Mùa cưới đến không chỉ là mối bận tâm của cô dâu, chú rể mà cả khách mời đi ăn cưới cũng lo lắng đủ bề.
Thiệp cưới trao tay, bên cạnh niềm vui chúc mừng hạnh phúc cho đôi uyên ương, nhiều người trẻ cũng không khỏi lo lắng bởi áp lực tài chính khi đi ăn cưới.
Tiền mừng là vấn đề đau đầu nhất của những khách mời, đặc biệt với người trẻ, khi bạn bè của họ đang ở trong độ tuổi cưới hỏi rất nhiều.
Anh Phạm Công Ninh (29 tuổi, ở TP Chí Linh) cho biết, trong tháng 11 này, có tuần anh phải đi 3 đám cưới. Riêng ở TP Chí Linh, có những ngày cuối tuần cứ đi khoảng vài trăm mét lại thấy có rạp cưới, đám nào không dự được, anh xin vắng mặt, chỉ gửi tiền mừng.
Mỗi đám cưới anh Ninh mừng từ 500.000 đồng đến vài triệu đồng, tùy thuộc vào mức độ thân thiết. Với mức lương 10 triệu đồng/tháng, có thời điểm anh đã tốn nửa tháng lương chỉ để mừng cưới.
Bạn bè đồng trang lứa “được tuổi” kết hôn nên từ đầu năm đến nay, chị Phạm Thương (27 tuổi, ở huyện Gia Lộc) nhận được khoảng 20 chiếc thiệp mời cưới. Từ bạn bè cấp 2, cấp 3, đại học rồi đến đồng nghiệp lần lượt gửi thiệp khiến chị vừa mừng vừa lo. Lịch đi ăn cưới dày đặc, chị phải ghi chú vào quyển lịch trên bàn làm việc để tránh quên. Có những tuần “thầy bói bảo đẹp ngày”, chị “chạy” 3 đám cưới, còn gửi mừng 2 đám.
Mỗi đám cưới không những chỉ tốn tiền mừng, chị còn tốn thêm chi phí mua trang phục, phụ kiện đi dự tiệc để xuất hiện xinh đẹp, chỉn chu trong ngày trọng đại của cô dâu, chú rể. Một số đám cưới ở xa còn phát sinh thêm chi phí đi lại, nghỉ ngơi. “Riêng năm nay, tôi đã tốn đến vài chục triệu cho việc đi ăn cưới”, chị Thương chia sẻ.
Với anh T.A. (30 tuổi, ở huyện Thanh Miện), áp lực còn là những câu hỏi “có người yêu chưa, bao giờ được ăn cỗ”… khiến anh cảm thấy không mấy vui vẻ mỗi lần đi ăn cưới.
Có những đám cưới anh còn được bạn bè, họ hàng tranh thủ giới thiệu, mai mối với những người độc thân. Anh A. chia sẻ: “Dù biết mọi người không có ý xấu, nhưng ngày cưới là dành cho cô dâu, chú rể, tôi rất sợ những lời hỏi thăm trong đám cưới”. Vì vậy, để tránh những câu hỏi không vui đó, nhiều đám cưới anh chỉ đến chúc mừng, gửi phong bì rồi về để tránh mặt họ hàng.
Trước khi đến mỗi đám cưới, nhiều khách mời phải tham khảo trước xem mừng cưới bao nhiêu thì hợp lý, để gia đình cô dâu, chú rể có thể “hoàn vốn”. Theo truyền thống “có đi, có lại”, nhiều người cố gắng mừng bạn bè thân thiết một số tiền lớn, với tâm lý đến đám cưới của mình hoặc con cái mình, cô dâu, chú rể sẽ “hoàn trả”. Từ đó, tiền mừng đám cưới trở thành nỗi căng thẳng, lo lắng của nhiều người.
Đám cưới là sự kiện quan trọng, chỉ có một lần trong đời nên chị T.H (25 tuổi, quê ở huyện Cẩm Giàng, đang làm việc tại Hà Nội) đã cố gắng sắm sửa, tổ chức một đám cưới hoàn hảo nhất.
Khác với quan điểm của bố mẹ, chị muốn tổ chức tiệc cưới tại nhà hàng cho lịch sự, trang trọng để mời bạn bè, đối tác. Thích xây dựng những hình ảnh đẹp, lung linh như trên mạng xã hội, vợ chồng chị đã tốn vài chục triệu cho khoản chụp ảnh cưới. Ngoài chụp ảnh trong studio, vợ chồng chị còn bay vào Đà Nẵng để có được những hình ảnh ngoại cảnh đẹp nhất.
Ngoài ra, chi phí để sắm sửa vòng vàng, nhẫn vàng, kiềng vàng làm của hồi môn trao cho con cái khiến gia đình chị cũng tốn kém một khoản đáng kể.
Đám cưới là hình ảnh đại diện cho bộ mặt của nhà trai, nhà gái trước quan viên hai họ nên các gia đình phải lo khoản chi phí rất lớn. Nhiều gia đình hy vọng sau khi tổ chức xong tiệc cưới, sẽ sớm hoàn vốn trở lại, nhưng đây là khoản đầu tư hên - xui, và không ít trường hợp phải đi vay mượn, bị lỗ sau khi cưới.
Đã có kế hoạch lấy vợ từ 1 năm trước, nhưng trước ngày cưới, anh Trịnh Tân (27 tuổi, ở huyện Nam Sách) tất bật với đủ thứ cần chuẩn bị. Không cần quá sang trọng, cầu kỳ nhưng anh vẫn thực hiện đầy đủ các thủ tục của một lễ cưới truyền thống. Bắt đầu bằng một buổi cầu hôn vợ thật bất ngờ, lãng mạn, sau đó 2 vợ chồng chọn studio chụp ảnh, tân trang phòng cưới…
Để chuẩn bị cho đám cưới vào tháng 10 vừa qua, anh đã tiết kiệm tiền từ đầu năm. Mặc dù được bố mẹ hỗ trợ một phần nhưng vợ chồng anh vẫn tự lo nhiều khoản cho đám cưới.
Anh Tân liệt kê, riêng việc tân trang phòng cưới đã hết 50 triệu đồng, chọn studio chụp ảnh cưới phù hợp với nhu cầu bản thân và kinh tế là hơn 10 triệu đồng. Rồi tiền xe hoa, tráp hỏi, loa đài… và tốn kém nhất có lẽ là khoản cỗ cưới.
Với một đám cưới được tổ chức đơn giản theo kiểu truyền thống ở quê, anh Tân áng chừng tổng chi phí hết hơn 250 triệu đồng.
Càng gần ngày cưới, sau khi đi làm về, thay vì được nghỉ ngơi, anh lại cùng bố mẹ lên kế hoạch chi tiết như chuẩn bị rạp cưới, bố trí người tiếp khách, xe dâu… Khách mời nên mời ai, còn thiếu ai không, cỗ thế nào để vừa phù hợp với kinh tế gia đình vừa phải lịch sự, ngon miệng để không bị chê.
Đám cưới là ngày vui của mỗi gia đình, nếu tính toán thiệt hơn quá nhiều sẽ khiến cả cô dâu, chú rể và khách mời đều căng thẳng. Để giảm bớt áp lực, một số gia đình hiện nay chỉ tổ chức tiệc nhỏ gọn, đơn giản, còn bạn bè, họ hàng ở xa thì báo hỉ, không nhận tiền mừng...
MỘC MIÊN