Bạn đang ở đâu, hãy ở yên đó bởi thể hiện tình yêu Tổ quốc lúc này đôi khi chỉ bằng cách đứng yên chứ không phải là trở về.
Trước tình hình dịch Covid-19 đang lan nhanh và có những diễn biến phức tạp ở khắp nơi trên thế giới, nhiều du học sinh và kiều bào quyết định về Việt Nam để lánh nạn. Gia đình và bạn bè cũng nhắn tôi cân nhắc chuyện về Việt Nam khi số lượng các ca nhiễm mới ở Australia đang ngày một tăng nhanh. Tuy nhiên, trái với nhiều người, tôi quyết định ở lại Australia.
Lý do tôi chọn ở lại là bởi những rủi ro lây nhiễm khi di chuyển để về Việt Nam rất cao. Việc ngồi trong không gian chật hẹp như khoang tàu bay với số lượng lớn hành khách là môi trường lý tưởng để cho virus lan truyền.
Chúng ta biết được lịch trình mình, tiếp xúc với những ai, còn với các hành khác, làm sao ta biết được là họ không phải là F0, F1 hay F2? Kể cả đeo khẩu trang trên máy bay cũng không thể đảm bảo 100% tránh được virus.
Nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra rằng, loại virus mới này có thể tồn tại trên một số bề mặt (nhựa và thép) trong vòng 72 giờ. Với mật độ người trên máy bay và thời gian các chuyến bay về Việt Nam (ít nhất là 8 giờ cho các chuyến bay thằng và lâu hơn cho các chuyến bay nối tiếp cộng với thời gian nối tiếp ở các sân bay), nguy cơ bị lây nhiễm khi bay về Việt Nam sẽ thế nào?
Việt Nam đã và đang làm rất tốt trong việc phòng chống và hạn chế lây nhiễm Covid-19. Ngay từ khi dịch bùng phát, Chính phủ đã tăng cường việc kiểm soát và cách ly các bệnh nhân. Đáng lẽ, cả nước đã có thể ăn mừng chiến thắng nếu như không có một số thành phần thiếu ý thức, gian dối khai báo để rồi gây ra hậu quả như hiện nay.
Cũng phải nói thêm, các ca bệnh gần đây đều là người vừa từ các vùng dịch trở về. Điều đó cho thấy, lây nhiễm trong cộng đồng ở Việt Nam không nhiều mà chủ yếu là từ nước ngoài. Trung Quốc, hiện cũng phần nào thành công trong việc kiểm soát dịch cũng đứng trước nguy cơ có thể bùng phát dịch trở lại do làn sóng người dân đổ xô về nước.
Covid-19 đã và đang ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta rất nhiều và có tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Vì vậy, nếu dòng người dịch chuyển từ nước này đến nước kia cứ tiếp diễn thì việc khống chế dịch sẽ không bao giờ kết thúc. Nó sẽ như một vòng tròn không có điểm cuối. Nếu vậy, cuộc sống của chúng ta bao giờ mới quay về được như cũ?
Bên cạnh đó, lượng người tràn về Việt Nam quá lớn (hàng nghìn người một ngày) sẽ tạo sức ép lên hệ thống y tế cũng như quy trình kiểm dịch. Hãy nhìn hình ảnh của những người đang làm nhiệm vụ ở tuyến đầu chống dịch, các nhân viên y tế, lực lượng quân đội, công an, tình nguyện viên…họ đã quá vất vả.
Nhiều người phải xa gia đình từ những ngày đầu mùa dịch và cuộc sống của họ giờ đây là những bữa cơm ăn vội, là những giấc ngủ chập chờn. Thậm chí, vì không đủ chỗ, các tình nguyện viên, nhân viên y tế phải trải bìa các tông nằm ngủ giữa sân, lấy chiếu làm chăn.
Hãy nghĩ rằng, nếu chúng ta ở lại, không trở về lúc này, Tổ quốc sẽ bớt đi một gánh nặng, những chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch sẽ đỡ vất vả hơn.
Rất nhiều người cho rằng, thà nhiễm bệnh rồi về Việt Nam được chữa trị còn hơn là ở nước ngoài. Tất nhiên, điều đó không sai nhưng cá nhân tôi cho rằng, mọi người ra nước ngoài và làm việc, đóng thuế cho nước ngoài, nhưng đến lúc có chuyện lại muốn về Việt Nam để hưởng dịch vụ miễn phí.
Có một câu nói tiếng Anh thế này “There is no free lunch”, dịch ra là “Chẳng có bữa trưa nào miễn phí cả”, nên số tiền để chữa trị, cách ly cho bạn đến từ đâu? Hiển nhiên là tiền thuế của người dân rồi. Và đáng lẽ, đó nên là tiền thuế của bạn, một công dân Việt Nam, phải chịu trách nhiệm.
Điều quan trọng tôi muốn truyền tải ở đây là sự bình tĩnh. Trước tình hình căng thẳng của dịch bệnh, hãy tỉnh táo để cân nhắc tình hình, diễn biến xung quanh. Mỗi cá nhân cần thu thập thông tin chính xác và các kiến thức khoa học, nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe cho bản thân, tránh hoang mang, lo lắng không cần thiết.
Dịch Covid-19 xảy ra trên toàn cầu chứ không phải chỉ với một hai cá nhân, nhưng hành động của một vài cá nhân có thể ảnh hưởng rất nhiều đến diễn biến của dịch. Vậy nên tốt nhất, bạn đang ở đâu, hãy ở yên đó bởi thể hiện tình yêu Tổ quốc lúc này đôi khi chỉ bằng cách đứng yên chứ không phải là trở về. Chúng ta sẽ chiến thắng và bình an vượt qua cơn bão Covid-19.