Thận trọng khi tái đàn lợn

05/06/2018 19:27

Những ngày qua, giá lợn thịt liên tục tăng mạnh, nhiều hộ chăn nuôi tập trung tái đàn với hy vọng gỡ vốn. Ngành chức năng khuyến cáo người dân nên thận trọng khi tái đàn.


Giá lợn giống tăng cao do nhiều hộ chăn nuôi đang tái đàn

Giá tăng cao

Cách nay gần 2 tuần, bà Nguyễn Thị Hồng Nhạn ở thôn Phạm Lý, xã Ngô Quyền (Thanh Miện) xuất chuồng hơn 2 tấn thịt lợn với giá 49.000 đồng/kg, thu lãi khoảng 1,5 triệu đồng/tạ. Trang trại của bà còn 12 con lợn nái và gần 100 lợn thịt sắp được xuất chuồng. Hiện giá lợn đã tăng lên 53.000 đồng/kg, với giá đó, bà sẽ thu lãi gần 2 triệu đồng/tạ lợn. Theo bà Nhạn, giá lợn thịt đang tăng từng ngày làm cho người chăn nuôi phấn khởi. Nhiều hộ chăn nuôi tìm mua lợn giống để tái đàn nhưng cũng khó khăn do không có nhiều. Các trang trại chăn nuôi lớn đều tăng quy mô đàn lợn thịt. "Ở thời điểm này, nếu trang trại tự sản xuất được giống, chủ động thức ăn thì người chăn nuôi có thể lãi gần 2 triệu đồng mỗi tạ lợn bán ra. Giá lợn tăng nhưng nhiều người lại buồn vì đã bán tống, bán tháo lúc giá lợn rẻ", bà Nhạn cho biết.

Giá lợn thịt tăng kéo theo nhu cầu về con giống cũng tăng vọt. Theo ông Nguyễn Văn Triển ở thôn Vũ Xá, xã Thượng Vũ (Kim Thành) - một chủ trang trại cung cấp con giống thì đầu tháng 5, mỗi con lợn giống chỉ 700.000 đồng, nhưng từ nửa cuối tháng 5 đã tăng lên gần 1 triệu đồng. Lợn giống không những tăng giá mà còn "sốt hàng" do khi giá lợn xuống thấp, nhiều trang trại loại bỏ đàn lợn nái kém chất lượng làm số lượng lợn con sụt giảm. Các trang trại lớn giữ lại lợn giống để tái đàn nên không còn lợn bán ra ngoài. Ông Triển cho biết: "Trang trại nhà tôi nuôi 30 con nái ngoại, bình thường đủ cung cấp lợn giống cho các hộ chăn nuôi trong và ngoài xã nhưng hiện nay không đủ để bán".

Không tăng quy mô đàn

Theo ông Trần Quốc Hoa, một hộ chăn nuôi lâu năm ở thôn Phạm Lý, xã Ngô Quyền (Thanh Miện), giá thịt lợn hơi hồi phục là do số hộ nuôi lợn nhỏ lẻ "treo chuồng" làm cho nguồn cung giảm nên giá lợn tăng trở lại. Thị trường xuất khẩu tiểu ngạch cũng tác động ít nhiều khi Campuchia và Trung Quốc tiêu thụ nhiều thịt lợn hơn trước.

Trước nguy cơ người chăn nuôi sẽ tái đàn ồ ạt khi giá tăng, ông Hoa cho rằng tình trạng này không đáng lo ngại. Ông Hoa phân tích, cuối năm 2017, nhiều hộ chăn nuôi đã bán tháo đàn lợn với giá rẻ vì càng nuôi càng lỗ. Hiện giá lợn giống tăng cao, nhiều hộ đã cụt vốn nên không có sức để tái đàn. Ngoài các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn, chỉ còn một số trang trại công nghiệp có đầu ra ổn định mới đủ sức trụ lại đến giờ. Hơn nữa, nguồn lợn giống trong dân và trang trại lợn giống không còn nhiều để người nuôi tái đàn ồ ạt như trước.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản chỉ đạo việc kiểm soát tăng đàn lợn. Theo đó, UBND cấp huyện phải thống kê số đầu lợn nái và lợn thịt trên địa bàn, kịp thời khuyến cáo các thông tin về thị trường và quy mô đàn lợn để người chăn nuôi biết và có giải pháp điều chỉnh chăn nuôi phù hợp. Không khuyến khích tăng quy mô đàn lợn. Theo đánh giá của ngành chức năng, quy mô đàn như hiện nay là phù hợp, người chăn nuôi cần tăng năng suất sinh sản và năng suất lợn thịt là có thể đáp ứng nhu cầu thị trường.

Bà Phạm Thị Đào, Phó Trưởng Phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khuyến cáo: "Nhu cầu tiêu thụ thịt lợn các tháng mùa hè sẽ giảm. Đồng thời, giá thức ăn chăn nuôi sẽ tăng do các loại nguyên liệu chính như đậu tương, ngô và các loại thức ăn bổ sung nhập khẩu tăng cao. Thời tiết trong các tháng mùa hè thay đổi rất phức tạp, có nguy cơ xảy ra dịch bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Nếu chăn nuôi ồ ạt và không có kiểm soát thì người chăn nuôi sẽ bị thiệt hại và rơi vào khủng hoảng thừa như trước".

Để chăn nuôi có hiệu quả, các hộ dân khi tái đàn cần tìm hiểu kỹ nhu cầu của thị trường, áp dụng tiến bộ, kỹ thuật để tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm; liên kết với các doanh nghiệp chế biến và hình thành các chuỗi liên kết trong tiêu thụ thịt lợn.                                                                            

TRẦN HIỀN

(0) Bình luận
Thận trọng khi tái đàn lợn