Bán đảo Triều Tiên: Cuộc chơi lớn của Bắc Kinh

28/06/2018 10:17

Về cơ bản, mối quan hệ Trung-Triều thời gian gần đây đều cho thấy sự thành công của Bắc Kinh trong việc duy trì ảnh hưởng và luôn khiến Bình Nhưỡng phải “ngả về mình”.

Trung Quốc đã thành công trong việc duy trì ảnh hưởng và vị thế trong mối quan hệ Trung-Triều, đồng thời tận dụng mối quan hệ này nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược lớn hơn tại khu vực.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã lần thứ ba hội kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi trung tuần tháng 6 vừa qua, chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng. Mặc dù đây không phải điều nằm ngoài dự đoán, song theo nhiều chuyên gia, những động thái này cho thấy một Bình Nhưỡng khó có thể tách khỏi Bắc Kinh trong các vấn đề khu vực. Bình Nhưỡng cần tham vấn Bắc Kinh, và cả hai cần thiết lập các “bước đi chiến lược chung” thời gian tới.

Toan tính từ Bắc Kinh

Mặc dù đã được dự đoán trước, song ý nghĩa và tầm quan trọng của đối thoại Trung-Triều thời gian qua là điều không thể phủ nhận. Với Bắc Kinh, thông qua đó muốn gián tiếp thiết lập hình ảnh cũng như vị thế phía sau hậu trường khu vực, hình thành một sự ảnh hưởng riêng biệt tới toàn thế giới. Đồng thời từng bước củng cố bước đi chiến lược nhằm đạt được những mục đích lớn hơn tại khu vực cũng như trong mối quan hệ Trung-Mỹ.


Trung Quốc và quyền lực phía sau hậu trường. Ảnh: Wall Street Journal

Sự cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ là một trong những vấn đề được Bắc Kinh quan tâm hàng đầu tại khu vực. Tập Cận Bình dường như muốn truyền tải một thông điệp đến Donald Trump rằng Bắc Kinh đã, đang và sẽ đóng vai trò then chốt trong việc “định hình Kim Jong-un”. Trong vấn đề bán đảo Triều Tiên, Bắc Kinh đã luôn tìm kiếm một thỏa thuận “đóng băng kép”, nghĩa là Mỹ-Hàn ngưng các cuộc tập trận và đổi lại, Triều Tiên đóng băng các vụ thử nghiệm hạt nhân. Điều này về cơ bản đã được thông qua tại đảo Sentosa (Singapore) hồi đầu tháng 6 vừa qua. Theo truyền thông Trung Quốc, những diễn biến gần đây cho thấy ý tưởng mà Bắc Kinh đưa ra đang được các bên thực hiện. Điều này chứng tỏ Trung Quốc đã và đang thực hiện đầy đủ vai trò của “một cường quốc có trách nhiệm”và những kết quả tích cực đạt được tại bán đảo Triều Tiên, đặc biệt là vấn đề phi hạt nhân hóa, là điều “không thể tách rời” khỏi các nỗ lực của Trung Quốc.Có thể nói rằng, mọi diễn biến dường như đều đi theo quỹ đạo mà Bắc Kinh mong muốn.

Mặt khác, để củng cố hình ảnh một cường quốc trong khu vực, các phát biểu từ chính quyền Bắc Kinh luôn được định hướng nhằm tạo dựng một hình ảnh thân mặt chặt chẽ với Bình Nhưỡng. Thông điệp mà Trung Quốc phát đi là Trung-Triều đã đạt được “một sự hiểu biết chung” về một loạt các vấn đề có liên quan lẫn nhau, bao gồm cả viễn cảnh phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Theo giới quan sát, mặc dù có thể xuất hiện một vài quan điểm trái ngược giữa lãnh đạo hai bên, song các động thái từ Bắc Kinh luôn cho thấy mối quan hệ Trung-Triều đang ở vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất, thậm chí còn tiến triển hơn nữa. Điều Bắc Kinh muốn nói với thế giới, đặc biệt là với Washington, rằng mối quan hệ song phương này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tình hình địa chính trị khu vực. Và chính Bắc Kinh là bên “cầm chịch” mối quan hệ đó.

Ngoài ra, Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng các động thái nhằm hướng tới sự điều chỉnh giảm các lực lượng quân đội đồn trú của Mỹ tại Hàn Quốc. Đây là mục tiêu lớn và mang tính chiến lược mà Bắc Kinh mong muốn thực hiện từ lâu. Liên quân Mỹ-Hàn ngưng các cuộc tập trận chỉ là điểm khởi đầu trong kế hoạch mà chính quyền Tập Cận Bình đang tiến hành. Một số chuyên gia tin rằng Bắc Kinh có thể sẽ bắt đầu triển khai các cuộc đối thoại hướng tới một hiệp ước hòa bình trên bán đảo Triều Tiên trong thời gian tới. Nếu điều này xảy ra, Bắc Kinh sẽ có cớ để lập luận rằng sự hiện diện quân sự Mỹ tại miền Nam vĩ tuyến 38 không còn mang tính hợp pháp. Mặt khác, Tập Cận Bình có thể sẽ tiến hành các động thái gây ảnh hưởng khiến Kim Jong-un đưa nội dung Hàn Quốc thiết lập Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) lên bàn đàm phán với Mỹ trong các vòng đối thoại tới. Đây là điều sẽ khiến Nhà Trắng rơi vào thế bí.

Về phần mình, Washington có thể sẽ tiến hành các động thái nhằm ngăn chặn hoặc kìm hãm các nỗ lực đầy toan tính của Bắc Kinh. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, sẽ khó cho Nhà Trắng trong việc xác định ưu tiên các hành động cần làm. Bắc Kinh có thể sẽ tiến hành “nước cờ kép”, một mặt sẽ thúc đẩy dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng, mặt khác có thể sử dụng vai trò của mình nhằm củng cố vị thế trong “cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung” đang diễn ra.

