Chuyện vui về nhà thơ Phùng Quán

01/04/2018 09:24

Tôi từng được gặp nhà thơ Phùng Quán khi Hội Văn học nghệ thuật Hải Hưng mời ông về nói chuyện sáng tác với lớp bồi dưỡng năng khiếu văn học trẻ.

Tôi từng được gặp nhà thơ Phùng Quán khi Hội Văn học nghệ thuật Hải Hưng mời ông về nói chuyện sáng tác với lớp bồi dưỡng năng khiếu văn học trẻ. Tên tuổi nhà thơ tôi đã biết qua tiểu thuyết “Vượt Côn Đảo”, nhưng ấn tượng nhất là bài thơ “Hôn” với những câu thơ tha thiết nhưng vẫn đầy trách nhiệm công dân: Khi người ta yêu nhau/Hôn nhau trong say đắm/Còn anh, anh yêu em/Anh phải đi ra trận/Yêu nhau ai không muốn/Gần nhau và hôn nhau/Nhưng anh, anh không thể/Hôn nhau trong tủi sầu…

Ngày về Hải Hưng, nhà thơ là một ông già tóc búi với bộ quần áo bà ba màu cháo lòng, đeo bị cói, trong đó có cái điếu cày, chân đi guốc… Không chỉ nói chuyện về sáng tác văn thơ mà ông còn đưa cả bộ phim chuyển thể từ tác phẩm “Tuổi thơ dữ dội” của ông ra chiếu, được cả lớp hào hứng đón nhận.

Trong câu chuyện vui ngoài lề, ông rất cởi mở và cũng hé lộ về cái tích nhà thơ “cá trộm, văn chui, rượu chịu”. Chả là sau khi rời quân ngũ, ông và vợ là nhà giáo Bội Trâm, dạy tại Trường Chu Văn An (Hà Nội) sống rất nghèo trong cái chòi bên cạnh hồ Tây nên vẫn phải câu cá để cải thiện bữa ăn hằng ngày. Ông lại nghiện thuốc lào và nghiện rượu nên đã là con nợ của nhiều chủ quán rượu quanh hồ. Có lần, một thủy thủ tàu viễn dương đến “tán” con gái nhà thơ đã biếu ông nửa bao thuốc lá ba số 5 (thời đó rất quý). Ông cũng phải mang đổi thuốc lấy mấy bữa rượu.

Ngày Phùng Quán vào Huế viết tập 3 tiểu thuyết “Tuổi thơ dữ dội” rồi mải vui với bạn bè lâu lâu không ra. Bà Bội Trâm cũng là một người hay thơ, nhớ chồng, phải nhờ người ghé qua tìm và gửi theo một bài thơ: 

“Chòi trống im lìm, khách ngẩn ngơ
Bình khô, rượu cạn, điếu chăng tơ
Bao giờ điếu lại reo êm ái
Nhà rộn tiếng cười, ấm giọng thơ?”


Xem thơ rồi, Phùng Quán lập tức trở về Hà Nội. 

TRỌNG NGUYỄN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chuyện vui về nhà thơ Phùng Quán