Bình luận

Những ván cược tại Trung Đông

HÙNG ANH 04/09/2024 05:20

Cái chết của thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh ở Tehran đã làm leo thang căng thẳng giữa Iran và Israel, vốn đang đứng trên bờ vực của một cuộc chiến tranh toàn diện trong nhiều thập kỷ.

ong-haniyeh-va-ngoi-nha-voi-can-phong-ong-o-tai-tang-4-sau-vu-ran-cong-2111.jpg
Thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh và ngôi nhà với căn phòng ông ở tại tầng 4 sau vụ tấn công

Đã có những lời đe dọa thực hiện cuộc tấn công trả đũa từ Chính quyền Tổng thống Iran Masoud Pezshkian, song liệu Iran có đánh cược vào một cuộc chiến tranh trên diện rộng ở Trung Đông? Kể từ năm 2024, Iran đối mặt với hàng loạt thách thức nghiêm trọng, từ vụ tấn công khủng bố ở Kerman nơi diễn ra lễ tưởng niệm chỉ huy cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Qassem Soleimani, vụ tấn công vào lãnh sự quán Iran ở Damascus khiến 11 nhà ngoại giao và 2 tướng cấp cao của IRGC thiệt mạng, cái chết của Tổng thống Ibrahim Raisi và Ngoại trưởng Hossein Amir Abdollahian trong một vụ tai nạn trực thăng và cuối cùng là cái chết của thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh, ngay tại trung tâm Thủ đô Tehran. Tất cả những điều này buộc giới lãnh đạo chính trị Iran phải đưa ra những quyết định cứng rắn và cấp tiến hơn nhằm chứng minh cho người dân trong nước và thế giới thấy rằng, Iran không dễ bị “qua mặt”.

Thủ lĩnh Ismail Haniyeh đến Tehran với tư cách là khách mời danh dự trong lễ nhậm chức của tân Tổng thống Masoud Pezeshkian. Đáng chú ý, trong bài phát biểu, ông Pezeshkian tuyên bố Iran sẵn sàng đàm phán nhằm hạ nhiệt căng thẳng quan trong hệ với phương Tây, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như gỡ bỏ những hạn chế từ bên ngoài. Tất cả những tuyên bố này đều được mong đợi và khá dễ hiểu, vì Tổng thống Masoud Pezeshkian được coi là đại diện của lực lượng cải cách, và việc cử tri Iran lựa chọn ông vì kỳ vọng vào những điều chỉnh chính sách, đặc biệt là chính sách đối ngoại thực dụng, ôn hòa hơn.

Tuy nhiên, những gì đã diễn ra khiến cho những tuyên bố của Tổng thống Masoud Pezeshkian không còn phù hợp. Suy cho cùng, cái chết của thủ lĩnh Ismail Haniyeh không chỉ thể hiện quyết tâm của những người đối lập phong trào Hamas trong việc thực hiện các biện pháp cực đoan, mà còn cho Iran thấy rằng không có ranh giới đỏ nào dành cho họ. Sau vụ việc, cả thế giới “nín thở” về việc liệu sẽ có động thái đáp trả từ phía Iran và điều này có thể đẩy Trung Đông rơi vào một cuộc chiến tranh toàn diện?

Những câu hỏi này, một mặt, buộc Israel phải siết chặt các biện pháp an ninh bằng “sự im lặng đáng ngại” của Iran; mặt khác, chứng kiến những nỗ lực từ phía Washington trong việc thông qua trung gian nhằm thuyết phục Tehran từ bỏ ý định tấn công Israel. Việc Mỹ tăng cường điều tiêm kích và tàu chiến tới Trung Đông có thể là một động thái nhằm “nắn gân” Iran rằng, nước này sẽ phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng nếu tấn công. Nhưng đồng thời cũng cho thấy Mỹ lo ngại nguy cơ một cuộc chiến có thể xảy ra tại Trung Đông.

030824_tau_san_bay_09104603082024.jpg
Ngày 2/8, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã ra lệnh cho nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln thay thế nhóm tác chiến USS Theodore Roosevelt, hiện đang hoạt động ở Vịnh Oman. Trong ảnh: Tàu sân bay USS Abraham Lincoln của Mỹ

Việc leo thang xung đột hoàn toàn không có lợi cho Washington, nhất là trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống đang bước vào giai đoạn nước rút. Ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump hoàn toàn có thể tận dụng nhằm đả kích Đảng Dân chủ vì đã không ngăn chặn một cuộc tấn công vào đồng minh của Mỹ ở Trung Đông. Không phải ngẫu nhiên mà Ngoại trưởng Antony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan thực hiện các hoạt động ngoại giao con thoi, thậm chí tuyên bố sẵn sàng đàm phán với lãnh tụ tối cao Ayatollah Khamenei để không tạo điều kiện cho các sự kiện diễn biến bất lợi cho chính Mỹ.