Sự lo ngại này không phải là vô căn cứ, mặc dù Trung Quốc chưa có động thái rõ ràng và chủ động trong việc tìm cách dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên, hoặc trong chính sách “đối đầu về thuế” với Mỹ. Tuy nhiên, mục đích sau cùng của Bắc Kinh có thể sẽ là việc tìm cách đưa Triều Tiên thoát khỏi các lệnh trừng phạt. Theo giới chuyên gia, Trung Quốc có thể cho rằng cải cách vấn đề kinh tế Triều Tiên là “giải pháp then chốt” cho vấn đề hạt nhân nước này. Theo các chuyên gia Trung Quốc, bối cảnh hiện tại chính là lúc để Triều Tiên thay đổi, là lúc để Kim Jong-un tìm lời giải cho câu hỏi làm thế nào để đưa một quốc gia đang phát triển trở thành một siêu cường trên thế giới. 

Nhà Trắng cho rằng, nếu Bắc Kinh tiếp tục duy trì niềm tin rằng Bình Nhưỡng thực sự mong muốn hội nhập chính trị và kinh tế vào khu vực Đông Bắc Á, thì đó chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi Trung Quốc có những động thái cụ thể nhằm hỗ trợ Triều Tiên đạt được mục tiêu.

Nghịch lý khác

Sau cuộc đối thoại thượng đỉnh Mỹ-Triều lịch sử ngày 12.6 vừa qua tại đảo Sentosa (Singapore), một hy vọng lớn đã được nhen nhóm, rằng Donald Trump và Kim Jong-un sẽ hướng đến việc phi hạt nhân hóa và thiết lập một thời kỳ hòa bình mới tại bán đảo Triều Tiên. Song trước bối cảnh hiện tại, một số ý kiến cho rằng thế giới có thể đã quá lạc quan. Những lo ngại về cục diện chung bán đảo Triều Tiên hay mối quan hệ với Trung Quốc có thể sẽ khiến Mỹ âm thầm từng bước “lái cuộc chơi” theo một kịch bản bất ngờ: Mỹ vẫn cần một “Triều Tiên hạt nhân”.


Diễn biến phức tạp từ cục diện Mỹ-Trung-Triều. Ảnh: Strategic Culture Foundation

Điều gì sẽ xảy ra nếu chính Mỹ tìm cách hợp thức hóa với thế giới rằng Bình Nhưỡng có thể giữ lại kho vũ khí hạt nhân hoặc sở hữu năng lực hạt nhân ở mức hạn chế?

Đầu tiên, Mỹ có thể sẽ tránh khỏi một xung đột tiềm tàng không đáng có với Triều Tiên. Giữ lại kho vũ khí hạt nhân đồng nghĩa với việc Triều Tiên vẫn có thể duy trì sức mạnh phòng thủ hạt nhân nhất định. Điều này sẽ xoa dịu đáng kể Bình Nhưỡng. Thứ hai, nếu nhìn nhận Triều Tiên tách biệt khỏi Mỹ và Trung Quốc, chính sự an toàn, độc lập và sức mạnh phòng thủ của Bình Nhưỡng sẽ là lời giải cho việc kìm chế những căng thẳng giữa những nước lớn tại khu vực, đặc biệt là Trung-Mỹ.

Sau đối thoại Mỹ-Triều vừa qua, bức tranh lớn hơn đã dần lộ diện. Mục tiêu chiến lược của Mỹ không đơn giản chỉ là hướng tới phi hạt nhân hóa hay thiết lập hòa bình tại bán đảo Triều Tiên. Một số nhà quan sát cho rằng, đằng sau đó chính là việc kìm chế một Trung Quốc đang trỗi dậy.

Để đạt được mục tiêu đó, Washington cần tối thiểu hóa sự ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với những quốc gia láng giềng, cho dù các quốc gia đó có phải đồng minh của Mỹ hay không. Và một “sức mạnh hạt nhân có kiểm soát” từ Triều Tiên có thể chính là lời giải cho bài toán này.

Thời gian tới, Nhà Trắng có thể sẽ thực hiện nhiều hơn nữa các động thái tiếp cận ngoại giao với Triều Tiên, đồng thời có thể dỡ bỏ một vài lệnh trừng phạt hiện đang nhắm vào Bình Nhưỡng nhằm tìm kiếm sự ổn định lâu dài. Trái với dự đoán từ nhiều phía, một “Triều Tiên hạt nhân” và một sự cân bằng cho bán đảo có thể sẽ là kết quả khả dĩ nhất cho sự ổn định lâu dài khu vực và thế giới.

Về cơ bản, mối quan hệ Trung-Triều thời gian gần đây đều cho thấy sự thành công của Bắc Kinh trong việc duy trì ảnh hưởng và luôn khiến Bình Nhưỡng phải “ngả về mình”. Đồng thời tận dụng mối quan hệ này nhằm từng bước đạt được những mục tiêu lớn hơn. Tuy nhiên, vẫn còn đó một Donald Trump khó đoán và có thể “đi bất kỳ nước cờ nào” miễn là bảođảm lợi ích “nước Mỹ trên hết”. Cục diện bán đảo Triều Tiên thời gian tới phụ thuộc rất nhiều vào chiều hướng mối quan hệ và động thái ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc. Donald Trump sẽ làm gì trước một Trung Quốc đầy toan tính trên cả mặt trận địa chính trị khu vực và kinh tế có lẽ sẽ là câu hỏi chưa thể có lời đáp.

HÀ KIÊN (dịch và tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bán đảo Triều Tiên: Cuộc chơi lớn của Bắc Kinh