Đại biểu đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển các tuyến đường kết nối các khu sản xuất, các vùng đầu tư dự án lớn.
>> HĐND tỉnh đang xem xét nhiều báo cáo, tờ trình quan trọng
>> Khai mạc Kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh Hải Dương khóa XVI
Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn Nguyễn Thị Liễu đề nghị tỉnh cần có dự án chỉ định hoặc thu hút đầu tư bãi rác thải, xử lý tập trung
Tại Kỳ họp lần thứ 15 HĐND tỉnh khóa XVI nhiệm kỳ 2016-2021, trong phiên thảo luận tổ chiều 22.12, nhiều đại biểu đề nghị tỉnh cần sớm có giải pháp tháo gỡ những khó khăn cho cấp huyện và cơ sở, trong đó có vấn đề xử lý rác thải ở nông thôn.
Sớm hướng dẫn sử dụng trụ sở xã sau sáp nhập
Nhận định nếu tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát thì ngân sách tỉnh sẽ tránh được hụt thu lớn, đồng chí Nguyễn Năng Hoàn, Tỉnh ủy viên, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh đề nghị khi tình hình thu ngân sách khả quan, tỉnh cần sớm tháo gỡ việc giữ lại 50% tiền tăng thu sử dụng đất đối với ngân sách cấp huyện để tạo điều kiện cho các địa phương đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Đồng chí Nguyễn Hữu Nam, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Bình Giang đề nghị tỉnh cần có sự quan tâm, chỉ đạo đồng bộ để huyện bứt phá, bảo đảm xây đựng thành động lực phía Tây của tỉnh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Huyện đang thu hút đầu tư khu công nghiệp Phúc Điền mở rộng, khu công nghiệp 2 bên đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng; xây dựng trung tâm hành chính công ra vị trí mới nên tỉnh cần tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ về nguồn lực. Tỉnh cũng cần bổ sung, đưa đầu tư xây dựng cầu Cậy vào danh mục đầu tư công của tỉnh vì ngân sách của huyện chỉ đáp ứng được một phần.
Nêu một số khó khăn của địa phương, đồng chí Trịnh Văn Thiện, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Hà đề nghị trong giai đoạn 2021-2030, để các địa phương phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra thì tỉnh cần có cơ chế đặc thù với các huyện còn khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế để theo kịp các địa phương khác.
Đồng chí Nguyễn Đình Tranh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển các tuyến đường kết nối các khu sản xuất, các vùng đầu tư dự án lớn. Khẩn trương xử lý, đưa vào sử dụng, tránh lãng phí các trụ sở các đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập.
Đồng chí Đồng Dũng Mạnh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Miện đề nghị tỉnh cần sớm tính toán, có hướng dẫn quản lý, sử dụng các trụ sở sau khi sáp nhập xã để tạo điều kiện cho các địa phương hoạt động thuận lợi hơn. "Tỉnh cũng cần có chế độ phù hợp cho đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở những thôn của các xã mới thành lập. Cơ chế hiện nay dựa vào quy mô dân số nhưng đối với một số thôn, khu dân cư ở những xã mới sáp nhập việc đi lại cũng khó khăn, vất vả hơn do địa bàn xa trung tâm xã so với trước đây", đồng chí Mạnh đề nghị.
Nhức nhối rác thải nông thôn
Chủ tịch UBND huyện Nam Sách Lê Quang Thụ phát biểu thảo luận
Ông Lê Quang Thụ, Chủ tịch UBND huyện Nam Sách phản ánh vấn đề rác thải sinh hoạt nông thôn hiện rất bức xúc, đặt ra nhiều khó khăn. Cử tri địa phương phán ánh, ý kiến rất nhiều tại các cuộc họp, hội nghị, tiếp xúc, đối thoại. Hiện các việc xử lý rác thải ở các huyện vẫn chủ yếu là chôn lấp gây lãng phí tài nguyên đất, ô nhiễm môi trường, xử lý không triệt để. Hầu hết các bãi rác ở các địa phương đã đầy, quá tải. "Tỉnh cần có cơ chế cho phép các huyện chủ động quy hoạch, mời gọi các nhà đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải tại huyện để xử lý vấn đề trên", ông Thụ đề nghị.
Cùng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Liễu, Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn đề nghị tỉnh cần có dự án chỉ định hoặc thu hút đầu tư bãi rác thải, xử lý tập trung. Hiện nay hầu hết các bãi quá tải, không xử căn cơ được, gây ô nhiễm môi trường. Tỉnh cũng cần siết chặt quản lý hoạt động khai thác khoáng sản đối với những doanh nghiệp được cấp phép, có cơ chế để các doanh nghiệp sớm nộp phí về môi trường để các địa phương sử dụng, cải thiện môi trường.
Ông Trần Hồ Đăng, Chủ tịch UBND TP Hải Dương cho biết TP Hải Dương đã báo cáo một số ngành chức năng về việc áp dụng công nghệ cao để xử lý rác tại nguồn nhưng chưa thực hiện được.
Cũng liên quan đến xử lý rác thải ở nông thôn, một số đại biểu phản ánh cử tri đề nghị tỉnh tăng mức hỗ trợ 100% mua bảo hiểm y tế cho những người làm công việc thu gom rác thải ở nông thôn, đồng thời cần bổ sung các thiết bị bảo hộ cho những người này để lao động an toàn hơn vì đa số những người đi thu gom rác là những người gặp khó khăn về kinh tế.
Nhóm PV