Trân trọng giới thiệu 10 sự kiện nổi bật của kinh tế Việt Nam năm 2022.
1. Ban hành 6 Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng
Lần đầu tiên, Bộ Chính trị ban hành 6 nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 của 6 vùng kinh tế nhằm phát huy lợi thế của mỗi vùng, tăng cường tính liên kết nội vùng và liên kết vùng.
Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội cũng đã quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án giao thông trọng điểm, tạo đột phá về hạ tầng, kết nối không gian giữa các vùng trong cả nước.
2. Tăng trưởng GDP vượt kế hoạch trong bối cảnh kinh tế thế giới ảm đạm
Tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam dự kiến đạt 7,5-8%, cao hơn so với kế hoạch đề ra là 6-6,5%; lạm phát được kiểm soát ở mức 3,1-3,3%; tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện khoảng 21 tỷ USD, tăng hơn 8% so với năm 2021.
Theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt khoảng 750 tỷ USD, tăng 12,18%. Đây là kết quả ấn tượng trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm động lực tăng trưởng, lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng cao.
3. Ban hành Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Ngày 25/10, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 138/NQ-CP về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là lần đầu Quy hoạch tổng thể quốc gia được xây dựng dựa trên căn cứ Luật Quy hoạch; các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội... về phát triển kinh tế-xã hội đất nước trong thời gian tới.
Quy hoạch xác định việc phân bố và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường có tầm quan trọng cấp quốc gia, quốc tế và có tính liên vùng mang tính chiến lược trên lãnh thổ bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời.
4. Các tổ chức quốc tế nâng hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam
Năm 2022, cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới là Moody's, Standard & Poor's (S&P) và Fitch Ratings đều đánh giá hạng tín nhiệm của Việt Nam một cách tích cực.
Đặc biệt, ngày 6/9, Moody's đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng "Ổn định."
Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và là một trong bốn quốc gia trên thế giới được Moody’s nâng bậc tín nhiệm.
Các tổ chức quốc tế đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô, ổn định tài chính và cách thức vượt qua các "cú sốc" từ bên ngoài.
5. Liên tiếp điều chỉnh lãi suất điều hành và tỷ giá trong vòng hơn 1 tháng
Lần đầu tiên trong vòng hơn 1 tháng (từ 23/9-25/10), Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp điều chỉnh lãi suất điều hành và tỷ giá; trong đó có 2 lần tăng lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động; 1 lần nới biên độ tỷ giá giao ngay giữa VND và USD từ mức ±3% lên ±5%.
Ảnh minh họa
Sự linh hoạt trong điều hành của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã hỗ trợ kiềm chế lạm phát, tạo niềm tin, sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp, cũng như các nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam.
6. Việt Nam là nước đầu tiên nghiên cứu, sản xuất thành công vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi
Vượt qua hơn 4.000 công trình nghiên cứu khoa học liên quan đến bệnh dịch tả lợn châu Phi và phát triển vaccine, Việt Nam là nước đầu tiên đã nghiên cứu, sản xuất thành công hai sản phẩm vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi, đó là vaccine NAVET-ASFVAC và vaccine AVAC ASF LIVE. Đây là vaccine thương mại đầu tiên trên thế giới cho loại bệnh này.
Dự kiến đầu năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đưa vào sử dụng vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi trên phạm vi toàn quốc. Thành công này cũng mở ra triển vọng xuất khẩu vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi.
7. Thị trường chứng khoán xác lập nhiều kỷ lục
Năm 2022, VN-Index lần đầu tiên trong lịch sử có phiên vượt 1.500 điểm, nhưng chỉ sau hơn nửa năm đã rơi xuống dưới 900 điểm.
Biến động mạnh liên tiếp đã đưa VN-Index lọt "top" các chỉ số tăng/giảm mạnh nhất thế giới.
Trong năm, vốn hóa HoSE cũng từng thiết lập kỷ lục với hơn 6 triệu tỷ đồng vào đầu tháng Tư; trong 11 tháng đầu năm, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mở mới gần 2,5 triệu tài khoản chứng khoán, con số lớn nhất trong lịch sử 22 năm thành lập thị trường.
Trong bối cảnh thị trường tăng nóng và xuất hiện tình trạng thao túng giá cổ phiếu, các cơ quan quản lý đã quyết liệt xử lý, nhằm siết chặt kỷ cương và lành mạnh hóa thị trường.
8. Biến động lớn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp - kênh dẫn vốn trung và dài hạn bị ảnh hưởng tiêu cực khi một số vụ án liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp bị khởi tố.
Nhà đầu tư cá nhân bán lại trái phiếu trước hạn do lo ngại doanh nghiệp không trả được nợ.
Để chấn chỉnh hoạt động của thị trường này, ngày 16/9, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán trái phiếu doanh nghiệp; yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục rà soát sửa đổi Nghị định 65, bảo đảm công khai, minh bạch, quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và an toàn, an ninh thị trường tài chính tiền tệ.
9. Triển khai thu phí đường bộ tự động không dừng trên toàn quốc
Ngày 1/8, tất cả tuyến cao tốc trên cả nước đồng loạt triển khai thu phí theo hình thức thu phí tự động không dừng (ETC).
Được thí điểm từ năm 2015, quá trình triển khai thu phí theo hình thức ETC gặp khó khăn với nhiều lần trì hoãn kéo dài.
Việc đồng bộ triển khai thu phí theo hình thức ETC giúp nâng cao chất lượng phục vụ, giảm thời gian lưu thông, chi phí; giảm thiểu ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường; thuận tiện, minh bạch và tiết kiệm chi phí cho quản lý, giám sát...
10. Tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ ở nhiều địa phương
Trong tháng 10-11, người dân ở nhiều địa phương phải xếp hàng dài để chờ mua xăng hoặc chỉ được mua xăng theo định mức.
Có thời điểm có tới 200/17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu không hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng.
Người dân xếp hàng dài để chờ mua xăng
Tình trạng này là hệ quả của những diễn biến phức tạp trên thị trường dầu mỏ thế giới và cũng bộc lộ những bất cập trong quản lý kinh doanh xăng dầu.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Ngân hàng Nhà nước đã gấp rút đưa ra giải pháp tháo gỡ tình trạng này.
Theo Vietnam+