Mở "cánh cửa" việc làm cho lao động khuyết tật

15/05/2018 07:27

Trong khi nhiều doanh nghiệp, cơ sở còn e dè, không muốn nhận người khuyết tật vào làm việc thì vẫn có một số "cánh cửa" lại sẵn sàng mở ra.


Bạn Thịnh, chị Loan (thứ nhất và thứ hai từ trái sang) tích cực làm việc để tự lập trong cuộc sống

Khi có cơ hội, những người khuyết tật luôn nỗ lực làm việc.

Sau nhiều năm sống dựa vào gia đình, tháng 8.2017, chị Phạm Thị Loan (sinh năm 1984, ở xã Nguyên Giáp, Tứ Kỳ) được nhận vào thử việc tại cơ sở may áo dài Bảo Hân (phường Lê Thanh Nghị, TP Hải Dương). Công việc của chị là đính cườm cho những chiếc áo dài. Chị Loan cho biết: "Nơi làm việc có chỗ ở cho người ở xa nên tôi không phải đi về hằng ngày. Tôi thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn rất nhiều". Chị Loan bị dị tật bẩm sinh, lưng vẹo, người lệch, vận động khó khăn nên trước đây chị không tìm được công việc phù hợp. Nay yên tâm gắn bó với công việc này, sau khi trừ chi phí ăn, ở, mỗi tháng chị còn khoảng 3 triệu đồng.

Nguyễn Thị Thịnh (sinh năm 2001, ở xã Hoành Sơn, Kinh Môn) cũng đang làm công việc đính cườm tại cơ sở may áo dài Bảo Hân. Thị lực của Thịnh chỉ còn khoảng 1/10 nên hiệu suất làm việc không cao. Những nhân viên khác đính 1 chiếc áo dài trong khoảng 2-3 ngày thì Thịnh phải mất hàng tuần. Dù vậy Thịnh vẫn tích cực làm việc nên được nhận mỗi tháng 2,5 triệu đồng sau khi trừ chi phí ăn, ở.

Anh Hoàng Phi Nam, chủ cơ sở may áo dài Bảo Hân cho biết có thời điểm cơ sở của anh có 7 lao động khuyết tật. Những người khuyết tật này làm việc rất chăm chỉ, tích cực, năng suất tương đối khá. Vì vậy, anh sẵn sàng tạo việc làm cho người khuyết tật khi họ có quyết tâm vượt lên hoàn cảnh.

Bị câm, điếc bẩm sinh nhưng Bùi Duy Dũng (sinh năm 2001, ở phường Lê Thanh Nghị, TP Hải Dương) đã được cửa hàng cắt tóc Xuân Huy ở đường Nguyễn Lương Bằng (TP Hải Dương) nhận vào làm việc. Do khéo tay từ nhỏ nên khi được đào tạo, Dũng nhanh chóng bắt nhịp với công việc, trở thành thợ cắt tóc của cửa hàng. Anh Phạm Văn Hoạt, Phó Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân tạo mẫu tóc trẻ Xuân Huy cho biết doanh nghiệp đang tạo việc làm cho 5 người khuyết tật ở TP Hải Dương và huyện Kinh Môn. Sau khi trừ chi phí ăn trưa, thu nhập của mỗi người từ 3-4 triệu đồng/tháng. Họ được hưởng các chế độ hỗ trợ thu nhập, du lịch, thưởng ngày lễ, Tết... giống như những lao động khác. Khi những người khuyết tật đủ thời gian làm việc theo quy định, doanh nghiệp sẽ tham gia đóng bảo hiểm xã hội cho họ.

VIỆT QUỲNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mở "cánh cửa" việc làm cho lao động khuyết tật