[Audio] Dai dẳng nỗi đau đuối nước

16/07/2023 11:00

Đuối nước đã và đang trở thành nỗi ám ảnh, nỗi đau thương âm ỉ của nhiều gia đình, nhất là mùa hè vẫn xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm...

00:00


Một tháng đã trôi qua, bà Vũ Thị Thuận (xã Ngọc Liên, Cẩm Giàng) vẫn không cầm được nước mắt khi nhắc đến người con rể bị đuối nước (ảnh 1). Đầm Thu Lãng (xã Ngọc Liên, Cẩm Giàng) nơi xảy ra vụ đuối nước làm anh H. tử vong (ảnh 2). Sáng 8.5.2022, bến đò Linh Xá, xã Nam Hưng (Nam Sách) đông người chờ tìm kiếm thi thể bà Q. sau khi hai vợ chồng bà gặp nạn trong đêm (ảnh 3)

Mỗi dịp hè về lại có những người đi tắm biển, sông, ao, hồ rồi mãi mãi không bao giờ trở lại... Nỗi đau đuối nước vẫn âm ỉ cùng bao đau thương, mất mát và sự day dứt khôn nguôi.

Ám ảnh

Chủ nhật tuần trước, trên đường về thăm gia đình một cháu bé bị đuối nước ở thôn La Đôi, xã Hợp Tiến, tôi chợt nhớ ra cũng vào đúng chủ nhật tầm này năm ngoái, mình đã đi trên con đường này về viếng 2 vợ chồng đuối nước ở thôn Linh Xá, xã Nam Hưng (cùng huyện Nam Sách). Vẫn con đường đi qua cầu Hàn rồi từ quốc lộ 37 rẽ vào đường dẫn ra bến Lấu và cùng một nguyên nhân từ nỗi đau đuối nước.

Con đường vẫn thế, nỗi buồn vẫn mênh mang. Năm ngoái, cặp vợ chồng đang đánh bắt cá ở bến đò Linh Xá gặp nạn trong đêm, người dân tìm thấy thi thể người chồng buổi trưa 7.5. Đến 5 giờ sáng hôm sau, tôi nhận tin từ người cứu hộ báo "phát hiện nạn nhân lúc 5 giờ 20 sáng, về đến nơi là 5 giờ 55, chị vợ lên rồi em à". Trước đó, gia đình nạn nhân, tôi và nhiều người khác vẫn có một hy vọng nhỏ nhoi rằng điều kỳ diệu có thể sẽ xảy ra. Nhưng phép màu đã không đến, bến đò Linh Xá hôm ấy đông nghịt người nhưng nhuốm màu tang thương, trầm lặng. 

Hơn một năm sau, trở về cùng con đường này, cách nơi ấy chỉ chừng hơn 2 km, tôi đến thăm hỏi một gia đình ở thôn La Đôi cũng vừa có 2 con gái bị đuối nước. Cháu V.T.H (sinh năm 2010) là chị gái may mắn được đưa lên bờ cấp cứu. Còn cháu bé là V.T.B (sinh năm 2011) đã không qua khỏi. Ngôi nhà nhỏ đơn sơ nằm ven đường vẫn đặt chiếc ban thờ ở ngoài với nhiều sữa tươi, bánh kem trẻ nhỏ thường thích ăn. Trước cửa nhà có một vài bao trấu mới. Trấu này không phải để đun mà để chiều chiều bố cháu B. mang ra mộ hun theo phong tục. Ngôi nhà của gia đình lạnh lẽo, hiu quạnh vì vắng tiếng nói cười của con trẻ. 


Khu vực ao ở xã Hợp Tiến (Nam Sách), nơi hai chị em cháu V.T.H. (sinh năm 2010) và cháu V.T.B (sinh năm 2011, ở thôn La Đôi) gặp nạn

Chiếc ảnh trên ban thờ vẫn bộ đồng phục học sinh, nụ cười, ánh mắt trong sáng của cô bé học lớp 6 đầy hy vọng vào những điều chưa kịp khám phá. Nhiều người nhớ em vì cô bé dù bị ảnh hưởng chất độc màu da cam từ bố, không lanh lợi, thông minh nhưng lại lễ phép, hay nói, gặp người lớn là hỏi từ xa. Chị Đăng Thị Thêu, mẹ của em đang ôm đứa con trai hơn 3 tháng tuổi vẫn phờ phạc sau mấy ngày đau đớn. Kể chuyện được vài câu chị Thêu lại bật khóc rồi tự dằn vặt, trách mình vì chiều con mà đồng ý cho con đi bơi mới nên cơ sự này. Lúc con đi, mẹ dặn "đi bơi một tý rồi về với mẹ", con cười bảo "Vâng, con đi tý rồi về". Thế mà, con đi mãi...

