Tác phẩm ''Bụi rậm dưới bóng hoàng hôn'' đạt 38.000 euro - mức bán cao nhất trong số 19 tác phẩm của vua Hàm Nghi.
Ngày 22/9 tại khách sạn Drouot ở Paris, tranh của vua Hàm Nghi được nhà Lynda Trouvé đưa ra đấu giá, đạt tổng số tiền 330.000 euro.
Ông Trần Đại Thắng - Giám đốc Công ty sách Đông A - người tham gia phiên đấu cho biết bức tranh Bụi rậm dưới bóng hoàng hôn đạt 38.000 euro - mức giá cao hơn kỳ vọng. Ngoài ra, tác phẩm Cánh đồng lúa mỳ được mua với giá 32.000 euro. Mặt hồ khi chạng vạng cũng là một trong những bức họa có giá mua cao.
Theo ông Trần Đại Thắng, những bức tranh của vua Hàm Nghi nhận được sự quan tâm lớn, có giá bán cao nhờ ý nghĩa lịch sử. 19 tác phẩm là loạt tranh cỡ nhỏ, được vua vẽ nhanh trên các chất liệu như toan, bìa. Qua đó, người xem cảm nhận được nỗi lòng của vua, khi ông mượn hội họa để vơi bớt nỗi nhớ quê hương.
Nhà bán đấu giá Lynda Trouvé cho biết đây là bộ sưu tập duy nhất của vua Hàm Nghi được tìm thấy tại Pháp. Lần đầu tiên trung tâm Drouot tổ chức phiên bán số lượng lớn tác phẩm vua Hàm Nghi thực hiện.
19 bức tranh do một nhà sưu tập tư nhân sở hữu. Chúng từng nằm trong một chiếc cặp cũ, được phát hiện trước khi bị bỏ vào thùng rác bởi không ai biết những chữ ký tượng hình trên tranh. Nhờ tấm bưu thiếp đi kèm tựa đề ''Trung tá bộ binh thuộc địa Henri Aubé, Cục trưởng Cục Địa lý Đông Dương ở Hà Nội", cùng chữ ký vua Hàm Nghi, các bức tranh đã tìm được xuất xứ. Henri Aubé là lính Pháp đóng quân tại Hà Nội từ năm 1907 đến 1909.
Trong phiên đấu giá, ngoài bộ sưu tập của vua Hàm Nghi, khoảng 250 tác phẩm và hiện vật của nghệ thuật Đông Dương như bình đồng thời Lê, dao găm bằng đồng từ thế kỷ thứ 2... cũng được rao bán. Một số bức họa của các nghệ sĩ lớn trong giới nghệ thuật Việt Nam như Mai Thứ, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Lê Bá Đảng... xuất hiện. Nhiều nghệ sĩ Pháp sở hữu những tác phẩm về Đông Dương cũng được giới thiệu và bán giá cao.
Vua Hàm Nghi (1871-1944) có tên húy là Nguyễn Phúc Minh, tự hiệu Ưng Lịch, lên ngôi năm 1884, khi mới 13 tuổi. Ông là hoàng đế thứ tám của nhà Nguyễn. Năm 1885, sau khi kinh đô Huế thất thủ, vua Hàm Nghi cùng Tôn Thất Thuyết rời khỏi kinh thành và phát chiếu Cần Vương chống thực dân Pháp. Năm 1888, vua bị bắt và bị Pháp đưa đi lưu đày ở Alger (thủ đô Algérie). Ông qua đời vào năm 1944 vì bệnh ung thư dạ dày.
Tài năng hội họa của vua được khai phá trong thời gian bị lưu đày. Suốt sự nghiệp mỹ thuật, vua từng thực hiện ba triển lãm: tại Musée Guimet (tháng 6/1904), Galerie Mantelet (tháng 11/1911), Galerie Mantelet - Colette Weil (tháng 11/1926). Ông coi nghệ thuật như thú vui riêng, giúp quên đi thực tại bị phế truất. Theo Asian Art, vua không tìm kiếm sự công nhận từ công chúng, ít quan tâm đến việc ký tên, ghi ngày tháng cho tác phẩm. Vua Hàm Nghi chưa bao giờ bán tác phẩm nào của mình.
Theo VnExpress