Nếu mùa hè trung tâm Đà Nẵng quá đông đúc, không thể tìm được chỗ cắm trại, hãy thử đến những địa điểm mới dưới đây.
Đây là những địa điểm còn giữ được sự nguyên bản, những đặc trưng của núi rừng, người dân địa phương thân thiện.
Nóc Tắk Pổ
Cách Đà Nẵng khoảng 170 km, những người đi săn mây từ Đà Nẵng vẫn tìm đến Tắk Pổ vì cảm giác được chinh phục vẫn là thứ hối thúc mạnh mẽ.
Anh Thuận, một người đã từng đi Tắk Pổ, cho biết địa điểm này dễ đi nhưng cũng cần có người có kinh nghiệm cắm trại địa hình núi rừng đi theo. Họ sẽ giúp gia cố lều trại, che chắn gió kỹ lưỡng đề phòng giông lốc. Ngoài ra, khi đến đây cũng cần xin phép chính quyền để cắm trại.
Chỉ 2-3 năm trước, đây là nơi vẫn còn khắc khổ, đa số người dân là người Xê Đăng, còn xa lạ với thế giới bên ngoài. Giờ đây, việc đi lại tại địa phương đã trở nên dễ dàng hơn. Từ đây có thể đến Kon Tum, hoặc Đà Nẵng bằng xe khách hay xe máy.
Theo những người có kinh nghiệm, du khách không nên đi vào mùa mưa (từ tháng 10 đến tháng 12) hoặc những ngày có mưa để tránh tình trạng sạt lở.
Ẩm thực đặc trưng của núi rừng như cơm lam, rượu cần, heo rừng, gà đồi… cũng là những sản vật có sẵn ở Tắk Pổ. Đến đây vào những mùa lễ hội, bạn còn có thể được thưởng thức điệu cồng chiêng đầy năng lượng, là niềm vui cho những tín đồ trải nghiệm văn hóa.
Vũng Bọt - Khe Đương
Hai con suối này thuộc thôn Tà Lang - Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Nơi này đã được nhiều người ưa thích cắm trại biết đến từ khoảng 2018. Đây là khởi nguồn của sông Cu Đê, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn. Từ trung tâm TP Đà Nẵng di chuyển đến đây mất khoảng một giờ.
Là dòng nước thượng nguồn, nên những con suối này luôn sạch trong, có thể tắm được. Nếu đi tự túc, du khách có thể mang theo những dụng cụ câu cá, câu tôm để thử sức săn bắt và chế biến tại chỗ. Sau những hoạt động vui chơi, trải nghiệm thiên nhiên, được hòa mình vào dòng suối mát lạnh là trải nghiệm lý tưởng.
Hiện tại, điểm đến này đã có những tour dẫn, đầy đủ dịch vụ ăn uống và hỗ trợ cắm trại, phù hợp cho gia đình. Du khách đến đây còn có thể thấy được chứng tích của lịch sử là cầu Sụp, do thực dân Pháp xây dựng để di chuyển vận chuyển hàng hóa, lâm sản. Chiếc cầu đã bị đánh sập, còn rõ vết đạn bom.
Từ Vũng Bọt qua Khe Đương, du khách phải băng qua suối và quãng đường khoảng 3 km. Bạn cần lưu ý trơn trượt, khó đi nếu chưa có kinh nghiệm đi suối, thác. Tại đây còn có một hồ nước tự nhiên sâu khoảng 5 m, phù hợp để thưởng cảnh và cảm nhận những giá trị tốt nhất của núi rừng.
Vạn Buồng
Trước năm 2012, Vạn Buồng là một ngôi làng nằm gần như tách biệt với những khu dân cư đông đúc khác tại huyện Duy Xuyên và Điện Bàn (Quảng Nam). Sau đó, cây cầu nối làng Vạn Buồng với đất liền đã khiến nơi đây thành điểm đến hấp dẫn của người dân khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng.
Từ Đà Nẵng di chuyển 40 km về hướng nam, bên dòng sông Thu Bồn trong xanh, êm ả, làng Vạn Buồng khoác lên mình thảm cỏ xanh trải dài. Không khó để nhận ra rằng nơi này vẫn còn giữ được sự nguyên sơ, bình dị.
Du khách đến vào cuối tuần không quá khó khăn để tìm được vị trí dựng lều cắm trại vì không đông đúc như nhiều điểm khác ở Đà Nẵng.
Khoảnh khắc hoàng hôn buông xuống, những người mê cắm trại xếp những chiếc vỉ nướng. Những cột khói nhỏ bốc lên, những tiếng cười giòn tan đã khiến cho vùng ốc đảo dần dần trở nên bớt heo hút.
Theo blogger Mavis, người dân ở đây đặc biệt thân thiện, bạn có thể mượn ghe của họ để đi trên sông, có khi còn được người dân cho ít rau quả. Nước sông khu vực này rất nông nhưng có nhiều cá, du khách có thể thả câu và tận hưởng thành quả mà không tốn quá nhiều công sức.
Cái tên Vạn Buồng gắn với câu chuyện ngày xưa, hai bên bờ sông phát triển ngành lụa, đa số phụ nữ làm công việc này. Do vậy, người ta làm dày đặc buồng tắm trên sông để phục vụ sinh hoạt.
Khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng có khí hậu giống nhau. Nên đi cắm trại từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm để có trải nghiệm tốt nhất.
Theo Zing