Trưởng đoàn chuyên gia Nhật Bản đánh giá cao các vùng trồng cà rốt của Hải Dương cả về quy mô và kỹ thuật sản xuất.
Các chuyên gia Nhật Bản cam kết sẽ nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật trồng vừa phù hợp với tình hình sản xuất thực tế vừa đáp ứng yêu cầu khắt khe về xuất khẩu để chuyển giao cho nông dân Hải Dương Các chuyên gia công nghệ Nhật Bản đánh giá cao có sở sơ chế, bảo quản nông sản của Công ty CP Chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương
Ngày 15.2, đoàn chuyên gia công nghệ Nhật Bản thuộc Trung tâm Phát triển công nghệ thực phẩm Osumi tỉnh Kagoshima thăm cánh đồng cà rốt; xưởng sơ chế, đóng gói cà rốt của HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đức Chính và Công ty CP Chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương (Cẩm Giàng).
Sau khi tìm hiểu thực tế sản xuất, ông Taishi Okada, Trưởng đoàn chuyên gia Nhật Bản, Trợ lý Giám đốc Nghiên cứu của Trung tâm Phát triển công nghệ thực phẩm đánh giá cao các vùng trồng cà rốt của Hải Dương cả về quy mô và kỹ thuật sản xuất. Chất lượng cà rốt và điều kiện ở các cơ sở sơ chế, đóng gói cà rốt cơ bản đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của thị trường Nhật Bản. Đặc biệt, sau ảnh hưởng của dịch Covid – 19, xu hướng tiêu dùng của người Nhật Bản chuyển sang ưa chuộng các sản phẩm đông lạnh và nước ép tươi hơn trước. Do vậy, các mặt hàng nông sản tươi của Hải Dương có nhiều tiềm năng để xuất khẩu sang thị trường này.
Các chuyên gia công nghệ Nhật Bản đánh giá cao cơ sở sơ chế, bảo quản nông sản của Công ty CP Chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương
Tuy nhiên, hiện nay việc trồng và chăm sóc cà rốt chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của nông dân nên chất lượng, mẫu mã cà rốt chưa đồng đều, việc chăm bón tập trung vào thời kỳ đầu khiến lãng phí vật tư nông nghiệp trong khi củ phát triển không đều. Các chuyên gia Nhật Bản đề nghị ngành nông nghiệp Hải Dương có những buổi tập huấn theo quy trình và kỹ thuật sản xuất của Nhật Bản vừa bảo đảm chất lượng, mẫu mã sản phẩm vừa giảm chi phí trồng trọt.
Hiện nay, sản lượng cà rốt xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản chỉ chiếm khoảng 5% tổng sản lượng, chưa tương xứng với tiềm năng. Các chuyên gia Nhật Bản cam kết sẽ nghiên cứu xây dựng quy trình, kỹ thuật trồng vừa phù hợp với tình hình sản xuất thực tế, vừa đáp ứng yêu cầu khắt khe về xuất khẩu để chuyển giao cho nông dân Hải Dương. Đây là cơ hội để tăng sản lượng cà rốt xuất khẩu vào thị trường này.
Đoàn chuyên gia Nhật Bản đã khảo sát thực tế vùng sản xuất vải xuất khẩu trên địa bàn huyện Thanh Hà (ảnh cơ sở cung cấp)
Trước đó, ngày 14.2, đoàn chuyên gia Nhật Bản đã khảo sát thực tế vùng sản xuất vải xuất khẩu trên địa bàn huyện Thanh Hà. Các chuyên gia đánh giá cao quy trình trồng vải của Hải Dương và khẳng định vải thiều là một trong những mặt hàng nông sản được người tiêu dùng tại Nhật Bản ưa thích. Người trồng vải mong muốn Trung tâm Phát triển công nghệ thực phẩm Osumi tỉnh Kagoshima hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật kéo dài thời vụ thu hoạch và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch để giảm áp lực thời vụ và nâng cao hiệu quả sản xuất cho quả vải thiều. Đồng thời, hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều Hải Dương tại thị trường Nhật Bản.
PV