Càng nuôi càng lỗ do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nhưng giá sản phẩm thấp, trong khi dịch bệnh luôn đe dọa nên nhiều hộ nông dân trong tỉnh chọn phương án"treo chuồng", chuyển sang nghề khác.
Nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở xã Cẩm Vũ đều trong tình trạng “treo chuồng" và chưa có nhu cầu tái đàn
Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao trong khi giá sản phẩm chăn nuôi thấp, nguy cơ dịch bệnh đe dọa khiến nhiều hộ chăn nuôi ở Hải Dương, nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ngại tái đàn.
Không thể cầm cự
Nhìn đống thiết bị chăn nuôi han gỉ, xếp ngổn ngang một góc, bà Đào Thị Toan (ở thôn Phú Lộc, xã Cẩm Vũ, Cẩm Giàng) không khỏi buồn rầu. Đây từng là tài sản lớn và là kế sinh nhai của gia đình bà nhưng nay đành vứt xó. Bà có hơn 1.000 m2 chuồng nuôi lợn và hơn 1 mẫu ao nuôi cá. Như nhiều hộ chăn nuôi khác, năm 2019, toàn bộ đàn lợn gồm 60 con lợn thịt và 5 con lợn nái buộc phải tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi. Sau khi dịch bệnh qua đi, chuồng trại được vệ sinh sạch sẽ bà mới yên tâm tái đàn. Nhưng tái đàn một lần rồi hai lần dịch bệnh vẫn chẳng buông tha. Kiệt quệ, không có vốn để chăn nuôi trở lại nên bà đành “treo chuồng".
Bà Toan chia sẻ: “Chuồng lợn bỏ không đã cả năm nay, giờ còn thêm ao cá. Giá thức ăn quá cao trong khi giá cá giảm mạnh nên hơn 1 mẫu ao nuôi cá giờ gia đình tôi đành bỏ bẵng không thể chăm sóc. Trước đây, kinh tế gia đình tôi phụ thuộc cả vào trang trại, giờ đành phải bỏ nghề để làm thuê ở nơi khác. Chuồng trại đầu tư cả trăm triệu đồng cũng đành bỏ”.
Ông Nguyễn Phụ Thanh, Trưởng Ban Thú y xã Cẩm Vũ cho biết, địa phương từng có tổng đàn lợn lớn nhất huyện Cẩm Giàng với trên 3.000 con lợn thịt của 2.000 hộ chăn nuôi. Hiện giờ cả xã chỉ còn 1 hộ nuôi với 360 con. Xã có nghề nấu rượu nên hầu hết các hộ chăn nuôi đều tận dụng bỗng rượu làm thức ăn để giảm chi phí. Chăn nuôi nhỏ lẻ trong khi dịch bệnh luôn đe dọa nên các hộ đành bỏ để chuyển sang nghề khác.
Gần 20 năm gắn bó nghề nuôi gà đồi nhưng giờ đây ông Trần Văn Chữ (ở phường Chí Minh, Chí Linh) cũng phải “treo chuồng". Thua lỗ kéo dài, không thể bù lỗ là những gì ông phải trải qua trong hơn 1 năm qua. Ông chia sẻ, giá thức ăn chăn nuôi tăng gần gấp đôi so với trước trong khi đó giá gà chỉ ở mức 50.000 đồng/kg. Nếu nuôi 1.000 con gà thịt, người nuôi lỗ ít nhất 10 triệu đồng. Thua lỗ kéo dài nên “treo chuồng" là giải pháp duy nhất để cắt lỗ. Nhiều hộ chăn nuôi gà khác vẫn đang giảm quy mô và tìm mọi cách để tiết giảm chi phí. Dù vậy, họ cũng không biết sẽ cầm cự được đến khi nào.
Số hộ chăn nuôi gà đồi (Chí Linh) đã giảm khoảng 30% so với trước, nhiều hộ giảm quy mô chăn nuôi để cắt lỗ
Trong bối cảnh hiện nay, "bài toán" đặt ra là phải giảm chi phí sản xuất để bù lỗ và tăng cường các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, phòng tránh dịch bệnh. Với những mục tiêu đó, ngoài tiết giảm chi phí bằng cách tăng cường chăn nuôi theo mô hình tuần hoàn, sử dụng phụ phẩm trong nước làm thức ăn thì cần tăng cường liên kết theo chuỗi để ổn định đầu ra sản phẩm. Chủ các trang trại chăn nuôi cần hoàn thiện chuồng trại đáp ứng yêu cầu về an toàn sinh học, chủ động nguồn giống, chăn nuôi theo quy trình khép kín và áp dụng khoa học kỹ thuật.
Theo ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, chăn nuôi nhỏ lẻ từng mang lại hiệu quả kinh tế khá cho nông hộ nhưng nay đã bộc lộ những hạn chế khó khắc phục, nhất là trong khâu phòng chống dịch bệnh. Nếu tình hình này kéo dài thì nhiều trại chăn nuôi nhỏ sẽ ngày càng giảm vì người dân bị thua lỗ kéo dài, không có vốn tái đầu tư. Chăn nuôi nông hộ giảm mạnh nhưng chăn nuôi ở các trang trại lại tăng quy mô nên vẫn đáp ứng nhu cầu cung ứng của thị trường. Giảm chăn nuôi nhỏ lẻ cũng phù hợp xu hướng phát triển của ngành nông nghiệp để dần hình thành các vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn hơn.
TRẦN HIỀN