Kinh Môn xây dựng phường

25/04/2019 07:39

Để được công nhận là thị xã, UBND huyện Kinh Môn cùng các cấp, ngành, các xã, thị trấn đang tập trung hoàn thiện các tiêu chí xây dựng phường.


Cải tạo hệ thống thoát nước tại thị trấn Kinh Môn

Sẽ có 14 phường, chiếm 61%

Theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25.5.2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, để được công nhận là thị xã, huyện đó phải có tối thiểu 50% số đơn vị hành chính được công nhận là phường. Huyện Kinh Môn hiện có 25 xã, thị trấn. Qua rà soát, đánh giá, huyện lựa chọn được 3 thị trấn: Kinh Môn, Phú Thứ, Minh Tân và 12 xã gồm: Long Xuyên, Hiến Thành, Thái Thịnh, An Phụ, Hiệp An, Hiệp Sơn, An Sinh, Thất Hùng, Duy Tân, Tân Dân, Phạm Mệnh, Thái Sơn để thành lập các phường. Riêng các xã Phạm Mệnh và Thái Sơn sẽ được sáp nhập thành phường Phạm Thái; xã Quang Trung và Phúc Thành sáp nhập thành xã Quang Thành. Thị trấn Kinh Môn sẽ được đổi tên thành phường An Lưu. Như vậy, huyện Kinh Môn sẽ có 23 phường, xã, trong đó có 14 phường, chiếm 61% tổng số đơn vị hành chính của huyện. Trong quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đô thị Kinh Môn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2035 của UBND tỉnh, 3 thị trấn và 12 xã trên được xác định là khu vực nội thị dự kiến của thị xã Kinh Môn.

Theo đánh giá, những xã được chọn để xây dựng thành phường đang phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp - thương mại - dịch vụ, phát triển mạnh các ngành nghề kinh doanh - thương mại, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp của các xã trên đã chiếm trên 70%. Tổng thu ngân sách hằng năm của các xã đều đạt và vượt chỉ tiêu huyện giao. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Các phường mới được thành lập sẽ là trung tâm tổng hợp, đầu mối giao thông có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng đông bắc tỉnh và khu vực lân cận. Việc thành lập các phường sẽ tạo điều kiện hơn nữa cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương theo hướng đô thị với dịch vụ, thương mại, công nghiệp là các ngành sản xuất chính. Về mặt quản lý nhà nước, chính quyền cấp phường sẽ có điều kiện đáp ứng tốt hơn những nhiệm vụ quan trọng khác như quản lý, thực hiện quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng, quản lý đất đai theo quy hoạch...

Việc thành lập các phường và đổi tên đơn vị hành chính cũng đã nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Qua tổ chức lấy ý kiến, đã có từ 98% số cử tri trở lên đồng ý với việc thành lập các phường, đổi tên thị trấn Kinh Môn, sáp nhập 2 xã Phạm Mệnh và Thái Sơn.

Tập trung xây dựng hạ tầng

Khó khăn lớn nhất của huyện Kinh Môn trong quá trình thành lập các phường nội thị là xây dựng hạ tầng đáp ứng các tiêu chí của đô thị. Ông Trần Văn Tuyên, Phó Trưởng Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Kinh Môn cho biết huyện đang tập trung hoàn thiện một số chỉ tiêu về hạ tầng đô thị như hệ thống thoát nước, đường giao thông, chiếu sáng... Đây là những hạn chế hiện nay.

Từ năm 2018 đến nay, UBND huyện Kinh Môn đã đầu tư trên 400 tỷ đồng để xây mới và cải tạo trên 130 công trình của huyện và các xã, thị trấn. Đến nay, nhiều công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt của nhân dân cũng như hoàn thiện các tiêu chí của phường và thị xã. Đó là nạo vét hệ thống thoát nước, lát vỉa hè và bổ sung đèn chiếu sáng 3 tuyến đường gồm Quang Trung, Nguyễn Trãi và Thái Bình của thị trấn Kinh Môn. Các tuyến giao thông quan trọng của huyện như đường ĐH 01, 02, 04... cũng được mở rộng, cải tạo vỉa hè hai bên, lắp đặt đèn chiếu sáng. Nhiều trung tâm hành chính các xã, thị trấn cũng được trồng thêm cây xanh, lát vỉa hè...

Ngoài quan tâm hỗ trợ của huyện, các xã, thị trấn cũng chủ động khai thác nguồn kinh phí xây dựng hạ tầng. Từ năm 2018 đến nay, xã Hiệp An đã đầu tư trên 40 tỷ đồng xây nhà lớp học mầm non 2 tầng với 10 phòng, trường tiểu học 3 tầng với 12 phòng, đường bao làng dài 800 m và công trình trụ sở làm việc của Đảng ủy, HĐND, UBND xã. Ông Hoàng Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Hiệp An cho biết: “Hiệp An là cửa ngõ đi vào huyện nên chúng tôi muốn tạo ấn tượng với người dân và du khách khi đến Kinh Môn. Khu quảng trường của huyện đặt trên địa bàn xã được thiết kế vừa là quảng trường vừa là điểm vui chơi, giải trí cho nhân dân. Khu đô thị sinh thái Thành Công sẽ tạo không gian sống trong lành cho người dân và mang dáng dấp của đô thị hiện đại. Ngoài ra, hệ thống đường giao thông, đèn chiếu sáng, thoát nước cũng đang dần được hoàn thành”.

Với những nỗ lực của các cấp chính quyền trong việc hoàn thiện các tiêu chí của thị xã, chắc chắn các xã, thị trấn được lựa chọn sẽ đáp ứng các tiêu chí của phường, góp phần hoàn thiện thị xã Kinh Môn trong thời gian tới.

NGỌC THỦY

(0) Bình luận
Kinh Môn xây dựng phường