Bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc

03/03/2020 16:33

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Bộ đội không quân đã hành quân thần tốc cùng các lực lượng tiến vào giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc...

Vào ngày này cách đây 65 năm, ngày 3.3.1955, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ký Quyết định số 15/QĐA thành lập Ban Nghiên cứu sân bay thuộc Bộ Tổng tham mưu, với nhiệm vụ tiếp quản, chỉ huy và quản lý các sân bay ở miền Bắc, đồng thời giúp Bộ Quốc phòng nghiên cứu về tổ chức, xây dựng lực lượng không quân. Từ đó, ngày 3.3.1955 trở thành Ngày thành lập của Không quân nhân dân Việt Nam anh hùng.


Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bộ đội không quân đã bắn rơi 320 máy bay (trong đó có hai máy bay B-52)

Không quân nhân dân Việt Nam anh hùng

Sự ra đời của Ban Nghiên cứu sân bay cùng với việc nghiên cứu các sân bay, xây dựng cơ sở hạ tầng và hệ thống bảo đảm trên mặt đất là một chủ trương đúng đắn, bước đi phù hợp và là sự chuẩn bị quan trọng để từng bước xây dựng lực lượng Không quân nhân dân Việt Nam trong khi ta chưa có máy bay, chưa có cán bộ chỉ huy, kỹ thuật, người lái… và trong điều kiện nền kinh tế đất nước còn khó khăn. Từ đây, các cơ sở đầu tiên của không quân và hàng không dân dụng được hình thành.

Vào cuối những năm 50 của thế kỷ XX, trên bầu trời Tổ quốc đã xuất hiện những chiếc máy bay đầu tiên mang cờ Việt Nam... Cùng với sự phát triển của cách mạng, Bộ đội không quân đã không ngừng lớn mạnh trở thành một binh chủng thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân và là lực lượng nòng cốt của quân đội nhân dân Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ tác chiến trên không, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, góp phần chi viện cho miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Đầu những năm 60, cùng với đẩy mạnh “Chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam, đế quốc Mỹ bắt đầu chiến dịch bí mật quấy rối, phá hoại rồi tiến tới ráo riết chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh bằng không quân đối với miền Bắc Việt Nam. Trong thời khắc lịch sử ấy, Quân chủng Phòng không-Không quân nói chung, Bộ đội Không quân nói riêng vinh dự được Đảng và nhân dân giao phó nhiệm vụ bảo vệ bầu trời Tổ quốc.

Mặc dù lực lượng phi công, máy bay của ta còn ít, chưa có kinh nghiệm chiến đấu trên không, trình độ kỹ thuật chưa cao, tính năng hỏa lực máy bay của ta không bằng máy bay địch, nhưng chúng ta có tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, có tinh thần đoàn kết hiệp đồng chiến đấu cao. Vì thế, tư tưởng chỉ đạo tác chiến của Không quân ta là “Lấy ít đánh nhiều, tranh thủ thời cơ, bí mật bất ngờ, đánh chắc, đánh thắng ngay từ trận đầu”.

Tinh thần ấy đã được Trung đoàn Không quân 921 quán triệt sâu sắc. Toàn đơn vị dấy lên phòng trào thi đua “Tất cả cho đánh thắng trận đầu”. Sau thời gian chuẩn bị công phu, trong ngày 3 và 4.4.1965, một biên đội MiG-17 của Không quân ta đã xuất kích, mưu trí, dũng cảm, chiến đấu ngoan cường và bắn rơi 4 máy bay Mỹ (2 chiếc F-8U, 2 chiếc F-105) của không quân Mỹ trên bầu trời Thanh Hóa.

Chiến thắng này mang ý nghĩa đặc biệt to lớn, làm nức lòng chiến sĩ và đồng bào cả nước, được Bác Hồ và Trung ương Đảng khen ngợi. Chiến công đó mở đầu trang sử truyền thống của Không quân nhân dân Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử đấu tranh cách mạng dân tộc ta có chiến công trên không. Bộ đội Không quân còn rất trẻ nhưng đã đánh thắng không quân sừng sỏ của đế quốc Mỹ. Và ngày 3.4.1965, trở thành Ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Không quân nhân dân Việt Nam.

Với ý chí: “Đã xuất kích là mang chiến thắng trở về”, trong suốt giai đoạn chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ không quân đã phát huy tinh thần dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo nhiều cách đánh độc đáo, thông minh, góp phần làm phong phú kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Bộ đội không quân đã đánh thắng địch cả trên trời và trên biển, cả ban ngày và ban đêm, thậm chí tiến công sâu vào hậu cứ địch. Trong chiến đấu gian khổ, ác liệt, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của Bộ đội không quân càng được phát huy cao độ, làm ngời sáng phẩm chất cao quý của “Bộ đội Cụ Hồ” trên mặt trận đối không, bảo vệ bầu trời Tổ quốc.

