Chăm sóc người cai nghiện ma túy: Nghề nguy hiểm

14/07/2019 09:21

Để giúp người cai nghiện ma túy cắt cơn, các y, bác sĩ phải đối mặt với nhiều tình huống nguy hiểm bất ngờ. P

Y, bác sĩ ở Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh chăm sóc học viên cai nghiện

hải thực sự có trách nhiệm với nghề mới giúp họ vượt qua được nỗi sợ hãi, mang đến cơ hội làm lại cuộc đời cho những người cai nghiện.

Mọi thứ đều có thể trở thành hung khí

Ngồi tiếp chuyện chúng tôi trong phòng điều trị cắt cơn ở Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh (TP Chí Linh) vào một ngày đầu tháng 7 là chị Bùi Thị Thanh. Chị Thanh làm điều dưỡng ở cơ sở đã 9 năm. Công việc này giúp chị trở thành con người rắn rỏi hơn xưa. Chị bảo phải rắn rỏi, tỉnh táo để đối phó với những tình huống nguy hiểm bất ngờ mà học viên tạo nên. Chị Thanh kể: "Có lần tôi vào chăm sóc cho một học viên đã qua quá trình cắt cơn, tạm ổn định, tưởng không còn gì nguy hiểm. Vậy mà, không ai ngờ trước đó anh ta đã ăn trộm một chiếc bút viết và giấu ở dưới giường. Đợi lúc tôi sơ hở, anh ta lấy bút gí vào cổ dọa giết. Sau giây phút hoảng hốt ban đầu, tôi trấn tĩnh lại, phản xạ thật nhanh bẻ gãy bút của anh ta nên thoát nạn".

Theo anh Phạm Xuân Hưng, bác sĩ chuyên khoa I, Trưởng Phòng Y tế của cơ sở thì hầu hết các y, bác sĩ ở đây đều phải đối mặt với những tình huống nguy hiểm do học viên gây ra. Những ngày đầu điều trị cắt cơn là khoảng thời gian khó khăn nhất đối với học viên về cả thể xác lẫn tinh thần. Trước đây, họ quen sống tự do, giờ phải ở trong phòng khiến họ vốn đã bứt rứt vì thiếu thuốc lại càng trở nên khó chịu. Điều đó đôi khi khiến các học viên trở nên hung hãn, ảo tưởng. Họ dùng tất cả những thứ trong tầm tay mình để tấn công y, bác sĩ chăm sóc. "Có trường hợp, khi chúng tôi vừa hé cửa bước vào phòng liền bị học viên lao ra xô ngã để bỏ chạy. Dù khá đau đớn nhưng ai cũng vội vã đứng lên đuổi theo. Nếu để họ chạy thoát sẽ gây nguy hiểm cho những người khác. Thậm chí có học viên còn giả vờ ngủ rồi đột ngột vùng dậy dùng cán chổi, gậy bằng sắt treo bình truyền nước đuổi đánh y, bác sĩ... Vậy nên bây giờ chúng tôi phải cẩn thận treo bình truyền nước lên cửa sổ, cất tất cả mọi thứ có thể trở thành hung khí tấn công", anh Hưng chia sẻ.

