Đổi thay sau những tác phẩm báo chí

21/06/2021 06:00

Đối với người làm báo, khi tác phẩm của mình được công chúng đón nhận đã là một niềm vui. Niềm vui ấy còn nhân lên nhiều lần khi các tác phẩm báo chí tạo nên những hiệu ứng tích cực.


Cảnh tụ điểm tiêm chích ma tuý trong phóng sự truyền hình của nhà báo Đức Thiêm

Tỉ mỉ, công phu

Trong quá trình làm nghề, phóng viên Đức Thiêm (Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh) ấn tượng với những tác phẩm về tệ nạn ma túy. Gần đây, anh nhận được thông tin từ người dân phản ánh về một tụ điểm mua bán, tiêm chích ma túy ở một địa phương trong tỉnh. Khi nhận thông tin, anh Thiêm đã tìm hiểu, nắm bắt, khảo sát hiện trường và nghiên cứu cách thức ghi hình. Để có được hình ảnh ở đây không hề dễ dàng. Anh Thiêm xác định phải nhiều lần xuống cơ sở, nhập vai để có thể tiếp cận hiện trường. Với anh Thiêm, để thực hiện các tác phẩm báo chí phản ánh những vấn đề tiêu cực, gai góc cần phải có kế hoạch với các bước triển khai cụ thể; phải hết sức thận trọng ở các khâu, tìm hiểu thông tin chính xác, không được sai sót, hiểu rõ Luật Báo chí, vừa bảo vệ nguồn tin, vừa bảo đảm an toàn cho chính mình. Để có mặt tại khu vực nhạy cảm, quay được những hình ảnh thực tế tình trạng tiêm chích ma túy, anh Thiêm đã phải cải trang với nhiều hình thức, các phương tiện đi lại khác nhau. Có lúc anh trong vai thợ sửa chữa điện, có khi là người thu mua đồng nát, buôn bán hoa quả. Vì sợ bị trả thù nên không có người dân nào đồng ý trả lời phỏng vấn dù được cam kết sẽ làm mờ mặt, thay đổi giọng nói. Bằng nghiệp vụ báo chí, anh Thiêm đã phản ánh những bức xúc của người dân xung quanh tụ điểm tiêm chích này. Hơn 1 tháng với 5 lần xuống hiện trường, nhiều lần cải trang, dùng thiết bị ghi hình giấu kín, anh Thiêm đã hoàn thành phóng sự điều tra với những hình ảnh chân thật, sống động về tình trạng tiêm chích ma túy.

Khi phóng viên xác minh, phản ánh những sự việc phức tạp, liên quan đến tranh chấp giữa các bên thì điều quan trọng nhất là phải tìm được bản chất của sự việc. Gần đây, phóng viên Hoàng Biên (Báo Hải Dương) được giao xác minh đơn phản ánh của hàng chục lái xe buýt tuyến 207 Hải Dương - Bắc Ninh về một số mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh giữa các lái xe và công ty. Vụ việc kéo dài, phức tạp, các lái xe đã khởi kiện lên Tòa án Nhân dân tỉnh. Tòa cũng đã xét xử nhưng các lái xe vẫn không đồng tình và có ý định tiếp tục khởi kiện. Để tìm hiểu sâu vụ việc, anh Biên đã gặp các lái xe, chủ doanh nghiệp. Qua đó, anh biết nguyên nhân của những tranh chấp là do các lái xe không muốn tăng số lượng xe khai thác trên tuyến như ý định của chủ doanh nghiệp. Từ việc tìm hiểu rõ bản chất vụ việc, ghi nhận ý kiến các bên, tham khảo ý kiến luật sư, anh Biên đã phản ánh đầy đủ vụ này qua bài “Tuyến xe buýt Hải Dương - Bắc Ninh: Tranh chấp giữa lái xe và doanh nghiệp” trên báo Hải Dương số 11.5.


Với anh Thiêm, sự thay đổi sau mỗi phóng sự điều tra đã tạo động lực, giúp anh thêm yêu nghề báo

Hiệu ứng tích cực

Đối với phóng viên, tác phẩm có tác dụng làm thay đổi những sự việc theo hướng tích cực là niềm vui lớn. Sau khi bài báo của nhà báo Hoàng Biên được đăng tải đã thu hút hơn 200.000 người tiếp cận và gần 20.000 lượt tương tác trên fanpage của Báo Hải Dương. Đến nay, các bên cũng đã tiếp tục ngồi lại đàm phán, thỏa thuận, tìm tiếng nói chung để giữ ổn định kinh doanh. Các lái xe cũng không còn ý định kháng cáo và gửi đơn kiện đi nhiều nơi như trước.

Sau khi phóng sự điều tra của nhà báo Đức Thiêm được phát sóng, chính quyền địa phương đã chỉ đạo lực lượng công an xử lý triệt để tụ điểm tiêm chích ma túy, dọn dẹp các bơm kim tiêm mà con nghiện để lại, lắp đặt thêm biển cấm sử dụng trái phép chất ma túy. Anh Thiêm đã nhận được nhiều cuộc điện thoại, tin nhắn cảm ơn của người dân ở địa phương này khi cuộc sống của họ được trả lại bình yên. Với anh, đó chính là món “thù lao” tinh thần ý nghĩa, giúp anh thêm yêu nghề báo, trở thành động lực thôi thúc anh tiếp tục thực hiện những tác phẩm báo chí có tiếng nói và sức ảnh hưởng hơn nữa.

Phóng viên Nguyễn Lan (Báo Hải Dương) vẫn nhớ những bài báo phản ánh về các sai phạm ở Công ty TNHH Quảng Phong Việt Nam ở cụm công nghiệp Ngũ Hùng - Thanh Giang (Thanh Miện). Khi nhận được thông tin từ một số công nhân của công ty đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) bị nhiễm độc thiếc, chị đã làm việc, phỏng vấn người lao động. Tuy nhiên, sau đó do sợ mất việc nên những người này đã không muốn chia sẻ thông tin. Chị Lan đã phải nhiều lần thuyết phục họ. Chị hết sức thận trọng trong quá trình tác nghiệp, ghi âm, quay lại những hình ảnh thực tế, lưu giữ tin nhắn, tìm hiểu hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư, báo cáo đánh giá tác động môi trường... của công ty để phản ánh một cách chính xác. Khi bài báo của chị được đăng đã thu hút sự chú ý của dư luận. Các cơ quan chức năng đã vào cuộc, yêu cầu Công ty TNHH Quảng Phong Việt Nam dừng hoạt động nghiền liệu để làm rõ sai phạm. Công ty đã cho người lao động đi xét nghiệm để xác định nồng độ thiếc trong máu, tập trung khắc phục hạn chế về thực hiện pháp luật lao động; có các biện pháp khắc phục, cải thiện môi trường. Những thay đổi này cùng với các tin nhắn, cuộc gọi cảm ơn từ công nhân khiến chị Lan cảm thấy tự hào.

HUYỀN TRANG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đổi thay sau những tác phẩm báo chí