Trong 4 năm chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất (1965-1968), Không quân tiêm kích ta đã xuất kích chiến đấu 4.602 lần chiếc, đánh 251 trận, bắn rơi 218 máy bay của giặc Mỹ, bắt sống 50 giặc lái. Không quân vận tải đã cất cánh tham gia chiến đấu 51 lần chiếc, đánh chìm 3 tàu biệt kích, 1 tàu đổ bộ, bắn bị thương 34 tàu khác, đánh hỏng 1 trạm ra-đa dẫn đường và 2 máy bay trực thăng… Bước trưởng thành nhanh chóng ấy là nền tảng, động lực để Bộ đội không quân tham gia chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai.

Đặc biệt, Bộ đội không quân đã góp phần quan trọng đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B.52 vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố trên miền Bắc (tháng 12.1972), làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”. Trong 12 ngày đêm lịch sử ấy, Bộ đội không quân đã xuất kích 30 lần chiếc, đánh 8 trận, bắn rơi 7 máy bay địch, trong đó có 2 pháo đài bay B.52, bắt sống 5 giặc lái… tạo điều kiện cho các đơn vị phòng không tiêu diệt địch.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Bộ đội không quân đã hành quân thần tốc cùng các lực lượng tiến vào giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, với tinh thần “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, quyết thắng”, Bộ đội không quân đã nhanh chóng chớp thời cơ, chỉ trong sáu ngày luyện tập, đã sử dụng thành thạo máy bay A-37 thu được của địch, bất ngờ tập kích sân bay Tân Sơn Nhất, phá hủy 25 máy bay, loại khỏi vòng chiến đấu gần 300 tên ngụy, góp phần đẩy nhanh tốc độ tiến công của bộ đội ta trên khắp các chiến trường, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bộ đội không quân đã bắn rơi 320 máy bay (trong đó có hai máy bay B-52), gồm đủ các kiểu loại và làm hỏng nhiều chiếc khác, đánh chìm và hỏng nhiều tàu chiến Mỹ.

Đất nước hòa bình chưa được bao lâu, Bộ đội không quân lại cùng quân dân cả nước tiến hành các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, đồng thời làm nhiệm vụ quốc tế, góp phần giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng.

Trải qua 65 năm xây dựng và chiến đấu, Bộ đội không quân không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, phát triển từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ ít hiện đại đến hiện đại; vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng, góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của Quân đội anh hùng.

“Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”

Ngày nay, trong giai đoạn mới của cách mạng, để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin cậy, yêu mến của Đảng, Nhà nước và nhân dân, Quân chủng Phòng không-Không quân đang đẩy mạnh xây dựng theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu. Cùng với đó, tập trung xây dựng Quân chủng thành một khối thống nhất về ý chí và hành động, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Các đơn vị không quân thường xuyên thực hiện tốt công tác giáo dục bản chất, truyền thống vẻ vang của “Bộ đội Cụ Hồ”, “Người chiến sĩ phòng không-không quân ưu tú”; xây dựng cho Bộ đội không quân có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm chiến đấu cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Để đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu trong tình hình mới, các cơ quan, đơn vị trong Quân chủng đã xây dựng, hoàn thiện phương án, quyết tâm chiến đấu, xây dựng thế trận phòng không gắn với thế trận phòng thủ trên từng khu vực, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Quân chủng tập trung xây dựng và thực hiện kế hoạch huấn luyện sát với yêu cầu, nhiệm vụ, lấy huấn luyện bay theo nhiệm vụ và đòi hỏi của thực tiễn chiến đấu là trung tâm...; chủ động đổi mới quy trình đào tạo phi công, kỹ sư hàng không, nhân viên kỹ thuật, giảm bớt sự phụ thuộc vào nước ngoài, tiết kiệm ngân sách cho nhà nước; làm chủ các loại máy bay mới nhằm nâng cao khả năng tác chiến trong mọi tình huống; tích cực nghiên cứu, tổng kết kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn chiến đấu trong các cuộc chiến tranh trước đây, đặc biệt là trong các chiến dịch lớn để bổ sung lý luận, phát triển nghệ thuật tác chiến phòng không-không quân. 

Phát huy truyền thống của Không quân nhân dân Việt Nam anh hùng, Bộ đội Không quân cũng là lực lượng chủ chốt trong việc bay thực hiện các nhiệm vụ đột xuất như cấp cứu ngoài biển, đảo; bay cứu hộ, cứu nạn trong phòng, chống thiên tai... Với hàng nghìn chuyến bay an toàn, Bộ đội Không quân đã góp phần cứu sống hàng trăm người bệnh, hỗ trợ kịp thời hàng nghìn đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, tô thắm thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân.

Trải qua 65 năm xây dựng và chiến đấu, Bộ đội không quân không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, phát triển từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ ít hiện đại đến hiện đại; vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng, góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của Quân đội anh hùng. Với những thành tích và chiến công đặc biệt xuất sắc, Không quân nhân dân Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc