Nhớ mùa phơi thóc...

13/07/2018 16:05

Nhìn từ trên cao, “biển” thóc ăm ắp một màu vàng óng ánh, trải đều trên khoảng xi măng đan chéo sân trường như dải lụa mềm thắt thành hình chữ điền.

Ngày xưa căn nhà cũ của tôi nằm ngay sau ngôi trường làng cấp hai. Trước nhà là cái giếng gạch quanh năm rêu phủ, nằm dưới tán sung già quả tím, quả xanh chi chít trên thân cây. Men theo lối nhỏ từ giếng ra là con đường đất dẫn tới cánh cổng sắt sau trường. Cánh cổng tạm bợ lâu năm bị nắng mưa làm hoen gỉ chỉ khép hờ mà không khóa. Mùa hè học trò được nghỉ, sân trường vắng tanh, chỉ có gốc me già đứng chơ vơ trước phòng giám thị. Buổi chiều, gió từ cánh đồng thổi vào trường lồng lộng, những đứa trẻ quê lại khe khẽ mở cánh cổng ấy, ngang qua khu tập thể vào tụ tập trong sân cỏ xanh của trường. Chúng tôi bày ra đủ thứ trò, nào là chọi gà, thả diều rồi bịt mắt bắt dê... Sân trường rộng, giữa đám cỏ mọc ken dày trên những khoảng đất là bề mặt xi măng được trạt như ô vuông bắt chéo. Nhà tôi chỉ có mảnh sân nhỏ ở trước giàn mướp nên sân trường được tận dụng để phơi thóc sau mỗi mùa thu hoạch. Chiều nay, đi ngang qua con đường phơi đầy thóc mới còn thơm mùi hương dân dã đồng nội, lòng tôi lại quay quắt nhớ những ngày cùng mẹ phơi thóc ở sân trường...

Hồi ấy trường làng chưa được xây lại bề thế và có hàng rào bao quanh vững chắc như bây giờ. Tôi thường đi tắt ngang con đường băng qua trường để xuống xóm dưới mỗi lần mẹ sai đi mua mấy thứ đồ lặt vặt. Hè về cũng là thời điểm mùa gặt bắt đầu, mẹ sang nhà bác bảo vệ trường xin được phơi thóc ở khoảng sân xi măng rộng rãi, thoáng mát. Vô vàn hạt thóc vàng óng đổ ra từ những bao thóc được cha và anh cả dồn vào hôm thu hoạch. Những hạt thóc còn thơm mùi đất, mùi bùn ngai ngái quyện giữa hương sữa gạo ngòn ngọt. Ban đầu mẹ phải quét sạch hết bụi bẩn và lá khô rụng lưa thưa ở khoảng sân, rồi mới trải đều thóc ra thành một lớp không quá dày. Từ 8 giờ sáng nắng đã lên ửng vàng, nắng phóng khoáng chảy tràn hong khô những hạt thóc chắc mẩy. Nhìn từ trên cao, “biển” thóc ăm ắp một màu vàng óng ánh, trải đều trên khoảng xi măng đan chéo sân trường như dải lụa mềm thắt thành hình chữ điền. 

Người dân quê tôi hay kháo nhau rằng được mùa xoài, mất mùa thóc. Có năm cả làng xoài ra trĩu quả, trái chín ửng vàng thơm hương ngào ngạt, thì cánh đồng lại oằn mình chịu đựng những đợt rầy nâu, hạn hán đất đai cằn cỗi, thóc lép mất mùa. Có năm thì ngược lại, xoài thưa thớt quả mà lúa thóc lại trĩu hạt, sân trường làng được gia đình tôi xin làm nơi phơi phóng. Cha mẹ tôi phải tranh thủ trải thóc ra phơi từ lúc đọt nắng còn non, chưa vào độ chói gắt. Thóc phơi thành lớp đều đặn, nằm chờ những ngọn nắng đầu tiên buông xuống, bay nhảy luồn lách hong khô. Xong xuôi, cha vội vàng đội nón đi làm, còn mẹ về lo liệu việc nhà, bếp núc. Nhiệm vụ trông coi số thóc đang phơi được giao lại cho tôi.

Muốn thóc khô đều thì phải thường xuyên đảo thóc lên theo từng đường cào. Cha làm cho tôi cây cào thóc bằng tấm gỗ cũ hình chữ nhật hơi dài, ở trên đầu cha đục một cái lỗ đủ rộng để tra cán vào. Cán được làm bằng khúc tre dài tầm hơn một thước, nhỏ vừa đủ tay cầm. Cũng có thể đảo thóc bằng cây cào đất với nhiều đầu nhọn như răng lược. Tôi bước chầm chậm trên thảm thóc, tay kéo theo cây cào để thóc được trộn đều theo từng bước chân tạo thành đường thẳng tắp. Đầu hạt thóc cứa vào chân tôi nhồn nhột, tôi lắng tai nghe tiếng thóc xào xạc reo vui trên mỗi đường cào. Cứ đảo hết một khoảng sân tôi lại vào mái hiên ngồi nghỉ mệt, vừa phe phẩy cái quạt mo cau vừa đuổi lũ chim sẻ hay sà xuống mổ thóc trộm.

Mỗi khi trời kéo mây mù báo hiệu sắp mưa, mẹ lại tất tả cùng tôi cào thóc vào tấm bạt mỏng rồi đổ vào bao, để thóc khỏi ướt dễ bị lên men, nấm mốc. Có hôm tôi ham chơi còn mẹ thì đang lụi cụi thổi cơm, trời mưa bất ngờ, thóc đang phơi cào vào không kịp nên bị ướt gần hết. Mẹ nhìn mưa mà thở dài xót xa, khóe mắt trĩu đầy lo âu mong trời mau hửng nắng. Tấm áo cũ ướt nhẹp nước mưa trộn với mồ hôi trên lưng mẹ. Thế mới biết để có được hạt gạo trắng thơm đâu phải việc dễ dàng...

Thóc phơi được khoảng bốn, năm bận nắng thì chắc mẩy, khô ráo tinh tươm. Tiền bán thóc mẹ dành dụm để trang trải cuộc sống hằng ngày, sắm sửa áo quần, sách vở cho tôi trong năm học mới. Thời gian mải miết trôi, tôi xa quê mang theo bao ký ức vui buồn cùng những hạt thóc vàng ươm một thuở. Gia đình tôi chuyển đi nơi khác sinh sống, những mùa phơi thóc ở sân trường làng cũng lui vào kỷ niệm. Trong mỗi bữa cơm, dù tôi đã từng ăn nhiều loại gạo được rao bán trên thị trường, nhưng sao tất cả đều không ngon bằng những hạt gạo ngày xưa. Từng hạt gạo trắng ngần là kết tinh của tình yêu thương một thời gian khó...

Tản văn của TRẦN VĂN THIÊN

(0) Bình luận
Nhớ mùa phơi thóc...