Bác sĩ lương tâm

Phải tận mắt chứng kiến các y, bác sĩ ở Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh điều trị cắt cơn cho học viên mới thấu hiểu được tinh thần trách nhiệm với nghề của họ. Anh Phùng Danh Nhương, Phó Giám đốc cơ sở cho biết ở đây hiện có 22 y, bác sĩ chăm sóc tại phòng điều trị cắt cơn cho học viên, trong đó có 2 bác sĩ chuyên khoa, còn lại là y sĩ. Do đặc thù công việc, nhân viên ở bộ phận này chia thành 2 ca, trực 24/24 giờ. Các y, bác sĩ ở đây trực rất căng thẳng, lúc nào cũng phải quan sát camera giám sát các phòng điều trị cắt cơn. Chỉ cho chúng tôi xem một học viên đang ngồi trên giường với những biểu hiện khá ngáo ngơ, chân không ngừng giơ lên, đạp xuống một cách vô thức, anh Nhương bảo: "Khi mới vào, học viên có biểu hiện ngáo, ảo tưởng thì dễ gây nguy hiểm cho người khác. Khi điều trị cắt cơn tạm ổn định, họ có thể nhận biết thì lại phát sinh tâm lý chán chường. Không ít học viên lúc này sẽ nảy sinh suy nghĩ tiêu cực, tìm đến cái chết. Do đó, chỉ cần cán bộ trực lơ là thì không biết hậu quả sẽ như thế nào?".

Đến với cơ sở, mỗi học viên có một mảnh đời khác nhau. Bởi những lỗi lầm gây ra nên có người đã "tan cửa, nát nhà", sức khỏe suy kiệt. Hiện ở cơ sở có 33 học viên nhiễm HIV, 5 học viên bị lao, phổi và nhiều người mắc viêm gan B, C... Điều trị cắt cơn cho học viên bình thường vất vả một thì với những người mắc bệnh còn khổ hơn rất nhiều. Những người nghiện ma túy, sức đề kháng của cơ thể rất kém. Do đó, khi điều trị cắt cơn sẽ khiến cho tình trạng bệnh tật càng trầm trọng. Để học viên có sức khỏe tốt, các y, bác sĩ ở đây không quản ngại sử dụng bất kỳ phương thức nào. Theo anh Nhương, từng có trường hợp học viên vào đây theo diện bắt buộc, bị lao phổi trầm trọng phải điều trị theo phác đồ riêng không thuộc diện được hỗ trợ. Gia đình học viên này lại rất khó khăn không thể chu cấp. Các y, bác sĩ đã bàn bạc, thống nhất cử người lên núi hái thuốc nam về sắc cho học viên uống phục hồi sức khỏe, sau đó tiếp tục điều trị cắt cơn.

Tháng 10.2018, anh Phạm Đức Lâm (thị trấn Nam Sách) vào cai nghiện ở cơ sở theo diện bắt buộc. Khi ấy anh Lâm ngoài nghiện ma túy còn bị lao kháng thuốc, ho ra máu, cơ thể gầy gò. Cơ sở đã phải cử nhân viên đưa anh Lâm đi bệnh viện tuyến trên cấp cứu, chăm nom. Gần 8 tháng trôi qua, các nhân viên ở cơ sở vẫn chăm lo cho anh Lâm từ bữa ăn, giấc ngủ mong mang đến cho anh chút tình người ấm áp sau quãng thời gian  lầm đường lạc lối. Khi chúng tôi đến thăm, anh Lâm xúc động nói: "Bệnh tình của tôi trầm trọng là thế nhưng nhờ sự chăm lo của cán bộ ở cơ sở tôi đã tăng từ 42 lên 49 kg, người khỏe lên rất nhiều. Giờ tôi đã sống lạc quan và tin vào cuộc sống".

Công việc nguy hiểm, áp lực cộng với thu nhập còn eo hẹp nên đồng chí Phó Giám đốc cơ sở cho biết không có một bác sĩ nào học chính quy nộp hồ sơ vào đây. Hiện 2 bác sĩ ở cơ sở đều được đào tạo từ nguồn cán bộ sẵn có. Mong muốn của đội ngũ y, bác sĩ nơi đây là thường xuyên được quan tâm, đầu tư nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Cơ sở đang rất cần cán bộ chuyên môn vận hành các thiết bị như máy siêu âm, máy chụp X-quang đã sẵn có để phục vụ tốt hơn cho công tác chăm lo cho học viên cai nghiện.

THANH NGA

(0) Bình luận
Chăm sóc người cai nghiện ma túy: Nghề nguy hiểm