Chị Thêu cứ nghĩ con gái đi bơi ở trường chứ không biết rằng con đi ra một ao sâu ở nhà bạn gần đó. Đau đớn vì mất con nhưng người mẹ này vẫn phải kiên cường chống chịu vì đứa con trai nhỏ đang ngủ ngoan trong lòng và đứa con gái lớn đang điều trị ở Bệnh viện Nhi Hải Dương. Chị không ngờ tác hại của đuối nước lại khủng khiếp đến thế. Cháu H., chị gái cháu B. khi gặp nạn được người dân nhanh chóng đưa lên bờ và sơ cứu. Về nhà, cháu H. đi tắm gội bình thường. Một lúc sau, cháu thấy cơ thể lạnh và đòi mẹ xoa dầu gió. Rồi cháu H. run lên và nôn ra máu trước sự sửng sốt của mẹ cùng những người có mặt đang lo đám tang cho em gái. Cháu H. được đưa lên bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ nhận định do ao cháu tắm nước quá bẩn, nhiều vi khuẩn, cháu H. bị nước vào người nên phổi bị ảnh hưởng nặng nề. Cơ thể vốn gầy yếu được chuyển qua nhiều bệnh viện đang hằng ngày gồng lên chống chịu với những đợt truyền kháng sinh liên tiếp. Người mẹ thương con mà phải ở nhà lo đám tang cho con gái bé, chăm con trai nhỏ quấy khóc hằng đêm không lên thăm con được. Bác cháu H. về nhà kể cứ nhìn thấy bác sĩ là cháu lại xin được về nhà với mẹ, với em. Cháu bảo muốn về nhà phụ mẹ chăm em, nấu cơm, pha sữa mà không biết rằng sức khỏe của mình vẫn đang yếu sau lần đuối nước.


Cháu V.T.H. được đưa lên bờ và cấp cứu nhưng sức khỏe bị ảnh hưởng nặng nề sau đuối nước

Không chừa một ai

Không chỉ trẻ nhỏ, những cạm bẫy, nỗi đau đuối nước không chừa một ai. Về thăm ngôi nhà nhỏ của bà Vũ Thị Thuận nằm sâu trong ngõ ở thôn Mỹ Ngọc, xã Ngọc Liên (Cẩm Giàng) đúng một tháng sau buổi chiều định mệnh 7.6, không khí ảm đạm vẫn bao trùm vì con rể bà là anh  H.Q.H. (sinh năm 1999, hộ khẩu thường trú tại xã Thanh Hà, huyện Thanh Ba, Phú Thọ) vừa mất do đuối nước. Trước ngày đó chỉ gần chục hôm, ngôi nhà ấy còn rất hạnh phúc bởi đám cưới của con gái bà Thuận.

Sau đám cưới, đôi vợ chồng trẻ về quê chơi lại mặt nhà ngoại. Bà Thuận thì vẫn tất bật đi các chỗ lo sau công việc của con. Buổi chiều 7.6, anh H. cùng em vợ đi bơi ở đầm Thu Lãng (cùng xã Ngọc Liên). Cái đầm này rộng chừng vài ha nhưng không sâu. Từ chục năm nay, đây được ví như "bãi biển" của xã Ngọc Liên, người dân cả xã về đây bơi lội đông đúc mỗi chiều hè. Bơi được một lúc, người em quay đi chỗ khác nhìn lại đã không thấy anh đâu. Em vợ anh H. đoán được chỗ anh vừa ở đó và đưa anh lên bờ sơ cứu nhưng anh đã không qua khỏi. Không ai nghĩ một chàng trai 24 tuổi với thân hình cao lớn lại có thể bị đuối nước ở cái đầm nhỏ trong làng. 