Đến nay, phản ứng của chính quyền Iran vẫn chỉ dừng lại ở những lời cảnh báo cứng rắn bất chấp cái chết của Ismail Haniyeh như một đòn giáng mạnh vào vị thế của Iran ở Trung Đông nói riêng, thế giới nói chung. Có nhiều nguyên nhân giải thích cho “sự im lặng” của Iran, nhất là khi các cuộc đàm phán ở Qatar và Ai Cập giữa đại diện của Israel và phong trào Hamas, phản ứng gay gắt của Iran chỉ có thể phá hỏng mọi thứ, và tình hình khi đó sẽ không có lợi cho Iran. Tuy nhiên, điều này cũng phản ánh Chính quyền Tổng thống Masoud Pezeshkian đang rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Một mặt, ông Pezeshkian nhậm chức trong bối cảnh cục diện địa chính trị Trung Đông có những chuyển biến phức tạp và việc khơi mào một cuộc chiến tranh toàn diện với Israel sẽ là “một ván cược” mà mức độ rủi ro là rất lớn bởi sức mạnh quân sự của Israel rất đáng gờm sau nhiều năm được đầu tư mạnh mẽ.

Mặt khác, ông Pezeshkian sẽ phải đối mặt với nhiều sức ép. Người dân Iran rõ ràng không muốn một cuộc chiến tranh, nhưng họ cần câu trả lời từ phía chính quyền để bảo đảm rằng “những cái tát” từ đối thủ sẽ không xảy ra. Rạn nứt chính trị nội bộ ở Iran cũng khó tránh khỏi giữa một bên là các lực lượng bảo thủ theo đường lối cứng rắn với một bên là các nhà cải cách, đang cố gắng củng cố ảnh hưởng của mình trong chính phủ.

2708-israel3 (1)
Người dân sơ tán khỏi thành phố Khan Younis, Dải Gaza ngày 11/8

Bên cạnh đó, một tình huống khó khăn đang phát triển giữa Iran và các đồng minh dưới hình thức các nhóm ủy quyền, được coi là những người bảo vệ trung thành cho lợi ích của Tehran trong khu vực. Theo quan điểm của họ, đã đến lúc phải tấn công dứt khoát vào Israel và đối đầu với bất kỳ ai quyết định bảo vệ nước này, kể cả quân đội Mỹ. Tầm nhìn mà các đồng minh của Tehran đưa ra bao gồm các hoạt động quy mô lớn, dài hạn nhằm vào cơ sở hạ tầng, gây gián đoạn an ninh, các mục tiêu quân sự và kinh tế cũng như các khu dân cư và dân sự của Israel. Theo quan điểm của họ, điều này sẽ dẫn đến thực tế là tất cả người Israel sẽ bị buộc phải sống trong các nơi tạm trú trong thời gian dài và gặp phải những khó khăn tương tự như người dân Gaza.

Về phía Israel, có vẻ như nước này cũng đang “đánh cược” trong việc lôi kéo Iran vào một cuộc chiến. Bởi lẽ, nếu điều này xảy ra, Thủ tướng Benjamin Netanyahu sẽ có cơ hội để đoàn kết toàn bộ xã hội Israel, từ đó củng cố vị thế của mình; đồng thời, lôi kéo Washington vào cuộc xung đột. Nhưng đồng thời, nó cũng sẽ đẩy Iran đứng trước nguy cơ “tứ bề thọ địch” bởi không chỉ Iran mà từ các lực lượng thân Iran ở khu vực, như Hamas ở Dải Gaza, Hezbollah ở Lebanon, Houthi ở Yemen.

Những diễn biến gầy đây ở Trung Đông cho thấy Tổng thống Masoud Pezeshkian đang giữ được “cái đầu lạnh” cần thiết để không đẩy khu vực rơi vào một cuộc chiến tranh đẫm máu. Iran hiện vẫn “để ngỏ” khả năng đáp trả buộc Israel luôn phải trong tình trạng “lo lắng” đối phó; đồng thời, có thời gian cần thiết để tối ưu hóa tình hình kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, tiếp tục quá trình tái vũ trang và mở rộng quan hệ với các nước láng giềng trong khu vực bằng cách gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu (BRICS). Một khi Chính quyền Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian thành công trong việc làm suy yếu những nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập nước này, thì tất cả những điều trên sẽ trở thành “mối phiền toái lớn” đối với Israel.

HÙNG ANH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những ván cược tại Trung Đông