Khai hội truyền thống đền Cao

10/03/2018 18:50

Sáng 10.3, thị xã Chí Linh tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia quần thể di tích đền Cao và khai hội truyền thống năm 2018.


Các đồng chí lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh, thị xã Chí Linh dâng hương tại đền Cao

Các đồng chí: Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nguyễn Anh Cương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự. Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo đại diện một số sở, ban, ngành của tỉnh, thị xã Chí Linh, đông đảo nhân dân và du khách thập phương.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương trong việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa.


Màn trống hội mở đầu buổi lễ

Đồng chí Đặng Thị Bích Liên đề nghị tỉnh sớm có kế hoạch bảo tồn quần thể di tích đền Cao làm cơ sở cho việc bảo vệ và phát huy các giá trị di tích lâu dài; triển khai việc cắm mốc giới bảo vệ di tích, kiện toàn bộ máy quản lý, bảo vệ kiến trúc và các hiện vật của các di tích an toàn. Tăng cường tuyên truyền về giá trị lịch của quần thể di tích. Chú trọng tu bổ, tôn tạo các hạng mục đã và đang xuống cấp. Duy trì các nghi thức, nghi lễ ở các điểm di tích để biến di sản thành tài sản văn hóa của dân tộc. Khai thác hiệu quả tiềm năng từ các di tích...

Đền Cao nằm ở xã An Lạc (Chí Linh) là di tích lịch sử gắn liền với chiến công oai hùng của 5 vị tướng họ Vương có công phù giúp vua Lê Đại Hành đánh thắng giặc Tống xâm lược ở thế kỷ thứ X.


Đồng chí Nguyễn Đức Hóa, Chủ tịch UBND thị xã Chí Linh đánh trống khai hội truyền thống đền Cao năm 2018

Theo Ngọc phả do Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn mùa xuân năm Hồng Phúc thứ nhất (1572) vào thời tiền Lê có vợ chồng ông Vương Tĩnh và bà Đào Thanh ở trang Thạch Tuyền, huyện Nga Sơn, phủ Nga Trung, lộ Thanh Hóa kết duyên nhiều năm mà không có con.

Ông bà quyết định chu du thiên hạ, tìm nơi đất lành để làm ăn sinh sống. Đến Dược Đậu trang, huyện Bàng Châu, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương thấy dân phong thuần hậu, đất đai trù phú, cây cỏ tốt tươi nên ông bà ở lại lập nghiệp.

Công việc làm ăn phát đạt nhưng trong lòng ông bà luôn canh cánh nỗi buồn vì hiếm muộn. Ông bà thành tâm lập đàn cúng mong trời thương mà giáng phúc, lưu ân. Một thời gian sau, bà Đào Thanh có thai, sinh ra 5 người con mắt phượng, mày ngài, dung mạo khác người, đặt tên lần lượt là: Vương Đức Minh, Vương Đức Xuân, Vương Đức Hồng, Vương Thị Đào và Vương Thị Liễu.


Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên trao bằng xếp hạng di tích quốc gia quần thể di tích đền Cao cho tỉnh

Tháng 7 năm Canh Thìn (980), giặc Tống xâm lược nước ta, vua Lê Đại Hành thân chinh cầm quân đánh giặc. Đến Dược Đậu trang, thấy 5 anh em họ Vương tướng mạo phi thường liền cho thử tài ứng thí rồi lập tức tuyển dụng, phong cho 3 người con trai là "Quyền chưởng trung hoa tể Đại tướng" và 2 người con gái là "Mẫu nghi chí tôn thiên hạ".

5 vị tướng vâng lệnh vua, cầm quân đánh giặc Tống và nhanh chóng giành thắng lợi vẻ vang. Vua mở yến tiệc khao thưởng quân sĩ, triệu cả 5 vị tướng họ Vương về kinh ban thưởng nhưng vì đang để tang cha mẹ nên các ngài xin lui lại về sau. Không ngờ ý trời linh hóa, vào đêm ngày 23 tháng giêng, trời đất tối tăm, mưa gió ầm ầm, 5 vị tướng họ Vương cùng hóa về trời, di hài được mối đất đắp thành những ngôi mộ lớn ở vị trí các ngôi đền thờ tại quần thể khu di tích đền Cao ngày nay. Nhà vua hay tin liền sai các quan thần về làm lễ, truyền chỉ nhân dân lập đền thờ ở nơi các vị thánh hóa về trời, hương khói thờ phụng.

5 anh em họ Vương được Triều đình sắc phong: Thiên Bồng Đại tướng quân Đại vương, Dực Thánh linh ứng Đại vương, Anh Vũ dũng lược Đại vương; Đào Hoa trinh thuận công chúa; Liễu Hoa linh ứng công chúa.


Sau buổi lễ, các đại biểu và nhân dân tham dự nghi lễ rước bộ từ đền Cao về đình Lạc Đạo

Trải qua 1.000 năm, các ngôi đền thờ 5 vị Đức thánh họ Vương vẫn uy linh trầm mặc, trường tồn giữa vùng không gian văn hóa tâm linh đặc biệt. 12 đạo sắc phong, ngọc phả, hàng trăm bức hoành phi, câu đối, đại tự ca ngợi cuộc đời và sự nghiệp oai hùng, lẫm liệt của 5 vị Đức thánh... mãi lưu danh sử sách.

Quần thể di tích đền Cao được xây dựng trên nhiều vị trí khác nhau trong không gian rộng gần 1 km2. Các di tích dù đã trải qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc truyền thống, tạo thành một tổng thể kiến trúc hài hòa, có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật. Ngày 2.3.2018, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quần thể di tích đền Cao gồm 4 di tích: đền Cao, đền Cả, đền Bến Cả và đền Bến Tràng.

Lễ hội truyền thống đền Cao năm 2018 diễn ra từ ngày 9 - 11.3 (22 đến 24 tháng giêng). Lễ hội có nhiều nghi lễ truyền thống đặc sắc như lễ cáo yết, lễ mộc dục, tế khai xuân, rước kiệu, tế hội đồng, tế nghinh, tế rước bộ, lễ ban khước thánh... Phần hội có các hoạt động: thi giã bánh dày, nấu chè kho, liên hoan văn nghệ, múa rối nước, vật truyền thống.

TIẾN MẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khai hội truyền thống đền Cao