10 sự kiện nổi bật trong tỉnh năm 2017

31/12/2017 17:00

Năm 2017 được đánh giá là một năm thành công trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kinh tế tăng trưởng khá, thu ngân sách đạt cao...

1. Tăng trưởng kinh tế vượt kế hoạch


Năm 2017, Hải Dương thu hút thêm 334 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 30% so với năm 2016

Năm 2017, trong bối cảnh kinh tế-xã hội còn gặp nhiều khó khăn, là năm đầu tiên tỉnh ta tự cân đối ngân sách, nhưng Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo sâu sát, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy kinh tế phát triển; các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cùng nỗ lực, nên kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục đạt được kết quả khá toàn diện, hoàn thành và hoàn thành vượt mức 13 trong tổng số 15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 8,9% so với năm 2016 (kế hoạch tăng 8% trở lên), cao hơn nhiều so với bình quân của cả nước (cả nước tăng 6,81%).

Giá trị sản xuất công nghiệp tăng cao nhất với 12,9%. Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng 8,6%. Lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản gặp nhiều khó khăn, nhưng giá trị vẫn vượt 1,2% kế hoạch.

2. Năm đầu tự cân đối, thu ngân sách nhà nước vượt dự toán


Cán bộ ngành thuế tích cực tuyên truyền các chính sách thuế tới người dân

2017 là năm đầu tiên tỉnh ta thực hiện tự cân đối thu chi với dự toán giao thu ngân sách ở mức rất cao. Trong bối cảnh nguồn thu không đồng đều ở cả ba cấp ngân sách, ngân sách cấp tỉnh hụt thu lớn, nhưng với sự chỉ đạo, điều hành tích cực và linh hoạt của chính quyền các cấp, công tác tham mưu, phối hợp hiệu quả của các ngành chức năng, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành vượt mức dự toán giao. Tổng thu nội địa trên địa bàn tỉnh ước đạt 11.000 tỷ đồng, vượt 4,9% dự toán năm, tăng 24,5% so với năm 2016.

Chi đầu tư phát triển của tỉnh tăng rất cao so với dự toán. Các nhiệm vụ chi thiết yếu, chế độ, chính sách xã hội được bảo đảm.

3. Kinh Môn - huyện nông thôn mới đầu tiên, thị xã Chí Linh hoàn thành xây dựng nông thôn mới


Đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao quyết định công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới cho thị xã Chí Linh

Ngày 7.11 và 10.11.2017, Thủ tướng Chính phủ ra các quyết định công nhận huyện Kinh Môn đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và thị xã Chí Linh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Ngoài cơ chế hỗ trợ của tỉnh, 2 địa phương đã chủ động, quyết liệt vào cuộc với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực và có cơ chế hỗ trợ riêng. Các cấp, các ngành liên quan đã tuyên truyền, vận động nhân dân chung sức, đồng lòng đóng góp sức người, sức của cho công cuộc xây dựng NTM. Kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ người dân hài lòng với kết quả xây dựng NTM ở Kinh Môn đạt 99%, ở Chí Linh đạt gần 99%.

4. Sắp xếp lại bộ máy gắn với tinh giản biên chế

Với việc ban hành Đề án số 03 “Sắp xếp lại tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh giai đoạn 2016-2021” và triển khai thực hiện Đề án số 01 về “Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống chính trị ở xã, thị trấn giai đoạn 2016-2020", Hải Dương đã đi trước một bước trong thực hiện tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII). Tỉnh chỉ đạo quyết liệt việc tinh giản biên chế, giảm chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước.

Theo Đề án 03, toàn tỉnh sẽ sáp nhập 57 đơn vị sự nghiệp công lập thành 30 đơn vị, chuyển 5 đơn vị sang mô hình doanh nghiệp, giảm 32 đầu mối. Dự kiến đến năm 2020, chi từ ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp công lập giảm khoảng 465 tỷ đồng so với năm 2017.

Thực hiện Đề án 01, HĐND tỉnh cũng đã thông qua Nghị quyết về việc khoán kinh phí hoạt động, các chức danh, số lượng, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách và các tổ chức chính trị - xã hội ở xã, phường, thị trấn và thôn, khu dân cư trên địa bàn tỉnh theo hướng giảm mạnh số lượng cán bộ không chuyên trách, tăng cường thực hiện một cán bộ kiêm nhiệm nhiều chức danh.

5. Sôi nổi phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa"

Dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ  (27.7.1947- 27.7.2017), thực sự là cao điểm của phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa" trong toàn tỉnh. Hải Dương đã chuyển toàn bộ 59.510 suất quà với tổng số tiền hơn 12,56 tỷ đồng của Chủ tịch nước; trích hơn 31,2 tỷ đồng từ quỹ của tỉnh tặng 62.434 suất quà cho những người có công, gia đình chính sách. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng 87 Bà mẹ Việt Nam anh hùng mới được phong tặng từ năm 2014 đến nay. Hiện tất cả 141 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều được phụng dưỡng suốt đời. Nhiều tổ chức, cá nhân, nhóm từ thiện tổ chức quyên góp ủng hộ các gia đình chính sách. Đợt vận động xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" được triển khai rộng khắp trong toàn tỉnh, thu được hơn 12,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh đã xử lý dứt điểm nhiều việc tồn đọng liên quan đến chính sách người có công.

