Chiều 22.12, Kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh khóa XVI chia thành 4 tổ thảo luận với tổng số 15 ý kiến phát biểu.
Bí thư Huyện ủy Tứ Kỳ Nguyễn Ngọc Sẫm phát biểu thảo luận tại tổ
Các đại biểu đã thảo luận sôi nổi và đề xuất nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt mục tiêu kép vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế-xã hội (KTXH).
Cần làm tốt công tác quy hoạch
Đồng chí Vũ Văn Cấp, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Gia Lộc đề nghị tỉnh cần sớm xây dựng quy hoạch chung để các cấp căn cứ vào quy hoạch của tỉnh xây dựng quy hoạch riêng cấp huyện, cấp xã. Hiện các quy hoạch cũ không còn phù hợp nên để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp đòi hỏi phải có quy hoạch mới, chất lượng, phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, tỉnh cần tập trung rà soát các dự án đã khảo sát quy hoạch từ những năm trước để nghiên cứu, điều chỉnh, bỏ ra khỏi quy hoạc những dự án không khai thác được nguồn lực, để đất không kéo dài. “Nhiều doanh nghiệp về tìm hiểu rồi phải quay đi do vướng về cơ chế đầu tư vào ruộng đất nông nghiệp”, ông Cấp cho biết.
Cùng quan điểm trên, đồng chí Bí thư Huyện ủy Thanh Miện Đồng Dũng Mạnh cho rằng để phát triển nông nghiệp, công nghiệp, tỉnh và các địa phương cần nâng cao chất lượng, tính đồng bộ, đẩy nhanh tiến độ công tác quy hoạch. Cần chỉ rõ, định hướng các khu vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp theo tiềm năng của mỗi địa phương, hạn chế tối đa việc điều chỉnh quy hoạch, tránh lãng phí, mất thời gian.
Đồng chí Trịnh Văn Thiện, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Hà đề nghị tỉnh cần định hướng các vùng, địa phương có lợi thế tiềm năng phát triển nông nghiệp đưa vào quy hoạch tổng thể của tỉnh để có cơ chế hỗ trợ phù hợp, giúp người dân yên tâm sản xuất, đặc biệt là các sản phẩm đặc thù của địa phương.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Hà Trịnh Văn Thiện nêu ý kiến
Bà Nguyễn Thị Liễu, Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn cho rằng tỉnh cùng với định hướng vùng sản xuất, tỉnh cần quan tâm đầu tư xây dựng thương hiệu, đưa các sản phẩm nông sản vào thị trường. "Hiện nay các sản phẩm công nhận OCOP mới dừng ở việc công nhận, chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể để các doanh nghiệp đơn vị sử dụng, khai thác thương hiệu", bà Liễu cho biết.
Tạo đột phá trong thu hút đầu tư
Theo ông Lê Thế Trang, Cục trưởng Cục Thống kê, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến phát triển KTXH của tỉnh. Hiện một số doanh nghiệp đóng góp nhiều vào sự phát triển của tỉnh hoạt động cầm chừng, bị gián đoạn. Để đạt mục tiêu đề ra trong giai đoạn tiếp theo, ông Trang đề nghị tỉnh cần có những giải pháp đột phá thu hút đầu tư, cần có những cách làm mới. "Trong thu hút đầu tư, không đợi các nhà đầu tư tìm đến mà phải chủ động tìm đến các nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư mạnh. Nếu tỉnh có 4-5 dự án mạnh thì mục tiêu tăng trưởng 9% trong nhiệm kỳ thì không phải khó", ông Trang nhận định.
Đồng chí Bí thư Huyện ủy Tứ Kỳ Nguyễn Ngọc Sẫm đề nghị tỉnh cần quan tâm thành lập trung tâm phát triển quỹ đất để chủ động giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ phát triển KTXH để kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện. Giao rõ quyền, trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân trong thực hiện kế hoạch phát triển KTXH.
Đồng tình với quan điểm trên, một số đại biểu đề nghị tỉnh cần quy định thời gian cụ thể triển khai đầu tư, có đánh giá với các nhà đầu tư chậm tiến độ, tránh tình trạng doạnh nghiệp nhận phần giữ đất; kiên quyết không ra hạn cho những dự án chậm và nâng cao chất lượng lựa chọn, đánh giá năng lực của nhà đầu từ những khâu ban đầu. Bên cạnh đó tỉnh cần đẩy nhanh xây dựng chính quyền điện tử, kết nối liên thông, tích hợp các ngành trên cùng hệ thống phần mềm, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư các dự án lớn mang tính đột phá.
Ông Lê Thế Trang, Cục trưởng Cục thống kê tỉnh nêu ý kiến
Không chủ quan phòng chống dịch
Bà Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Nguyễn Thị Hải Vân cho rằng cần xác định các chỉ tiêu vừa sức trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Hiện nay các hoạt động tín dụng vẫn tiếp tục bảo đảm, vay chính sách tiếp tục tăng trưởng. Các tổ chức tín dụng có nhiều giải pháp tháo gỡ cho khách hàng, sẵn sàng cung cấp vốn theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhưng không hạ thấp điều kiện cho vay. Bà Vân đề nghị: "Tỉnh cần chỉ đạo đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua hệ thống ngân hàng. Quan tâm bổ sung nguồn vốn cho ngân hàng chính sách, tạo điều kiện cho các hộ chính sách vay phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống sau dịch Covid-19".
Theo Giám đốc Sở Y tế Phạm Mạnh Cường, toàn ngành y tế đang tiếp tục siết chặt, cảnh giác cao với các nguy cơ, các nguồn lây từ chuyên gia, người nước ngoài nhập cảnh; bám sát các khu vực cách ly.
Trong thời gian tới, bám sát diễn biến dịch bệnh trên thế giới, ngành y tế tiếp tục chủ động để tham mưu với tỉnh, tránh bị động, cách ly tràn lan gây giãn cách xã hội không cần thiết, ảnh hưởng đến phát triển. Sẽ tính toán dự trù vật tư, trang thiết bị phù hợp, tránh quá nhiều lãng phí, tránh thiếu thốn. Từ kinh nghiệm chống dịch vừa qua, ngành sẽ có các biện pháp khoanh vùng, giám sát, cách ly, xét nghiệm phù hợp, kịp thời, không ảnh hưởng đến các hoạt động khác. "Các ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng chống dịch trong nhân dân, không để nảy sinh tâm lý chủ quan, lơ là trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19", ông Cường nhấn mạnh
Nhóm PV