Hữu Phách bồi hồi nhớ lại.
Được là cầu nối giữa vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc với những tấm gương bình dị trong tỉnh, được đi theo và góp phần lưu giữ hình ảnh của Người trong những lần về thăm Hải Dương sẽ mãi là niềm tự hào, động lực để các thế hệ người làm báo Hải Dương tiếp tục học tập và noi theo gương Bác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
HOÀNG LONG