6. Thêm 2 di tích quốc gia đặc biệt

Ngày 25.12.2017, Chính phủ đã quyết định xếp hạng di tích Văn miếu Mao Điền và di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật đền Xưa - chùa Giám - đền Bia (cùng huyện Cẩm Giàng) là di tích quốc gia đặc biệt.

Văn miếu Mao Điền được dựng lập năm 1800, có quy mô và lịch sử lâu đời đứng thứ hai, chỉ sau Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội). Di tích phối thờ nhiều bậc hiền nhân, đại khoa, nhà giáo mẫu mực như Nguyễn Trãi, Mạc Đĩnh Chi, Chu Văn An, Tuệ Tĩnh, Vũ Hữu, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thị Duệ...

Cụm di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Xưa - chùa Giám - đền Bia tuy được xây dựng vào những thời điểm khác nhau, nhưng đều liên quan đến cuộc đời Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh. Chùa Giám thuộc xã Cẩm Sơn, tương truyền có từ thời Lý, là nơi từng nuôi dưỡng Tuệ Tĩnh thuở ông còn nhỏ. Đền Xưa được khởi dựng vào khoảng thế kỷ XVII tại xã Cẩm Vũ thờ Đại danh y sau khi ông qua đời. Đền Bia thuộc thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn được xây dựng từ thời Lê, thờ tấm bia tương truyền được tiến sĩ Nguyễn Danh Nho đặt khắc theo nguyên mẫu tấm bia đặt trên mộ Tuệ Tĩnh bên Giang Nam (Trung Quốc).

Cùng ngày, hệ thống bia ma nhai động Kính Chủ ở di tích động Kính Chủ (Kinh Môn) và bia "Côn Sơn Tư Phúc tự bi" ở chùa Côn Sơn (Chí Linh) được công nhận là bảo vật quốc gia.

7. Đoàn Bá Tuấn Anh lập kỳ tích tại SEA Games 29

Tại SEA Games 29 ở Malaysia, tay vợt người Hải Dương Đoàn Bá Tuấn Anh đã ghi tên mình vào lịch sử của thể thao nước nhà khi cùng các đồng đội ở tuyển Việt Nam đánh bại Singapore với tỷ số 3 - 1 trong trận chung kết để lần đầu tiên nước ta giành huy chương vàng (HCV) nội dung đồng đội nam môn bóng bàn. Chiến thắng của Tuấn Anh và các đồng đội đã xóa bỏ "ách thống trị” của Singapore tại nội dung này suốt từ năm 1995 đến nay.

Ngoài tấm HCV danh giá tại đấu trường SEA Games, năm 2017, Tuấn Anh cùng đoàn Hải Dương giành HCV nội dung đồng đội tại Giải bóng bàn các đội mạnh toàn quốc năm 2017 tổ chức ở Đà Nẵng; HCV đồng đội tại Giải bóng bàn Double Fish 2017 tổ chức tại TP Hồ Chí Minh; huy chương bạc cá nhân tại Giải bóng bàn các tay vợt xuất sắc toàn quốc năm 2017 tổ chức tại Đắk Lắk…

8. Triệt phá số vụ ma túy nhiều nhất từ trước đến nay

Năm 2017, lực lượng công an toàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 1.442 vụ với 1.906 đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật về ma túy, tăng hơn 3 lần về số vụ và 2,8 lần số đối tượng so với năm 2016.

Đây cũng là năm cơ quan chức năng thu giữ lượng ma túy lớn nhất từ trước tới nay với hơn 4,1 kg heroin, hơn 8,3 kg ma túy tổng hợp. Nhiều vụ vận chuyển ma túy trọng lượng lớn bị triệt phá, như ngày 9.8, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) bắt vụ vận chuyển 5 bánh heroin. Ngày 21.12, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Công an tỉnh) bắt vụ vận chuyển 2 bánh heroin, 2 kg ma túy đá và gần 4.000 viên thuốc lắc...

9. Người chăn nuôi lợn gặp khó khăn

Năm 2017, giá lợn hơi xuất chuồng có thời điểm chỉ còn 16.000 đồng/kg. Đây là giá bán thấp nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Có thời điểm giá lợn hơi tăng trở lại, nhưng chỉ giống như tia chớp lóe lên rồi lại tắt. Thời điểm giá lên, phần lớn các hộ không còn lợn để bán. Nhiều hộ chăn nuôi phải bỏ chuồng, lâm vào cảnh khốn đốn, vỡ nợ.
Mặc dù các ngành chức năng đã có nhiều giải pháp gỡ khó cho người nuôi nhưng giá lợn vẫn ở mức thấp và kéo dài khiến ngành chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung thiệt hại nặng nề.

10. Dịch sốt xuất huyết lan rộng


Công tác dập dịch sốt xuất huyết đã được ngành y tế triển khai trên diện rộng

Tháng 7.2017, Hải Dương xuất hiện ca bệnh sốt xuất huyết (SXH) đầu tiên. Sau đó dịch đã lan rộng với những diễn biến hết sức phức tạp, trở thành đợt dịch SXH lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây. Dịch kéo dài đến tận cuối năm với 21 ổ dịch, hơn 740 trường hợp mắc, nghi mắc SXH, trong đó có hơn 470 trường hợp dương tính (bình quân những năm trước toàn tỉnh chỉ có 5-6 bệnh nhân mắc SXH/năm, không có bệnh nhân nội tỉnh).

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của tỉnh đã kịp thời, chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống SXH, cùng với sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương nên đã khống chế được dịch bệnh. Hải Dương không có tử vong do SXH.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    10 sự kiện nổi bật trong tỉnh năm 2017