Thế là sau đám cưới, gia đình bà Thuận lại vội vã đưa con rể về Phú Thọ lo hậu sự. Tấm ảnh cưới chưa kịp treo lên vị trí đẹp nhất trong nhà, nay đành dựng vào góc tường. Bà Thuận không dám quay ảnh ra ngoài mà hướng vào trong vì sợ mỗi lần nhìn thấy lại đau lòng. "Mỗi đêm tôi vẫn mất ngủ vì thương con rể, xót con gái nhỏ lấy chồng xa, đang bụng mang dạ chửa lại phải chịu nỗi đau quá ác nghiệt này", bà Thuận tâm sự trong nước mắt.

Đầm Thu Lãng trước đây chiều đến đông vui là thế mà giờ vắng lặng cả ngày, không còn ai đến đây bơi lội, vui chơi nữa.


Đầm Thu Lãng (xã Ngọc Liên, Cẩm Giàng) vắng vẻ sau sự việc đuối nước thương tâm chiều 7.6

Mặc dù đã có những cảnh báo và nhiều biện pháp được triển khai nhưng cứ đến hè là nỗi đau đuối nước vẫn rình rập và bất ngờ hiện hữu. Từ đầu hè đến nay, tại Hải Dương ghi nhận nhiều vụ đuối nước, nạn nhân không chỉ là trẻ em mà cả người lớn. Chiều 7.5, anh N.V.Q.T. (sinh năm 2001, ở thôn Thanh Kỳ, xã An Thanh, Tứ Kỳ) dẫn em trai sinh năm 2014 đi tập bơi tại mương nước cống Sồi ở xã này. Theo lời kể của em trai, khi xuống nước được tầm 3 phút, anh T. cầm tay em trai nói bị chuột rút và kêu cứu. Sau đó bị chìm xuống nước. Sau 20 phút tìm kiếm, anh T. được tìm thấy và đưa lên bờ để sơ cứu nhưng đã tử vong.

Trong 5 tháng đầu năm nay, riêng tại huyện Tứ Kỳ đã xảy ra 4 vụ đuối nước làm 4 người tử vong. Ở huyện Kim Thành, ngày 20.5, cháu B.Đ.T. (sinh năm 2014, ở xã Lê Thiện, An Dương, Hải Phòng) đến bơi tại bể bơi Hoà Bình ở xã Đồng Cẩm thì gặp nạn. Phát hiện cháu T. nằm sấp mặt trên hồ bơi, nhân viên cứu hộ cứu nạn của bể bơi đã nhanh chóng sơ cứu, sau đó đưa cháu đến Trung tâm Y tế huyện Kim Thành nhưng cháu T. đã tử vong. Gần đây nhất, trong các ngày từ 6 - 8.7, tại huyện Nam Sách xảy ra 2 vụ đuối nước làm 2 trẻ tử vong. Trước đó, sáng 13.6, một nam sinh ở xã Đồng Lạc (cùng huyện Nam Sách) bị đuối nước khi đi du lịch tại bãi tắm Hòn Gai, TP Hạ Long (Quảng Ninh).

Cứ thế, những nỗi đau đuối nước bất chợt đến và dai dẳng với những người ở lại. Chữ "nếu" bao giờ cũng là muộn và đầy uẩn ức... Đến giờ, bà Thuận không hiểu chuyện gì đã xảy ra và vì sao con rể mình lại bị đuối nước. Bà chỉ ước giá như hôm đó con mình không đi bơi thì mọi chuyện đã không như vậy. Chị Thêu vẫn luôn dằn vặt nghĩ, mọi chuyện có thể sẽ tốt hơn nếu mình không cho con tự đi bơi. Chị cũng đau lòng vì nếu người lớn khi qua đường nhìn thấy con trẻ bơi ở ao sâu mà quát nạt để các cháu lên bờ, về nhà. Cháu lớn cũng sẽ không bị ảnh hưởng nặng như vậy nếu được cấp cứu đúng cách và kịp thời...

PHONG TUYẾT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    [Audio] Dai dẳng nỗi đau đuối nước