Áp lực không giúp con “hóa rồng”

04/03/2023 08:00

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 không chỉ là “cuộc đua” của người lớn mà người chịu áp lực chính là các em học sinh.

Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2022-2023


Thông tin năm nay các tỉnh Đồng Tháp và Vĩnh Long bỏ thi tuyển sinh vào lớp 10 thay vào đó là xét tuyển đã nhận được sự quan tâm của nhiều người, nhất là những phụ huynh có con bước vào kỳ thi quan trọng này. Nhiều người ủng hộ xét tuyển nhưng cũng có không ít người không đồng tình vì lo lắng về việc đánh giá khả năng của học sinh giữa các trường THCS.

Dù xét tuyển hay thi tuyển thì điều quan trọng hiện nay là cần có giải pháp đồng bộ để giảm áp lực cho học sinh. Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 không chỉ là “cuộc đua” của người lớn mà người chịu áp lực chính là con em mình.

Còn nhớ năm trước, kỳ thi vào lớp 10 ở Hải Dương thực sự cam go, căng thẳng, áp lực bởi số lượng học sinh lớp 9 đông hơn mọi năm, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 vào các trường THPT công lập không tăng. Năm nay dù không phải là năm “lợn vàng”, số lượng thí sinh thi vào lớp 10 của tỉnh có thể sẽ không nhiều như năm trước nhưng có lẽ vẫn căng thẳng không kém. Bởi đến nay học sinh lớp 9 của Hải Dương vẫn chưa biết năm nay sẽ thi những môn nào để vào lớp 10. Nhiều phụ huynh đã đốc thúc con em mình chạy đua với thời gian, vừa ôn tập vừa nghe ngóng, đánh giá cơ hội xem có thể nộp hồ sơ vào trường nào…

Làm cách nào để giảm áp lực của một kỳ thi mà vẫn giữ được mục tiêu đánh giá công bằng, khách quan, toàn diện, bảo đảm chất lượng giáo dục ở bậc học THPT? Để có được điều này không thể chỉ trông chờ vào ngành giáo dục mỗi địa phương mà cũng cần sự thay đổi từ chính gia đình các em. Bởi nhiều khi sự kỳ vọng quá lớn của cha mẹ cũng khiến các em chịu những áp lực không nhỏ, vô tình tạo thêm áp lực cho con em. Bởi vậy, giảm áp lực từ một kỳ thi chuyển cấp sẽ không thành công nếu sức ép từ gia đình vẫn đè nặng lên vai các em.

Thay vì tạo ra những gánh nặng tâm lý không cần thiết trước một kỳ thi, các phụ huynh cần hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng, thực lực của con em mình để định hướng và đề ra những mục tiêu phù hợp. Cơ hội học tập và phát triển vẫn có thể mở ra ở các trường ngoài công lập, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, các trường trung cấp, cơ sở dạy nghề… Thực tế, chương trình giáo dục THPT ở trường công lập hay ngoài công lập cơ bản đều giống nhau. Học nghề hay học đại học thì sự thành công phụ thuộc vào tài năng và sự cố gắng phấn đấu, rèn luyện của mỗi cá nhân trong cả một quá trình chứ không chỉ phụ thuộc vào việc được học ở trường công hay tư.

Thông tin về tỷ lệ học sinh, sinh viên học nghề ra trường có việc làm ngay lên đến hơn 80%, thậm chí nhiều em đã được các doanh nghiệp “đặt hàng” nhận về làm ngay khi còn đang học nghề được hiệu trưởng một trường nghề của tỉnh chia sẻ khiến nhiều người có cách nhìn khác về tìm hướng đi cho con em mình. Học trường nghề hệ 9+ các em vừa được học văn hóa vừa được học nghề lại có cơ hội việc làm với mức thu nhập tốt hẳn sẽ giúp nhiều phụ huynh cân nhắc, giảm áp lực cho các em trước kỳ thi vào lớp 10 sắp tới.

Mong muốn con cái có một môi trường học tập tốt để phát triển là điều chính đáng nhưng đừng chỉ đem kỳ vọng của người lớn áp đặt lên con em mình để mong giúp trẻ “hóa rồng”.

BẢO ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Áp lực không giúp con “hóa rồng”