Nhiều người cho rằng uống nhiều bia rượu sẽ gây hại gan và là nguy cơ gây bệnh ung thư. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều thói quen khác cũng gây tổn hại đến gan.
Bệnh gan là "kẻ giết người thầm lặng", bởi không có triệu chứng rõ ràng. Gan là cơ quan có thể hoạt động bù trừ, những hư hại của lá gan dưới 25% có thể tự hồi phục.
Nếu không lưu ý và để gan hư hại quá nhiều, khi tổn thương trên 50% thì mới có những biểu hiện, đôi khi rất thầm lặng như: Mệt mỏi, choáng váng, chóng mặt, ăn uống không ngon, sụt ký, phù chân, vàng da, vàng mắt, có chấm xuất huyết trên da, dễ chảy máu răng, chảy máu cam… Đây là những triệu chứng bệnh lý của gan. Chính vì vậy, hiểu biết những thói quen xấu gây tổn hại cho gan để tránh mắc phải là vô cùng quan trọng.
Dưới đây là một số thói quen xấu gây hệ lụy tổn thương gan
Bệnh gan là "kẻ giết người thầm lặng", bởi không có triệu chứng rõ ràng.
Thức khuya hại gan
Nhiều người do công việc nên phải thường xuyên thức đêm, nhưng hiện có khá nhiều người thức khuya để giải trí, lạm dụng thiết bị thông minh. Điều này làm rối loạn cơ chế phục hồi của gan ở một mức độ nhất định và làm tổn thương gan. Thói quen này càng nguy hiểm hơn với những người đã có sẵn những bệnh lý về gan như gan nhiễm mỡ, viêm gan…
Các nghiên cứu cho rằng gan là bộ phận lưu trữ điều chỉnh các chức năng của máu. Nếu cơ thể được nghỉ ngơi trong trạng thái yên tĩnh, khi nhu cầu máu của các bộ phận giảm xuống thì lượng máu đó được trở lại gan. Khi vận động, học tập, làm việc gia tăng, nhu cầu máu gia tăng, lượng máu tích lũy trong gan lưu thông nhiều hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của cơ thể.
Thời gian từ 23 giờ đến 1 giờ sáng hôm sau là thời gian hệ thống sinh học của cơ thể nghỉ ngơi, trong khi gan tập trung làm nhiệm vụ thải độc, loại bỏ các chất dư thừa, độc hại, đồng thời chuyển hóa các chất dinh dưỡng đi nuôi các tế bào. Từ 1 đến 3h túi mật trong gan giúp cơ thể tiêu hóa chất béo, cholesterol trong thức ăn và máu.
Do đó, nếu chúng ta thức khuya sẽ làm thay đổi đồng hồ sinh học, làm tăng sinh nhiều phản ứng oxy hóa sản sinh ra nhiều chất trung gian độc hại, gây khó khăn cho quá trình thực hiện nhiệm vụ thải độc của gan, thậm chí có thể làm tổn thương gan. Với người nhiễm virus viêm gan B, tế bào bị hư hại sẽ rất khó phục hồi và có khả năng nguy hiểm hơn.
Vì vậy, không nên thức khuya, cần nghỉ ngơi trước 23 giờ để có được giấc ngủ sâu vào khoảng từ 1 đến 3h sáng, bởi đây là thời gian tốt nhất nuôi dưỡng máu trong gan. Bởi vậy, hãy cân bằng giữa thời gian nghỉ ngơi, làm việc và giải trí, không nên thường xuyên thức khuya, sẽ không tốt cho sức khỏe trong đó có gan.
Mệt mỏi, choáng váng, chóng mặt, ăn uống không ngon, sụt ký, phù chân, vàng da, vàng mắt... là những triệu chứng của bệnh gan.
Lối sống ít vận động
Mọi người thường cho rằng lối sống ít vận động chỉ gây nguy cơ mắc tim mạch và các bệnh khác. Tuy nhiên, việc này không hẳn đúng, các nghiên cứu đã cho thấy ít vận động sẽ gây nguy cơ tổn hại đến sức khỏe, có thể góp phần vào việc béo phì, nguy cơ mắc các bệnh đái tháo đường type 2, một số loại ung thư, bệnh tim mạch…
Thời gian ít vận động kéo dài có thể làm giảm trao đổi chất, giảm khả năng kiểm soát lượng đường trong máu, điều hòa huyết áp và tiêu hóa chất béo có thể dẫn đến hại gan. Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) có thể do lười vận động hoặc ít vận động.
Ăn quá nhiều thức ăn chế biến sẵn
Cuộc sống bận rộn, thích sự tiện lợi nên nhiều người hiện nay sử dụng quá nhiều thức ăn chế biến sẵn. Điều này không tốt cho gan, các nhà nghiên cứu cho thấy rất nhiều thức ăn chế biến sẵn được cho thêm các chất phụ gia thực phẩm như chất bảo quản, phẩm màu, chất tạo ngọt… Những chất phụ gia này thành phần có chứa rất nhiều các chất hóa học mà cơ thể khó phân giải, sau khi đi vào cơ thể sẽ tăng gánh nặng giải độc cho gan, dẫn đến tổn thương gan.
Thói quen lười uống nước
Theo các chuyên gia nhiều người Việt rất lười uống nước, hậu quả của việc này là cơ thể không nạp đủ nước, không thể chuyển hóa "chất thải" trong cơ thể một cách tốt nhất, nên dễ gây ra những tổn hại cho cơ quan nội tạng, trong đó có gan.
