Gỡ khó trong công tác luân chuyển, điều động cán bộ

09/05/2018 09:40

Một khó khăn cho công tác luân chuyển hiện nay là, cán bộ, công chức cấp huyện được luân chuyển về cơ sở khi quay trở lại cấp huyện, sẽ phải trải qua kỳ sát hạch mới được bổ nhiệm...


Phường Bình Hàn (TP Hải Dương) hiện có 3 cán bộ gồm: Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND và Phó Chủ tịch UBND phường là cán bộ luân chuyển

Số lượng cán bộ được luân chuyển còn thấp so với yêu cầu, nhất là luân chuyển ngang giữa khối chính quyền với khối Đảng, MTTQ và đoàn thể. Việc luân chuyển cán bộ từ cấp huyện về cơ sở công tác còn ít... là những hạn chế trong công tác cán bộ hiện nay.

Theo báo cáo của Tỉnh ủy, trong gần 8 năm từ 2010 đến tháng 10.2017, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã luân chuyển 74 lượt cán bộ; các huyện, sở, ban, ngành đã luân chuyển 162 lượt cán bộ. Như vậy, tính trung bình mỗi năm cả tỉnh mới có 29,5 lượt cán bộ được luân chuyển. Có huyện, từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay mới chỉ luân chuyển được 3 cán bộ từ cấp huyện xuống xã, thị trấn. 

Lý giải vấn đề này, một số huyện cho rằng sau đại hội, hầu hết các xã đều kiện toàn đủ đội ngũ cán bộ. Nếu luân chuyển, điều động cán bộ từ cấp huyện về cấp xã, thì sẽ phải điều động cùng lúc cán bộ xã về huyện. Vấn đề là, một cán bộ là trưởng, phó phòng, ban cấp huyện có thể nhận thử thách với vai trò là lãnh đạo cấp xã, nhưng không phải lãnh đạo xã nào cũng có thể đảm nhận vị trí trưởng, phó phòng, ban cấp huyện, nhất là với các phòng đòi hỏi chuyên môn sâu. 

Ở một góc độ khác, nhiều địa phương lại vướng bởi có thể điều động, luân chuyển cán bộ từ cấp huyện xuống cơ sở, nhưng khi muốn rút cán bộ về lại không còn vị trí, chưa biết bố trí vào đâu vì chỉ tiêu biên chế có hạn.  

Từ năm 2015, TP Hải Dương có 25 cán bộ được điều động, luân chuyển từ thành phố xuống cơ sở và giữa các phòng, ban. Hiện 2 trong số 25 đồng chí trong diện điều động, luân chuyển đã nghỉ hưu, còn 18 đồng chí đang ở cơ sở, đảm nhiệm các chức danh Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường, xã... 

Do sắp xếp lại tổ chức bộ máy nên thành phố đã sáp nhập Trung tâm Văn hóa và Trung tâm Thể dục, thể thao thành một đơn vị, đồng thời thực hiện việc Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy kiêm Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị thành phố. Theo kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) của Thành ủy, tới đây TP Hải Dương sẽ tiếp tục thực hiện các mô hình mới theo hướng kiêm nhiệm như Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy kiêm Trưởng Phòng Nội vụ; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy kiêm Chánh Thanh tra. Giảm đầu mối cơ quan và thực hiện kiêm nhiệm các chức danh cũng đồng nghĩa giảm số lượng cán bộ cấp trưởng, cấp phó của các cơ quan này. Trong khi vài năm tới, cán bộ đến tuổi nghỉ hưu sẽ ít, việc bổ nhiệm mới cán bộ ở các cơ quan quản lý cấp huyện đang tạm dừng, thì việc bố trí một vị trí tương đương cho đội ngũ cán bộ đang đi cơ sở quay về gặp khó khăn. Chưa kể, với 12 phòng chuyên môn thuộc khối chính quyền, UBND thành phố đang có 105 biên chế. Hầu hết các phòng đều có 1 trưởng phòng và 3 phó trưởng phòng (trừ Phòng Y tế). Nếu dự thảo sửa đổi Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 5.5.2014 của Chính phủ được thông qua, thì mỗi phòng chuyên môn của UBND cấp huyện sẽ có không quá 2 phó trưởng phòng. Như vậy chỉ riêng việc bố trí công việc cho số cán bộ cấp phó phòng dư ra cũng đã là một bài toán khó. Việc bố trí vị trí để cán bộ đi cơ sở quay về lại càng khó hơn.

Việc luân chuyển, điều động ngang giữa các cơ quan khối Đảng, đoàn thể với cơ quan khối nhà nước lại gặp khó do trình độ chuyên môn. Thực tế là một số cán bộ chỉ thực hiện nhiệm vụ chuyên ngành (ví dụ như tài chính kế hoạch, kinh tế hạ tầng…) nên khi luân chuyển sang lĩnh vực khác trái chuyên ngành đào tạo sẽ khó đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao. Ngược lại, cán bộ khối Đảng, đoàn thể không phải ai cũng có chuyên môn trong lĩnh vực tài chính, nông nghiệp, tư pháp... để chuyển sang làm việc trong khối nhà nước.

Bên cạnh đó, chế độ chính sách cho cán bộ luân chuyển hiện chưa có nên nhiều cán bộ luân chuyển đang chịu thiệt về phụ cấp, phụ cấp thâm niên nghề... Có cán bộ nguyên là Chánh Thanh tra huyện được luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy xã đã chịu thiệt gần 4 triệu đồng/tháng so với vị trí cũ. 

Thêm một khó khăn cho công tác luân chuyển hiện nay là, cán bộ, công chức cấp huyện được luân chuyển về cơ sở làm cán bộ chủ chốt cấp xã, khi quay trở lại cấp huyện, sẽ phải trải qua kỳ sát hạch mới được bổ nhiệm lại vào ngạch công chức. Tại các cuộc giao ban của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, một số Trưởng Ban Tổ chức cấp huyện cho rằng đây là thủ tục không cần thiết... 

Để tháo gỡ các khó khăn trên, giải pháp trước mắt mà Thành ủy Hải Dương thực hiện là cán bộ được tăng cường đi cơ sở, đang giữ vị trí cấp phó, nếu có triển vọng thì có thể phát triển tại chỗ; đối với các chức danh cấp trưởng sẽ thực hiện điều động về vị trí phù hợp khi có điều kiện. Các địa phương cũng kiến nghị bỏ quy định cán bộ, công chức cấp huyện được luân chuyển về làm cán bộ chủ chốt cấp xã phải sát hạch khi được điều động trở lại cấp huyện. Ban Tổ chức Tỉnh ủy cũng đang tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành quy định về luân chuyển cán bộ, tạo sự thống nhất trong toàn tỉnh…

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ khó trong công tác luân chuyển, điều động cán bộ