Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Phú Thọ, Israel hủy bỏ việc trục xuất hàng chục nghìn người tị nạn châu Phi... là những sự kiện nổi bật ngày 25.4.
Ngày 25.4 (tức ngày 10.3 năm Mậu Tuất - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đồng bào cả nước đến thành kính dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, thuộc khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ. Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dâng hương tại Đền Giếng thuộc khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng. Ảnh: Lâm Khánh -TTXVN
Tiếp tục các hoạt động tại bang Victoria nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu 2018 tại Australia, sáng 25.4, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tiếp đại diện kiều bào tiêu biểu; đại diện một số công ty Australia mong muốn làm ăn với Việt Nam và vợ chồng cựu Đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên tại Việt Nam Pete Peterson. Trong ảnh: Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tiếp đại diện một số công ty Australia mong muốn làm ăn với Việt Nam. Ảnh: Quang Hải - TTXVN
Ngày 25.4 (mùng 10 tháng 3 năm Mậu Tuất), tại Khu tưởng niệm các Vua Hùng TP Hồ Chí Minh, Ban tổ chức các ngày lễ lớn thành phố tổ chức Lễ Giỗ tổ Hùng Vương năm 2018 với chủ đề "Hướng về Quốc tổ Hùng Vương", nhằm tưởng nhớ đến công lao của các Vua Hùng, các bậc tiền nhân có công lập nước, dựng nước và giữ nước. Trong ảnh: Nghi thức rước Lễ Giỗ tổ Hùng Vương năm 2018. Ảnh: Thế Anh - TTXVN
Ngày 25.4, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tổ chức Lễ khánh thành trụ sở làm việc mới tại địa chỉ đường 57, phường Cát Lái, Quận 2, TP Hồ Chí Minh. Công trình có quy mô 6 tầng nổi và 1 tầng hầm, thuộc công trình trụ sở cấp 1 với trang thiết bị hiện đại gồm hệ thống camera, âm thanh, internet, hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động… Công trình có tổng vốn đầu tư là 430 tỷ đồng. Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình đã đến và cắt băng khánh thành trụ sở. Trong ảnh: Phòng xử án mới của TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Thành Chung - TTXVN
Ngày 25.4, giàn giáo thi công cây xăng nằm trên đường Ngự Bình, TP Huế (Thừa Thiên-Huế) bất ngờ bị đổ sập khiến 7 công nhân phải nhập viện. Theo thông tin ban đầu, 7 công nhân đang đổ bê tông trên giàn giáo này bất ngờ bị ngã rơi vào đống đổ nát sắt thép và bê tông phía dưới. Đội cứu hộ đã phải đào bới để tìm kiếm các nạn nhân, đưa ra khỏi đống đổ nát. Lực lượng chức năng Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đang điều tra làm rõ nguyên nhân. Trong ảnh: Một nạn nhân được lực lượng cứu hộ đưa ra khỏi đống đổ nát. Ảnh: Hồ Cầu-TTXVN
Ngày 24.4, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron đã cam kết sẽ tìm cách giải quyết những khác biệt trong quan điểm giữa Mỹ và châu Âu về vấn đề Iran, tuy nhiên ông Trump không tỏ dấu hiệu rõ ràng về việc liệu ông có thực hiện lời đe dọa từ bỏ thỏa thuận hạt nhân lịch sử kí kết với Tehran hồi năm 2015 hay không. Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau hội đàm ở Nhà Trắng, Tổng thống Macron cho biết hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về một "thỏa thuận mới" củng cố hơn nữa thỏa thuận Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) và phù hợp với mong muốn của ông Trump, như chương trình phát triển tên lửa đạn đạo hay ảnh hưởng gia tăng của Iran trong khu vực. Trong ảnh: Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) tại cuộc gặp ở Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 25.4, Tổng thống Iran Hassan Rouhani (trong ảnh) đã thể hiện sự hoài nghi với tính hợp pháp trong đề xuất của Mỹ và Pháp về một thỏa thuận hạt nhân mới. Trong bài phát biểu được phát sóng trực tiếp trên trên hình, nhà lãnh đạo Iran cho rằng Mỹ và Pháp không có quyền và lý do gì để đưa ra quyết định cho thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức). Ông nhấn mạnh thông qua việc chấp nhận thỏa thuận hạt nhân được ký năm 2015 này, Iran đã chứng minh thiện chí với cả thế giới rằng nước cộng hòa Hồi giáo không theo đuổi vũ khí hủy diệt hàng loạt. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 24.4, Chính phủ Israel thông báo đã hủy bỏ kế hoạch trục xuất bắt buộc đối với hàng chục nghìn người tị nạn châu Phi sau khi không tìm được một quốc gia nào tình nguyện tiếp nhận họ. Trong một thông báo phản hồi với Tòa án Tối cao - hiện đang đánh giá kế hoạch trục xuất này, Chính phủ Israel khẳng định "ở giai đoạn hiện tại khả năng thực hiện việc trục xuất bắt buộc sang một nước thứ ba không nằm trong chương trình nghị sự". Với quyết định hủy bỏ trục xuất, giờ đây những người nhập cư bất hợp pháp lại có thể nộp đơn xin cư trú mỗi 60 ngày như trước đây. Trong ảnh (tư liệu): Người tị nạn châu Phi tuần hành phản đối kế hoạch trục xuất tại Tel Aviv ngày 24.2. Ảnh: AFP/TTXVN
Giới chức Nigeria cho biết gần 20 người thiệt mạng trong một vụ tấn công sáng 24.4 nhằm vào một nhà thờ tại bang Benue, miền Trung nước này. Theo thông tin từ chính quyền địa phương, khoảng 30 tay súng đã tấn công vào cộng đồng Mbalom và sát hại 18 người, trong đó có 2 linh mục. Các tay súng sau đó còn phóng hỏa khoảng 60 ngôi nhà. Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari ngay sau đó đã lên án cuộc thảm sát và gọi đây là hành động "ghê tởm và tàn độc” khi diễn ra tại một nơi linh thiêng, với ý đồ nhằm thổi bùng xung đột tôn giáo. Trong ảnh (tư liệu): Chuyển thi thể nạn nhân thiệt mạng trong vụ đánh bom nhằm vào một nhà thờ Hồi giáo ở Bama, đông bắc Nigeria ngày 22.4. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 24.4, ít nhất 10 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong vụ hỏa hoạn tại một giếng khai thác dầu trái phép ở tỉnh Aceh, thuộc đảo Sumatra, miền Tây Indonesia. Giới chức cho biết hỏa hoạn xảy ra sau khi một vệt dầu tràn bén lửa vào khoảng 1 giờ 30 phút sáng (giờ địa phương) thiêu rụi ít nhất 3 ngôi nhà lân cận. Cho tới giữa buổi sáng nay, ngọn lửa vẫn chưa được kiểm soát và vẫn đang bốc lên rất cao mà chưa có dấu hiệu dừng lại. Cho tới nay, lực lượng chữa cháy và cứu hộ đã đưa ra khỏi hiện trường 10 thi thể nhưng số người thiệt mạng được cho sẽ còn tiếp tục tăng. Trong ảnh: Nhân viên cứu hỏa Indonesia nỗ lực khống chế đám cháy tại một nhà kho ở Tây Sumatra ngày 23.4. Ảnh: THX/TTXVN