Nước giúp loại bỏ mọi chất thải ra khỏi cơ thể, ngăn ngừa chất độc tích tụ trong cơ thể và làm tổn thương gan. Uống nước thường xuyên làm cho máu loãng hơn, giúp gan dễ dàng lọc và thải bỏ độc tố. Uống ít nước đồng thời còn dẫn đến tình trạng nồng độ nước tiểu cao khiến dễ mắc các bệnh như sỏi thận, viêm thận.
Uống nhiều bia rượu, ăn đồ nhiều dầu mỡ... là những thói quen xấu gây tổn hại cho gan.
Uống trà, nước ngọt thay cho nước lọc
Người Việt thường có sở thích uống trà xanh, thậm chí uống trà thay nước lọc. Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ thích uống nước ngọt, nhất là khi thời tiết nắng nóng. Tuy nhiên, việc này không tốt cho sức khỏe. Vì chỉ uống trà sẽ dẫn đến cơ thể thu nạp lượng florua - một chất có nhiều trong trà sẽ vượt quá khả năng bài tiết của thận, khiến chất này tích tụ trong cơ thể và ảnh hưởng đến chức năng của thận. Ngoài ra, trong trà xanh có chứa chất tannin. Việc sử dụng quá nhiều trà xanh sẽ dẫn tới gan phải làm việc quá tải, gây ra tổn thương gan.
Tương tự, nước ngọt, nước ngọt có ga là đồ uống hấp dẫn, được sử dụng để giải khát trong mùa hè nóng bức. Thế nhưng, loại đồ uống này có thể gây béo phì, tăng huyết áp hay đái tháo đường nếu sử dụng quá nhiều.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, những người uống 2 lon nước ngọt có ga mỗi ngày tăng 5 lần nguy cơ xơ gan và ung thư gan. Chỉ sau 20 phút uống nước ngọt, lượng đường trong máu tăng đột ngột, dẫn đến tăng Insulin. Khi đó, gan sẽ phản ứng bằng cách chuyển hóa đường thành chất béo. Điều này có thể gây ra bệnh gan nhiễm mỡ, vấn đề liên quan đến cholesterol cao và tăng huyết áp... Vì vậy, bạn nên uống nước lọc theo đúng quy định để không ảnh hưởng tới sức khỏe.
Cơ thể chúng ta chỉ thực sự khỏe mạnh khi lá gan không bị "mệt mỏi".
Lời khuyên của thầy thuốc để bảo vệ gan, tránh mắc bệnh gan
Gan giữ vao trò là trung tâm chuyển hóa của cơ thể, dự trữ các chất dinh dưỡng, tổng hợp nên Protein cho cơ thể. Do đó, cơ thể chúng ta chỉ thực sự khỏe mạnh khi lá gan không bị "mệt mỏi", vì vậy cần thực hiện các nguyên tắc như:
- Sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý cụ thể: Sau mỗi bữa ăn, gan phải tăng cường hoạt động để chuyển hóa và dự trữ các chất dinh dưỡng. Vì vậy, sau khi ta ăn nên nghỉ ngơi yên tĩnh 30 phút để gan hoạt động tốt nhất.
- Buổi tối nên đi ngủ trước 23 giờ để có được giấc ngủ sâu vào 1 - 3 giờ sáng, bởi đây là thời gian tốt nhất để dòng máu trở về gan và nuôi dưỡng gan. Một số người vì công việc mà phải làm việc vào ban đêm, những người này có nguy cơ mắc bệnh gan khá cao và hệ thống miễn dịch cũng sẽ bị giảm sút nhiều.
- Thực hiện chế độ ăn uống vệ sinh và cân đối dinh dưỡng: Hằng ngày, chất dinh dưỡng được hấp thu tại ruột và chuyển tới dự trữ tại gan sau mỗi bữa ăn. Vì vậy, nếu chúng ta ăn uống không hợp vệ sinh, vi khuẩn có hại từ đường tiêu hóa theo dòng dinh dưỡng tới gây hại cho gan. Do đó, một chế độ ăn uống hợp vệ sinh, sẽ giúp giảm tối đa sự tấn công của các vi khuẩn với gan.
- Cần lưu ý chế độ ăn đúng giờ và bảo đảm các thành phần chất đạm, chất béo, tinh bột và rau xanh, trái cây giúp lá gan hoạt động hiệu quả nhất. Nếu bị bệnh về gan thì nên ăn lượng đạm cao, lượng mỡ thấp, lượng đường đầy đủ, vitamin phong phú.
- Nên tránh ăn những thực phẩm không còn tươi, các loại thực phẩm lên men, các loại thực phẩm có chất bảo quản, phẩm màu và các phụ gia, các loại thức ăn hun khói, các loại gia vị như ớt, hạt tiêu.
- Ngoài ra, cần có thói quen tốt, lành mạnh, khoa học nhằm tốt cho gan cũng như sức khỏe toàn thân. Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng 1 lần để phát hiện và điều trị sớm các vấn đề về sức khỏe, nhất là bệnh gan mật.
- Nếu không may mắc các bệnh về gan, cần phải tuyệt đối tuân thủ lời dặn của bác sĩ, kiên trì uống thuốc, không nên vì bệnh tiến triển chậm mà sốt ruột đổi bác sĩ, đổi thuốc điều trị, điều đó chỉ càng khiến việc điều trị bệnh gan khó khăn và gian nan hơn.
Theo Sức khỏe và Đời sống