Nông nghiệp - Nông thôn

Cần chú ý gì khi tái đàn vật nuôi cuối năm?

NGUYỄN MINH ĐỨC (Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh) 15/11/2023 11:36

Trong thời gian qua, dịch bệnh trên đàn vật nuôi vẫn diễn biến phức tạp, các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát trở lại nhất là ở những địa phương còn chăn nuôi nhỏ lẻ, tỷ lệ tiêm phòng thấp, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.

z4834954316531_5dce66b7d64ba4ac2b51223ef05cd2f6.jpg
Người nuôi cần chú ý không nuôi chung nhiều loại cùng một lúc. Ảnh: Trần Hiền

Hiện nay, người chăn nuôi đang tái đàn phục vụ nhu cầu cầu thực phẩm cuối năm. Trong điều kiện dịch bệnh phức tạp như hiện nay người chăn nuôi thực hiện tốt một số nội dung sau:

- Đối với con giống: Khi mua con giống, cần đến những cơ sở con giống bảo đảm an toàn dịch bệnh, nguồn gốc rõ ràng, được tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine. Tuyệt đối không mua giống ở nơi vừa xảy ra dịch. Trong quá trình vận chuyển, cần bố trí phương tiện vận chuyển chuyên dụng. Trước và sau khi vận chuyển đàn giống, phương tiện cần được khử trùng tuyệt đối. Con giống nhập về thực hiện nuôi cách ly ít nhất 2 tuần để theo dõi tình trạng sức khỏe. Ghi chép đầy đủ các thông tin về đàn giống vào sổ chăn nuôi, như ngày tháng nhập, địa chỉ nơi cấp giống, lịch tiêm phòng…

- Đối với thức ăn: Nguồn thức ăn nguyên liệu phục vụ cho chăn nuôi được kiểm soát tốt bảo đảm có chất lượng, không nhiễm mầm bệnh. Không cho ăn thức ăn thừa của người khi chưa được nấu chín. Khi nhập thức ăn và nguyên liệu cần bảo quản tại kho chứa riêng, không để vào trong các dãy chuồng nuôi.

- Đối với chuồng nuôi: Chuồng nuôi cần có hệ thống hàng rào, có ranh giới tách biệt giữa khu chăn nuôi và khu sinh hoạt của con người, không nuôi chung nhiều loại cùng một lúc. Thường xuyên ki ểm soát nghiêm ngặt người và phương tiện ra vào chuồng.

- Vệ sinh làm sạch và sát trùng: Hằng ngày, vệ sinh trong và ngoài chuồng nuôi; thu gom, xử lý toàn bộ rác, chất thải để xử lý định kỳ 1 tuần/1 lần. Khi có khách đến tham quan hoặc lái buôn ra vào trại phải thực hiện khử trùng người, phương tiện và chuồng nuôi. Ghi chép đầy đủ các thông tin liên quan đến việc khử trùng vào sổ để theo dõi, kiểm tra.

- Đối với chuồng nuôi vừa xảy ra dịch bệnh: Tiến hành quét dọn, thu gom toàn bộ rác, chất thải chăn nuôi, phân, chất độn chuồng và tiêu hủy bằng cách đốt, vệ sinh cơ học chuồng nuôi, khuôn viên trại; phun thuốc sát trùng 1 lần/ngày bằng các loại hóa chất như Benkocid, Omnicide, Han Iodine, Virkon, Povi dine theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Rải vôi bột hoặc phun dung dịch vôi 1% lên toàn bộ bề mặt chuồng trại như nền chuồng, lối đi, hành lang, cống rãnh, đường vào trại… bảo đảm bề mặt phải được phủ trắng vôi các dụng cụ chăn nuôi, quần áo bảo hộ sử dụng 1 lần nên tiêu hủy bằng cách đốt.

Các bụi, cỏ dại trong trại, khu vực xung quanh phải được chặt bỏ, đốt cháy hoàn toàn. Cần nạo vét, khơi thông cống rãnh, dùng vôi bột rải lên toàn bộ bề mặt cống rãnh chủ động các biện pháp diệt ruồi muỗi, diệt chuột và các côn trùng khác.

- Xử lý chất thải: Cần có biện pháp thu gom và xử lý chất thải phù hợp với điều kiện chăn nuôi bằng các giải pháp như sử dụng hệ thống biogas, ủ phân vi sinh hoặc dùng đệm lót sinh học. Khi có vật nuôi chết, tiêu hủy bằng phương pháp đốt cháy hoàn toàn hoặc chôn rải vôi bột, khử trùng theo đúng quy định thú y.

Định kỳ tiêm phòng vaccine và chủ động giám sát chặt chẽ tại cơ sở chăn nuôi. Khi có biểu hiện vật nuôi ốm chết không rõ nguyên nhân, bà con báo ngay cho cơ quan thú y và chính quyền địa phương phối hợp xử lý tìm nguyên nhân gây bệnh.

NGUYỄN MINH ĐỨC (Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần chú ý gì khi tái đàn vật nuôi cuối năm?