Dưới đây là 10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2023 do TTXVN bình chọn:
1. Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII:
Ban Chấp hành Trung ương đánh giá trong nửa đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026, đất nước ta đã vững vàng vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực; chỉ đạo tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm trong nửa cuối của nhiệm kỳ, phấn đấu thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Trung ương đã kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và triển khai việc lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ theo quy định.
2. Tăng trưởng GDP đạt trên 5%:
Trong bối cảnh đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng GDP trên 5% với nhiều tín hiệu tích cực: Giá trị thương hiệu quốc gia đạt 431 tỷ USD, xếp thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới; xuất khẩu gạo vượt 8 triệu tấn, đạt kim ngạch hơn 4,4 tỷ USD - cao nhất kể từ năm 2009; vốn FDI đạt mức cao nhất kể từ năm 2020, trong đó vốn đăng ký đạt 28,85 tỷ USD và vốn thực hiện đạt 20,25 tỷ USD. Đặc biệt, xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức 26 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022.
3. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc, Tổng thống Hoa Kỳ thăm Việt Nam:
Hai chuyến thăm cấp Nhà nước tới Hà Nội của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã làm sâu sắc hơn quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc và đánh dấu việc nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 6 nước, gồm Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ.
Việt Nam tích cực tham gia đóng góp sáng kiến tại các tổ chức khu vực và quốc tế; thể hiện vai trò, trách nhiệm trong giải quyết các vấn đề toàn cầu; cử lực lượng cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ.
4. Ban hành các Quy định mới về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực:
Các Quy định 114-QĐ/TW, 131-QĐ/TW, 132-QĐ/TW của Bộ Chính trị thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; kiểm tra, thanh tra, kiểm toán; điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, bị khởi tố, xét xử. Đặc biệt, trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị khác, 23 cán bộ thanh tra, kiểm toán đã bị khởi tố; phát hiện số tiền nhận hối lộ của một cá nhân lên tới 5,2 triệu USD - lớn nhất từ trước đến nay.
5. Lập kỷ lục đưa vào sử dụng 475 km đường cao tốc trong một năm:
Việc hoàn thành 14 dự án giao thông trọng điểm, trong đó có các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, đã nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc của cả nước lên 1.892 km. Kết quả này góp phần hiện thực hóa một trong ba đột phá của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030.
Lễ khởi công 12 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 ngay ngày đầu tiên của năm đã mở màn cho việc khởi công hàng loạt dự án giao thông trọng điểm khác.
6. Đại danh y và nhiều địa danh được UNESCO vinh danh:
Quần thể vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới; các thành phố Hội An và Đà Lạt được công nhận là "Thành phố sáng tạo" trong lĩnh vực thủ công - nghệ thuật dân gian và âm nhạc; đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được UNESCO vinh danh và kỷ niệm nhân 300 năm ngày sinh của ông. Bên cạnh đó, Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới” tại Giải thưởng Du lịch Thế giới. Ngành du lịch dự kiến đón hơn 12,5 triệu lượt khách quốc tế, vượt kế hoạch khoảng 5 triệu lượt khách.
7. Kiểm soát kịp thời vụ tấn công khủng bố tại Đắk Lắk:
Vụ tấn công khủng bố chống chính quyền nhân dân gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk rạng sáng 11/6 đã được kiểm soát trong vòng 24 giờ, mang lại bình yên cho nhân dân. Các cơ quan chức năng đã khởi tố, bắt tạm giam 91 đối tượng, truy nã đặc biệt 6 đối tượng. Công luận đã lên án mạnh mẽ sự manh động, liều lĩnh, man rợ của các đối tượng khủng bố.
8. Thảm họa cháy “chung cư mini” tại Hà Nội:
Vụ cháy “chung cư mini” xảy ra đêm 12/9 tại phố Khương Hạ, Hà Nội đã làm 56 người chết, 37 người bị thương. Thảm họa này rung lên hồi chuông báo động về tình trạng buông lỏng quản lý xây dựng ở các khu đô thị.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cấp, ngành chức năng đã tổng rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý xây dựng, triển khai các giải pháp cấp bách để phòng cháy, chữa cháy tại các chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ thuê trọ…, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân.
9. Thể thao Việt Nam lần đầu tiên đứng đầu kỳ SEA Games tổ chức ở nước ngoài:
Tại Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 32 diễn ra ở Campuchia, đoàn Thể thao Việt Nam đã giành 136 Huy chương Vàng, 105 Huy chương Bạc và 114 Huy chương Đồng, xuất sắc giành vị trí số 1 chung cuộc. Đây là lần đầu tiên, Việt Nam đứng đầu bảng tổng sắp huy chương ở một kỳ SEA Games tổ chức ở nước ngoài, sau 2 lần nhất toàn đoàn trên sân nhà vào các năm 2003 và 2022.
10. Hiện thực hóa quy định “Đã uống rượu, bia - không lái xe”:
Trong 9 tháng đầu năm, số vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia giảm 25,8%, (xuống 222), số người chết giảm 50% (xuống 99) và số người bị thương giảm 22,6% (xuống 168) so với cùng kỳ năm trước. Đến hết tháng 11, lực lượng cảnh sát giao thông đã xử phạt 670.623 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi lái xe, tăng 148% so với cùng kỳ năm 2022. Việc xử lý nghiêm vi phạm đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về việc đảm bảo an toàn giao thông, hình thành văn hóa “Đã uống rượu, bia - không lái xe”, được dư luận đồng tình ủng hộ.
Theo báo Tin tức