Ba "nút thắt" trong giải phóng mặt bằng

08/10/2019 07:46

Những năm gần đây, việc giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ cho các dự án gặp rất nhiều khó khăn.

Vì GPMB chậm chạp mà nguồn vốn đầu tư công hay vốn đầu tư của doanh nghiệp không thể giải ngân được. Tình trạng này khiến không ít dự án phải "đắp chiếu" nhiều năm, gây thiệt hại không ít tiền của của Nhà nước và doanh nghiệp.

Qua thực tế làm việc với các doanh nghiệp, Hội đồng hay Ban GPMB của các địa phương trong tỉnh cho thấy có mấy "nút thắt" cần tháo gỡ.

Thứ nhất, đa số các dự án đang gặp khó khăn trong GPMB xuất phát từ việc người dân cho rằng phương án bồi thường với đơn giá được xây dựng, đưa ra không hợp lý. Giá đền bù thấp, chưa sát với giá thị trường nên họ không chấp thuận.

Đây là nguyên nhân chính dẫn đến người dân ở nhiều nơi không đồng ý giao đất.

Thứ hai, tại một số địa phương, sau khi Hội đồng hoặc Ban GPMB vận dụng hết các điều kiện để nâng giá hỗ trợ, đền bù cho người dân, rồi lãnh đạo các địa phương tổ chức đối thoại, tuyên truyền, vận động nhưng họ vẫn không đồng thuận...

Ở nhiều nơi, chính quyền địa phương vẫn không kiên quyết cưỡng chế theo đúng quy định của pháp luật.

Thậm chí có nơi, theo phản ánh của doanh nghiệp, lãnh đạo địa phương ngại va chạm, sợ trách nhiệm nên không dám cưỡng chế.

Thứ ba, việc thiếu công bằng trong đền bù GPMB dẫn đến người dân so bì, tị nạnh vì người được hưởng thấp, người hưởng cao. Được hưởng mức đền bù thấp hay cao ở đây không phải do chính sách của Nhà nước, của tỉnh mà do chính doanh nghiệp có dự án.

Không ít người dân phàn nàn rằng, người chấp hành chủ trương, chính sách đền bù thì chịu thiệt, còn người chây ỳ, thậm chí chống đối thì hưởng lợi. Điều này trên thực tế có thật.

Có những dự án, doanh nghiệp đã bỏ ra một số tiền lớn để đền bù, nhiều hộ dân đã nhận tiền nhưng vẫn còn một vài hộ chây ỳ, chống đối nên doanh nghiệp không thể triển khai thực hiện dự án.

Vì sốt ruột, có doanh nghiệp đã tự thỏa thuận với người dân, nâng mức đền bù "cho được việc", dẫn đến những hệ lụy xấu trong công tác đền bù GPMB.

Để tháo gỡ những khó khăn trên, UBND tỉnh nên sớm xem xét lại đơn giá đền bù GPMB. Chỉ khi nào đơn giá đền bù sát với giá thị trường, bảo đảm hỗ trợ tối đa cho người dân có đất, có tài sản gắn liền trên đất thì khi ấy việc GPMB mới thuận lợi.

Bởi trên thực tế hiện nay, có nơi khi người dân phải tháo dỡ nhà cửa thì đơn giá đền bù mới không đủ để họ xây dựng ngôi nhà tương đương như hiện tại. Hoặc có những hộ phải giao ruộng mãi mãi mất đi phương kế sinh nhai nhưng không được hỗ trợ thỏa đáng để chuyển đổi nghề nghiệp...

Đối với các trường hợp đã có mức đền bù thỏa đáng, hầu hết người dân chấp thuận, chính quyền đã tuyên truyền, đối thoại theo quy định thì cần cương quyết cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Ở đây cần quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu địa phương nếu để chậm trễ trong GPMB và có chế tài để xử lý rõ ràng.

Để tạo sự công bằng, tránh tình trạng cùng một dự án, người nghiêm túc chấp hành thì mức đền bù thấp, người chây ỳ thì mức đền bù cao, cần xử lý nghiêm doanh nghiệp "phá rào" trong GPMB, vì việc làm này sẽ ảnh hưởng đến công tác GPMB ở nhiều nơi khác.

Giải quyết được các "nút thắt" trên thì việc GPMB các dự án sẽ được tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ, góp phần thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.

VŨ ÚY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ba "nút thắt" trong giải phóng mặt bằng